Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, linh hoạt trong điều hành hoạt động công tác, Hội Làm vườn Long An đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong 11 tháng đầu năm 2021.
Đầu tháng 12/2021, Hội Làm vườn tỉnh Long An tiến hành Đại hội lần 7, nhiệm kỳ 2021-2026.
Điểm nổi bật trong báo cáo tổng kết hoạt động Hội nhiệm kỳ 2016-2021 đã được các đại biểu dự Đại hội đánh giá cao là sự đổi mới, linh hoạt trong điều hành hoạt động công tác Hội Làm vườn, đã giúp Hội vượt qua những khó khăn thách thức lớn so với các nhiệm kỳ trước đó.
Hội Làm vườn tỉnh Long An không thuộc quy chế Hội đặc thù, phải tự lo kinh phí để tổ chức sinh hoạt, Hội chưa có đủ kinh phí để hỗ trợ tài chính cho người làm công tác Hội cơ sở cũng như để xây dựng những mô hình, dẫn đến sinh hoạt Hội nhiều địa phương không còn duy trì. Thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, khối lượng công tác của cán bộ phải đảm nhiệm nhiều hơn trước cũng ảnh hưởng đến sự yên tâm công tác của những cán bộ kiêm nhiệm tham gia công tác Hội.
Ban Thường vụ tỉnh Hội đã nhiều lần làm việc với Lãnh đạo các địa phương, nhưng vẫn chưa củng cố được tổ chức Hội Làm vườn cấp huyện, thành phố. Điều này cho thấy rất khó duy trì tổ chức hệ thống Hội Làm vườn 3 cấp như nhiều năm trước đó đã làm.
Hội Làm vườn tỉnh Long An ra mắt Câu Lạc bộ Canh tác thông minh.
Trước thực trạng này, bên cạnh tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19, động viên hội viên tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19, Ban Chấp hành đã đề ra Nghị quyết phải tập trung mục tiêu chú trọng phát triển hội viên có chất lượng kết hợp xây dựng mô hình có hiệu quả nhằm mang lại lợi ích cho hội viên, chú trọng nâng cao chất lượng hội viên, không chạy theo thành tích. Để khắc phục khó khăn trong việc triển khai hoạt động đến cơ sở, quý 3 năm 2017, HLV đã bàn bạc thống nhất với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 Hội; trong đó có 4 nội dung:
Công tác phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới hội viên: thông qua việc xây dựng các Chi hội nghề nghiệp của Hội Nông dân, HLV kết hợp phổ biến điều lệ HLV, vận động để phát triển mạng lưới Hội viên HLV. Tổng số hội viên HLV hiện nay là 633 hội viên được trãi đều ở các cơ sở. Việc phát triển mạng lưới Hội viên với hình thức này, chất lượng sinh hoạt định kỳ của các Chi hội được nâng lên rõ rệt thông qua việc tư vấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chuyên đề, xây dựng các mô hình sát thực tế sản xuất, được người dân và chính quyền địa phương ủng hộ.
Về hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nông dân, hội viên: HLV kết hợp với mạng lưới Hội Nông dân để thực hiện các lớp tập huấn, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Nhà nước, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo, tọa đàm theo đúng nhu cầu thực tế trong sản xuất của người dân với nhiều chủ đề phong phú. HLV cũng đã cung cấp thường xuyên các tin, bài báo giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình VAC có hiệu quả, cách xử lý các vấn đề trở ngại trong sản xuất của nông dân trên trang website của Sở Nông nghiệp và PTNT và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh... Đã có hơn 3.200 người tham dự các lớp tập huấn.
CLB Canh tác thông minh tổ chức hội thảo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên cây mai.
Hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến: HLV đã phối hợp với các doanh nghiêp để tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm làm ra. Trong đó, Câu lạc bộ Canh tác thông minh do Hội Làm vườn phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Hội Nông dân tỉnh thành lập đã giúp nông dân tiếp cận nhanh và toàn diện hơn với các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ tháng 6 - 12/2020, CLB đã tổ chức 6 cuộc hội thảo về giải pháp canh tác thanh long, cây chanh, cây mai vàng, cây lúa theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững tại các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Châu Thành, Thạnh Hóa, Đức Huệ. Ngoài ra, Hội Làm vườn tỉnh cũng đã phối hợp với Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Bộ môn Sinh lý Trường Đại học Cần Thơ tổ chức 2 hội thảo về ứng dụng bóng đèn LED tiết kiệm điện để xử lý thanh long ra hoa trái vụ.
Đã có 680 nông dân tham dự các hội thảo. Sân chơi này đã giúp nông dân có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm từ các viện, trường và các doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản nên hầu hết người tham dự đều phấn khởi, tự tin hơn.
Các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ HLV thực hiện nhiều mô hình trình diễn, điểm thực nghiệm trên những cây trồng chủ lực của tỉnh. Hầu hết các mô hình đều đạt kết quả khá thuyết phục, giúp nông dân tin tưởng và chủ động hơn trong việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong cải tạo đất, phòng trị dịch hại, hạn chế sử dụng hóa học,tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
Thông qua việc liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp đã giúp HLV bổ sung thêm nguồn lực về tài chính và kiến thức chuyên ngành của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học để HLV thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật có liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế VAC theo hướng hàng hóa cho Hội viên.
Hội Làm vườn tỉnh Long An khen thưởng các chủ mô hình VAC tiên tiến.
Về hoạt động phối hợp tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng: HLV đã phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình VAC tiên tiến. Trong đó, trọng tâm của các tiêu chí đánh giá mô hình nầy là khuyến khích nông dân áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, biết tận dụng, quản lý chất thải theo hướng có lợi, không làm ô nhiễm môi trường. Nội dung phát động thi đua xây dựng mô hình VAC tiên tiến của Hội Làm vườn hàng năm cũng được nhiều nông dân hưởng ứng, cải tạo vườn chưa có hiệu quả theo hướng kết hợp các yếu tố VAC được thực hiện nhiều ở cáchuyện Đức Huệ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ…
Hàng năm, chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Hội Làm vườn được tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng hoạt động phù hợp cho từng thời gian. Trong 3 năm qua, chương trình phối hợp hoạt động đã được Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao vì đã giúp Hội nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi, tổ hội cơ sở, thu hút nông dân vào tổ chức nhiều hơn, giúp Hội Nông dân thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đem lại hiệu quả cho nông dân, hội viên.
Trước khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trong việc tổ chức mạng lưới cán bộ Hội Làm vườn cấp cơ sở, việc liên kết giữa 2 Hội là một chủ trương đổi mới đúng đắn, đã giúp Hội Làm vườn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, mang lợi ích thiết thực cho nông dân và hội viên.
Thời gian tới, Hội Làm vườn Long An sẽ tiếp tục ký kết thực hiện chương trình phối hợp hoạt động với Hội Nông dân tỉnh cho nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, sẽ bổ sung để nâng cấp một số nội dung của chương trình để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, chú trọng phát triển linh hoạt các tổ chức Hội Làm vườn theo ngành nghề sản xuất; hỗ trợ hội viên sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tình trạng bình thường mới.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.