Được sự lãnh đạo của Hội Làm vườn Việt Nam, UBND tỉnh Lạng Sơn, sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp thực hiện của các sở, ngành liên quan, Hội Làm vườn (HLV) Lạng Sơn đã phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tích cực chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đóng góp không nhỏ vào phong trào giảm nghèo, nâng cao thu nhập - tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới...
Xây dựng mô hình trám đen hiệu quả
Phó chủ tịch HLV tỉnh Lạng Sơn Trình Thị Luyến cho biết, triển khai Quyết định số 1649/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện mô hình áp dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài Tuyển chọn cây trám đen ưu tú, xây dựng mô hình nhân giống, trồng mới và thâm canh trám đen, tháng 8/2021, Hội xây dựng mô hình ở 3 xã: Vân Nham, Hòa Bình (huyện Hữu Lũng); Đồng Giáp (huyện Văn Quan), với 38 hộ hội viên tham gia, quy mô 7,6ha.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam Phan Huy Thông (giữa) dự Đại hội đại biểu HLV tỉnh Lạng Sơn.
Trám đen là cây trồng lâu năm, tốc độ sinh trưởng, phát triển khá chậm. Tất cả các vườn đã được chủ hộ thực hiện chăm sóc, cắt tỉa lá già, sử dụng toàn bộ phân bón do hộ dân đối ứng để bón thúc cho cây trám đen.
Đồng Giáp là xã có diện tích trồng trám lớn nhất huyện Văn Quan, với diện tích 37 ha, trong đó có trên 30ha đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2022 đạt trên 20 tấn, giá trị kinh tế đạt 1,4 tỷ đồng. Xác định trám đen là một trong những cây trồng chủ lực, những năm gần đây, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng mới, đồng thời phục tráng diện tích bị thoái hóa. Từ đầu năm 2022 đến nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xã đã hỗ trợ giống và phân bón với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng cho trên 300 hộ nghèo và cận nghèo mở rộng diện tích trồng trám.
Văn Quan hiện có trên 80ha trám đen, trong đó, có 60ha đang cho thu hoạch (đây là huyện có diện tích trồng trám lớn nhất tỉnh). Cây trám được trồng tập trung tại các xã: Đồng Giáp, Tràng Các, An Sơn, Tân Đoàn… Sản lượng năm 2022 đạt khoảng 250 - 300 tấn, doanh thu 20 - 24 tỷ đồng.
Do giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ đã chuyển sang ghép cây để trồng, vừa nhanh cho thu hoạch mà cây lại thấp nên dễ hái. Cây trám đen ghép 3 - 5 năm tuổi bắt đầu bói quả; từ 7 năm tuổi cây cho thu hoạch ổn định với giá thị trường dao động từ 50.000-100.000 đồng/kg quả tươi.
Trước đây, trám đen Lạng Sơn chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao cũng như có nhiều tác dụng phòng trị bệnh, sản phẩm trám đen Lạng Sơn đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng tìm mua, săn lùng. Hiện, thị trường tiêu thụ trám đen Lạng Sơn được mở rộng ra địa bàn các tỉnh, thành như Bắc Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Cây trám đen mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Phát huy vai trò của HLV
Với sự đoàn kết, nhất trí cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ HLV tỉnh Lạng Sơn đã từng bước hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội HLV tỉnh đề ra. Các mô hình kinh tế VAC điển hình đã chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với nhu cầu kinh tế, thị hiếu người tiêu dùng, trở thành mô hình điểm để hội viên, nông dân đến tham quan học tập, từ đó nhân ra diện rộng... Đã có nhiều mô hình tiêu biểu như: Quýt vàng Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định, na Chi Lăng, hồng vành khuyên Văn Lãng, hồng không hạt Bảo Lâm, quýt Tràng Định, ba kích Đình Lập, hoa quả tươi Hữu Lũng, măng tre Bát độ Hữu Lũng, cao khô Chợ Bãi, khoai lang Lộc Bình, trám đen Văn Quan...
Qua đó, từng bước tạo điều kiện để hội viên, nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cơ cấu ngành nghề… Sản xuất gắn với đăng ký nhãn mác để liên kết tiêu thụ sản phẩm đang được mở rộng trên nhiều loại sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế VAC, thực hiện công tác giảm nghèo, đời sống của hội viên ngày một nâng cao.
“Thời gian tới, rất mong HLV Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo để HLV Lạng Sơn hoạt động hiệu quả hơn. UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo UBND các huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế,… bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp để tạo điều kiện cho HLV cấp huyện thực hiện nhiệm vụ củng cố tổ chức, đẩy nhanh việc phát triển hội viên gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế VAC, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên, qua đó góp phần cùng địa phương thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, đồng thời là “cánh tay” nối dài của ngành Nông nghiệp trong thực hiện có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh”, bà Luyến kiến nghị.
Chủ động đổi mới phương thức và nội dung hoạt động
Theo báo cáo tại Đại hội HLV tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2023- 2028, nhiệm kỳ qua, Hội đã tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức HLV các cấp; 100% hội viên đều được tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 12.534 hội viên, tăng 11% so với đầu nhiệm kỳ.
Trong nhiệm kỳ, Hội đã triển khai 4 dự án với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng, 76 hội viên tham gia; xây dựng 17 sản phẩm gắn nhãn hiệu tập thể; tổ chức 483 lớp tập huấn với 19.802 lượt cán bộ, hội viên tham gia. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, vùng sản xuất tập trung.
Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Hội Làm vườn tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 17 thành viên; bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028. |
Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội phấn đấu 100% cán bộ, viên chức và 85% hội viên được học tập chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phấn đấu mỗi năm tăng thêm 2 - 3 xã, phường có tổ chức HLV gắn với mô hình kinh tế VAC; mỗi năm kết nạp thêm 100 hội viên trở lên; trên 80% hội viên được bồi dưỡng kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam Phan Huy Thông ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích mà HLV Lạng Sơn đạt được trong nhiệm kỳ qua. Về hoạt động của Hội trong thời gian tới, Phó chủ tịch Thường trực HLV Việt Nam cho rằng, HLV tỉnh cần tăng cường vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông… tham gia phát triển kinh tế VAC; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp Hội và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên.
Đồng thời, Hội cần tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ hội viên đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, gắn với hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, hướng đến phát triển nền nông nghiệp sinh thái…
Để HLV Lạng Sơn hoạt động hiệu quả hơn, theo ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian tới, HLV tỉnh cần tiếp tục chủ động đổi mới phương thức và nội dung hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan trong việc củng cố và xây dựng tổ chức Hội; cán bộ, hội viên phải nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm vận động xây dựng tổ chức Hội. Đồng thời, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đối với phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, tạo điều kiện để Hội kết nạp thêm hội viên mới…
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.