Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 4 năm 2023 | 10:12

Khai thác cá Bắc, Nam ở miền Trung thuận lợi

Hà Tĩnh hiện nay đang vào vụ khai thác cá Bắc, tỉnh Quảng Trị ngư dân lại đang vào vụ khai thác cá Nam. Đây là vụ khai thác thủy sản mang lại sản lượng và thu nhập chính cho ngư dân.

Hà Tĩnh: Ngư dân khai thác hơn 16.200 tấn hải sản vụ cá Bắc

Vụ cá Bắc kéo dài từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, từ tháng 10/2022 đến nay, khu vực trên biển của tỉnh đón nhiều cơn bão, áp thấp và gió mùa. Tuy nhiên, thời gian xảy ra ngắn nên ngư dân vẫn tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để bám biển.

Ngư dân huyện Nghi Xuân tích cực bám biển, vươn khơi trong vụ cá Bắc.

Nguồn lợi xuất hiện chủ yếu là các loài như: cá cơm, nhuyễn thể, cá nục, cá đù, cá đục, tôm, ruốc... Các loài cá nổi xuất hiện mật độ cao nên ngư dân phấn khởi vươn khơi, mang về giá trị cao. Ước sản lượng khai thác vụ cá Bắc của ngư dân Hà Tĩnh đạt hơn 16.200 tấn.

Toàn tỉnh có 67 tổ đội khai thác hải sản với 413 tàu cá (mỗi tổ có 5 - 6 tàu); 2 nghiệp đoàn nghề cá với sự tham gia 416 tàu cá làm nghề câu, rê vùng khơi, vùng lộng tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ. 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.564 tàu cá tham gia, trong đó có 7 tổ đã được kiện toàn theo Luật Thủy sản 2017.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017, các nghị định, thông tư hướng dẫn cho cán bộ, ngư dân, các doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu trên toàn tỉnh; hướng dẫn gia hạn giấy phép khai thác thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn toàn kỹ thuật tàu cá; kiểm tra, thẩm định an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã có tàu cá hoạt động trên biển.

Ngư dân xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) trúng đậm cá cơm vào dịp tháng 2/2023.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động khai thác thuỷ sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thuỷ sản và phòng chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp (IUU) trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, ngư dân Hà Tĩnh đang tranh thủ thời gian trước mùa biển mới để tu sửa ngư lưới cụ, đầu tư trang thiết bị, chuẩn bị thuyền viên, huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá Nam. Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản và thị trường tiêu thụ giúp ngư dân lập kế hoạch tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Ngư dân Quảng Trị đánh bắt vụ cá Nam thuận lợi

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các loại cá nổi xuất hiện nhiều…, ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh đang tấp nập vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam. Đây là vụ khai thác thủy sản mang lại sản lượng và thu nhập chính cho ngư dân.

Nhiều tàu cá xa bờ đánh bắt đạt hiệu quả cao khi mới khởi đầu vụ cá Nam - Ảnh: L.A

Nguyễn Công Tý, thuyền trưởng tàu cá QT 93782TS làm nghề lưới rê bùng nhùng đã liên tục điện thoại cho thương lái để khẩn trương bốc dỡ hải sản, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm để sẵn sàng cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Anh Tý cho biết, năm 2022 vừa qua, mặc dù gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của COVID-19, giá nhiêu liệu tăng cao nhưng nhờ tích cực bám biển đánh bắt nên sau khi trừ chi phí, tàu cá của anh cũng đạt lợi nhuận trên 800 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, tàu cá của anh đã ra khơi được 3 chuyến biển, mỗi chuyến từ 10 - 15 ngày. Bình quân mỗi chuyến đạt sản lượng từ 1,5 - 2 tấn cá thu, cá ngừ.

Doanh thu đạt trên 150 triệu đồng/ chuyến biển. Theo anh Tý, để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, anh đã đầu tư gần 400 triệu đồng tu sửa lại máy móc, trang thiết bị trên tàu, đặc biệt là vàng lưới rê bùng nhùng có chiều dài hơn 7 hải lý. Đồng thời chủ động mời gọi bạn thuyền tham gia khai thác. “Thời tiết từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, các loại hải sản xuất hiện nhiều.

Ông Bùi Đình Chiến ở tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ của đội tàu cá 3 chiếc làm nghề lưới rê bùng nhùng, chụp mực và lồng bẫy mực lá cho biết, các tàu cá của ông đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến ra khơi đều kéo dài từ 15 - 20 ngày nên trước khi vào vụ cá Nam ông đều tranh thủ tân trang lại tàu thuyền, sửa chữa ngư lưới cụ, máy dò cá, máy ICOM, thiết bị giám sát hành trình để sẵn sàng vươn khơi.

Theo kinh nghiệm của ông Chiến, so với vụ cá Nam năm trước thì năm nay thời tiết thuận lợi hơn, các loại cá nổi như cá duội, cá nục, mực lá, mực nang cũng đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, giá dầu giảm nên phí tổn cho chuyến biển giảm xuống khá nhiều.

“Việc lấy dầu, đá lạnh đã được thực hiện từ ngày hôm trước. Hôm nay anh em bạn tàu chỉ bốc thêm lương thực, thực phẩm và kiểm tra lại ngư lưới cụ. Năm nay giá dầu giảm nên chi phí chuyến biển cho 3 tàu cá của tôi cũng giảm được 70 - 80 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, vụ cá Nam là vụ khai thác thủy sản chính của năm với nhiều nghề, đối tượng đánh bắt đa dạng, đặc biệt là các loại cá nổi như cá nục, cá cơm, cá trích, mực…

Đây cũng là vụ cá có sản lượng và mang lại thu nhập chủ yếu cho ngư dân. Hiện tại, mặc dù mới bắt đầu bước vào vụ cá Nam nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, hầu hết tàu cá của ngư dân, nhất là các tàu cá làm nghề pha xúc, lưới vây, lưới rê đều đã vươn khơi đánh bắt đạt hiệu quả cao, đưa sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt trên 5.000 tấn. Đây là tín hiệu lạc quan, mở ra hy vọng sẽ có một mùa vụ khai thác hải sản bội thu cho ngư dân.

Ông Vinh cho biết thêm, để hỗ trợ ngư dân khai thác có hiệu quả, đảm bảo chỉ tiêu sản lượng thủy sản khai thác theo kế hoạch và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với các địa phương ven biển tăng cường dự báo tình hình thời tiết, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả.

Bên cạnh việc hỗ trợ để người dân khai thác có hiệu quả, đảm bảo chỉ tiêu sản lượng thủy sản khai thác theo kế hoạch và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, các địa phương còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy hải sản, tiến tới gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản của Việt Nam.

Nghệ An kiểm soát chặt hoạt động khai thác thủy hải sản

Với mục tiêu chung tay cùng các tỉnh, thành phố ven biển của cả nước tiến tới gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát phòng chống hoạt động đánh bắt thủy hải sản trái phép trên biển.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy (Nghệ An) tuyên truyền các quy định pháp luật trong việc đánh bắt thuỷ hải sản đến các ngư dân.

Nhằm xử lý nghiêm tình trạng khai thác thủy hải sản trái phép, lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy (Nghệ An) đã liên tục tổ chức các đội tuần tra, kiểm tra các hoạt động khai thác hải sản trên biển thuộc địa bàn quản lý. Song song với việc  tuần tra, các cán bộ chiến sỹ cũng tích cực tuyên truyền các quy định pháp luật trong việc đánh bắt thuỷ hải sản đến từng thuyền viên, chủ tàu, thuyền trưởng. Với các nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng như: phát tờ rơi, thông báo trên truyền thanh, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi hội thảo phòng chống khai thác IUU, ý thức của các ngư dân về việc chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp đã được nâng lên.

Trung tá Nguyễn Thành Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy (Nghệ An) cho biết, cán bộ chiến sỹ đồn đã nắm rõ tính cách, tâm lý, đặc điểm của từng chủ phương tiện để có hướng tuyên truyền, nhắc nhở. Thời gian qua, các phương tiện đánh bắt chủ yếu ở vùng biển Việt Nam, không đi nhiều ngày như các nơi khác, nên việc bắt và xử lý vi phạm ở trên địa bàn là chưa có trường hợp nào vi phạm.

Nghệ An hiện có 3.469 tàu cá, với tổng công suất 654.224 CV; trong đó, số tàu cá trên 12m có 1.762 chiếc. Ngư dân Nghệ An đánh bắt hải sản bằng các nghề: Lưới rê, lưới chụp, lưới vây, lưới kéo và nghề câu. Với mục tiêu gỡ bỏ "Thẻ vàng" của EC, trong năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục đôn đốc, quyết liệt hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản. Song song đó, thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng tàu cá địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.

Các địa phương, đơn vị cũng thực hiện nghiêm túc, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời, theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để theo dõi, kiểm soát và xử lý tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn của tỉnh khác để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi khai thác IUU.

Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp duy trì hoạt động có hiệu quả các Tổ công tác Liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá. Bên cạnh đó, tổ chức duy trì tốt công tác phối hợp giữa Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá để tiến hành kiểm tra việc ghi, nộp nhật ký khai thác; kiểm soát việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước không vi phạm về khai thác IUU tại cảng cá.

Chống khai thác IUU, gỡ "Thẻ vàng" của EC là vì lợi ích quốc gia, hình ảnh của đất nước nên cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị. Trong đó, việc tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU phải được đặt lên hàng đầu.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top