Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 1 năm 2023 | 10:31

Sức xuân nông thôn mới ở Tây Bắc

Năm 2022 qua đi, đánh dấu một năm “tam nông” nhiều địa phương giành thắng lợi toàn diện, nhất là trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tà Mung bát ngát nương chè

Đưa chè vào sản xuất theo hướng hàng hóa đã thay đổi tập quán canh tác, giúp bà con một số bản ở xã Tà Mung (Than Uyên, Lai Châu) nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Đưa cây chè vào sản xuất trên diện rộng, người dân xã Tà Mung tìm được hướng đi mới rời xa bến đói nghèo. Cùng với những cây trồng truyền thống khác, hiệu quả kinh tế từ cây chè đang giúp đời sống người dân vượt khó vươn lên làm giàu. Nỗ lực chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tái cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp giúp “tam nông” ở xã vùng cao Tà Mung ngày càng khởi sắc.

Người dân bản Đán Tọ (xã Tà Mung) chăm sóc chè. 

Phần lớn diện tích của xã nằm trong tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây chè và một số giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu mát lạnh nơi núi cao: sa nhân, thảo qủa, sơn tra và trồng khảo nghiệm chè. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên nên năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Đưa cây chè vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa mới thực sự mở ra hướng đi mới cho người dân nơi rẻo cao này. Tới thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 310ha chè, chủ yếu là chè Tuyết Shan và PH 8. Trong đó, 175ha đã cho thu hái, năng suất bình quân năm 2022 ước đạt 5,7 tấn/ha. Các bản: Tu San, Hô Ta, Đán Tọ, Nậm Mở… trở thành vùng trọng điểm trồng chè của xã.

Sống ở núi cao, những năm trước đây, trong tập quán canh tác người dân Tà Mùng chỉ biết tới lúa, ngô rồi trồng thêm thảo quả, sa nhân. Ngoài ra, các hộ cũng chăn nuôi theo mô hình kinh tế của các hộ gia đình. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khiến cho đói nghèo mãi bủa vây. Việc đưa cây chè vào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đã tạo bước đột phá trong tư duy về sản xuất. Đồng thời ghi dấu sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo, phối hợp giữa địa phương với các phòng, ban chuyên môn, tổ chức đoàn thể.

Ngược núi, chúng tôi lên Tà Mung để tìm hiểu rõ hơn về sức sống của cây chè nơi rẻo cao, đất dốc. Từ năm 2017, cây chè đã bắt đầu bén duyên với nơi đây. Những nương chè xanh mướt, mang lại nguồn thu cho bà con nơi đây còn ẩn chứa bao câu chuyện thú vị. Nhưng mấy ai còn nhớ, cây chè từng hoàn toàn xa lạ với tập quán canh tác của bà con nơi đây, để đưa vào sản xuất đại trà, cấp ủy, chính quyền địa phương không ngại bỏ công sức phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn mở hàng loạt các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc chè. Cùng với đó, huyện cũng tổ chức nhiều đoàn đi học tập kinh nghiệm chăm sóc chè ở các vùng chè nguyên liệu trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó là lối canh tác xen canh, trong giai đoạn chè kiến thiết, bà con từng trồng xen ngô, đậu tương… nâng cao hiệu suất sử dụng đất để “lấy ngắn, nuôi dài”. Những lứa ngô, hoa màu được trồng xen canh giúp bà con có thêm nguồn thu trong quá trình chờ thu hoạch chè. Đưa chúng tôi đi thăm những nương, đồi chè trải xanh mướt khắp các triền đồi, ông Phùng Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tà Mung chia sẻ thêm để đưa chè lên núi, dân bản đã góp đất làm đường sản xuất, làm ròng rọc kéo để vận chuyển giống, phân bón từ đỉnh đồi Đán Tọ sang Nậm Mở.

Để cây chè bén rễ, nẩy mầm xanh mướt mát trên đất Tà Mung như hôm nay còn có đóng góp không nhỏ của các hộ gia đình đảng viên nơi đây. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, bà con chỉ thực sự tin tưởng khi thấy các hộ gia đình Mùa A Thanh, Hảng A Lử (bản Hô Ta); Mùa A Sang, Mùa A Sua (bản Đán Tọ); Giàng A Tí (bản Nậm Mở) hăng hái chuyển đổi, cải tạo nương ngô, nương sắn, bãi nương bạc màu sang trồng chè. Thời gian thấm thoát qua đi, mới ngày nào thân chè còn lẫn vào cỏ mà giờ đây đã tạo tán, cho thu hoạch. Chè thu hái tới đâu, được thu mua tới đó, bà con thêm phấn khởi, yên tâm và gắn bó với cây chè. Diện tích chè sản xuất cho sản lượng bình quân mỗi năm 6 - 7 tấn, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình.

Chắt chiu tinh túy của đất trời, ẩn mình trong những biển sương mờ xa đã cùng người dân nơi đây xua đi huyền thoại của quá khứ đói nghèo để viết lên bài ca no ấm của người Mông ở Tà Mung. Cây chè đã giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, tăng thêm thu nhập và giúp cho nhịp sống nơi rẻo cao này thêm sinh khí, giàu năng lượng để hòa nhịp phát triển.

Xuân Huổi Min

Huổi Min - bản vùng cao duy nhất của phường Sông Đà, TX. Mường Lay (Điện Biên) hôm nay đã bước sang trang mới với một tương lai tươi sáng. Quá khứ khó khăn, nghèo đói do không biết phát huy thế mạnh thổ nhưỡng, không mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xóa đói giảm nghèo đã không còn. Giờ đây, khi ý Đảng, lòng Dân đã là một, cuộc sống người dân Huổi Min đang dần ấm no, hạnh phúc hơn...

Nghe cán bộ phường tuyên truyền, vận động, người dân bản Huổi Min đã chuyển đổi diện tích đất nương bạc màu thành ruộng bậc thang, mang lại năng suất cao. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

Trở lại Huổi Min khi mùa xuân đang cận kề, chúng tôi cùng vui với sự đổi thay của bản. Trong căn nhà gỗ vừa được sửa sang gọn gàng, Trưởng bản Lầu A Sò kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện trong một năm qua. Nhưng ấn tượng hơn cả khi cuộc sống của bà con nơi đây đang ngày càng khởi sắc. Anh Sò nói như khoe: “Năm nay, bản mình chẳng lo đói vì lúa, ngô, sắn cùng được mùa. Tết này tha hồ mà vui”. Như để minh chứng cho lời nói của mình, chỉ tay vào kho thóc của gia đình, anh Sò bảo: Đấy cán bộ xem, mấy chục bao thóc kia với vài miệng ăn như gia đình mình thì cả năm không lo đói. Sắp tới mình còn dự định bán đi một ít để mua đồ đạc, vật dụng sinh hoạt”.

Chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng của trưởng bản Lầu A Sò là niềm vui chung của bà con dân bản Huổi Min. Bởi cách đây chừng chục năm, Huổi Min không chỉ là một trong những bản đặc biệt khó khăn ở phường Sông Đà mà còn với cả TX. Mường Lay. Nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn ấy ngoài thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại... thì nhận thức, tư duy cũ trong sản xuất là yếu tố then chốt. Thay vì tận dụng điều kiện, lợi thế về địa hình để chăn nuôi, trồng trọt thì bà con chỉ canh tác lúa nương nên năng suất thấp. Thậm chí, nhiều diện tích còn bỏ trống, bạc màu do thiếu sức người.

Hôm nay thì khác. Trưởng bản Lầu A Sò dẫn chúng tôi đến thăm một vài hộ trong bản. Đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui của bà con sau một năm được mùa. Gia đình anh Lầu A Tú trước đây làm lụng vất vả nhưng chỉ đủ ăn. Từ khi nghe theo cán bộ phường, cán bộ thị xã hướng dẫn chăm sóc cây trồng đúng cách, gieo đúng thời điểm, chọn những loại giống tốt nên sản xuất hiệu quả hơn nhiều. Bởi vậy, với gần 1ha lúa, năm nay gia đình anh Tú thu hoạch được gần 100 bao thóc. Riêng ngô thì anh Tú thu về hơn 1 tấn. Anh Tú chia sẻ: “Trước thì cứ phụ thuộc vào ông trời; trời thương thì mình đủ no, không thương thì mất mùa thôi. Nhưng bây giờ mình hiểu rồi, được mùa hay không chủ yếu là do tư duy, cách làm. Bà con bản mình giờ chẳng lo đói nữa, cứ vậy là làm, cứ vậy là trồng thôi”.

Nhờ sự quan tâm, tiếp sức của Đảng, Nhà nước, đời sống của nhân dân bản Huổi Min đang đổi thay từng ngày, nhất là thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bản đã chuyển đổi được hơn 10ha ruộng bậc thang sang sản xuất 2 vụ, năng suất đạt từ 50 - 53 tạ/ha. Không những được mùa thóc, lúa; mấy năm gần đây, xác định chăn nuôi sẽ là hướng đi giúp xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, người dân bản Huổi Min đã quan tâm đến đàn vật nuôi của gia đình; chủ động hơn trong phòng, tránh dịch bệnh, đói rét. Nhờ đó mà đến nay, mỗi hộ ở bản trung bình có từ 3 - 5 con trâu, bò hoặc lợn, chiếm gần 50% đàn vật nuôi của phường Sông Đà.

Bản Huổi Min hiện có 20 hộ với 100% là người dân tộc Mông sinh sống. Hôm nay, khi đói, nghèo dần lùi xa, nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bản đã phát động, tổ chức tốt việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tuyên dương gia đình đạt gia đình văn hóa trong dịp ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm...

Anh Lầu A Pá, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Huổi Min cho biết: Bản đã hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa; vận động các hội tích cực tham gia xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa cộng đồng, các công trình phục vụ sản xuất ở địa phương với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cùng với đó, tích cực vận động gia đình có con em trong độ tuổi đến trường đầy đủ; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội… Xây dựng đời sống văn hóa mới, quan hệ xóm làng ở Huổi Min giờ đây cũng gần gũi, thân thiết hơn. Trong bản có chuyện vui, buồn, bà con kịp thời hỗ trợ, động viên giúp đỡ nhau. Trong mỗi gia đình, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ…

Quả thực, có chứng kiến mới thấy, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Mông bản Huổi Min đang đổi thay từng ngày. Và dẫu vẫn còn những khó khăn, nhưng bà con nơi đây đang không ngừng nỗ lực, đoàn kết cùng nhau vươn lên hướng đến cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Và xuân này cũng vậy, họ chờ đợi đón một cái tết thật đầm ấm, an vui.

Nông thôn mới Yên Bái thắng lợi

Sản xuất rau sạch tại xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái

Có thể nói, năm 2022 nhà nông Yên Bái lại gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo với sự quyết tâm cao, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và tầm nhìn xa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành chuyên môn, các huyện, thị, thành phố và nông dân từ vùng thấp đến vùng cao đã làm nên những mùa vàng bội thu. Năm 2022, tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 4.916 tỷ đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ, đạt 131% kế hoạch theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 1/11/2021 của Tỉnh ủy. 

Cơ cấu tổng sản phẩm, nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 22,57% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, đứng thứ 6/14 tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Duy trì và phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hàng hóa và đặc sản hữu cơ như: vùng quế trên 81.000 ha, sơn tra 10.000 ha, cây ăn quả 10.000 ha, dâu tằm trên 1.000 ha, 90.000 ha rừng nguyên liệu, 5.400 ha tre măng Bát độ; vùng sản phẩm đặc sản như: lúa nếp Tú Lệ 100 ha, chè Shan hữu cơ Văn Chấn, Trạm Tấu 1.200 ha, vịt bầu Lâm Thượng 122 ngàn con và gần 4.000 ha cây dược liệu các loại. 

Đặc biệt, xây dựng NTM đạt kết quả tích cực, tiếp tục là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của các tỉnh khu vực Tây Bắc. Trong năm, có 11 xã đạt chuẩn NTM, đưa số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 99 xã, đạt 66% tổng số xã toàn tỉnh (10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 3 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu). Số tiêu chí NTM bình quân của các xã trên địa bàn đạt 15,23 tiêu chí. Vui hơn, phấn khởi hơn khi NTM không chỉ mang đến luồng sinh khí, diện mạo mới cho mọi miền quê, mà còn làm đổi thay đời sống vật chất, tinh thần người dân. 

Trong niềm vui đón xuân mới, nhân dân những xã NTM thêm vui, thêm phấn chấn khi đời sống được nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi thay mỗi ngày. Chỉ cách đây hai ba năm về trước, để có một xã đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí là cả vấn đề khó khăn, nan giải, bởi hầu hết các xã đều có xuất phát điểm thấp, người dân chưa hiểu rõ về xây dựng NTM. Thế nhưng, những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023 hàng loạt các xã đã cán đích xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nào là An Thịnh, Yên Hợp, Đông Cuông (Văn Yên); Minh Quán, Hưng Khánh (Trấn Yên)... 

Quan trọng hơn cả khi phương thức tổ chức sản xuất, tư duy làm nông nghiệp của người dân đang thay đổi tích cực, chuyển từ nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường. Người dân đã biết chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch. 

Nền nông nghiệp phát triển toàn diện, nâng cao thu nhập, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2022 có thêm 49 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm lên 183 sản phẩm OCOP và đã đưa 4.684 sản phẩm đặc trưng, trong đó có 155 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại Voso.vn và Postmart.vn. 

Tổng số giao dịch thành công là 7.113 đơn hàng với doanh thu trên 1.188 triệu đồng. Phong trào xây dựng NTM đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục củng cố nâng cao các tiêu chí, các xã chưa đạt đang nỗ lực hoàn thành và đều lấy phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Người dân, cộng đồng đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM ở địa phương, quê hương mình. 

Chương trình xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức bật cho nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Lào Cai chuẩn bị tốt các điều kiện trồng rừng vụ xuân

Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân phát dọn, xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống và các điều kiện cần thiết để trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo tiến độ.

Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Đơn vị phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các khâu như tuyển chọn giống, xử lý thực bì, cuốc hố cho trồng rừng vụ xuân, vụ hè - thu. Chi cục khuyến cáo người dân mua cây giống tại các cơ sở được cấp phép, tuyệt đối không mua cây trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng.

Có mặt tại vườn ươm của Công ty TNHH MTV Giống nông - lâm nghiệp Tiến Thành (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) những ngày giáp tết, các công nhân vẫn miệt mài chăm sóc, đóng bầu, đảo bầu cho cây. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất hơn 5 triệu cây giống các loại (quế, keo, mỡ, sa mộc…). Các lô cây giống đều có biển tên rõ ràng, sổ nhật ký theo dõi, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống. Đến giữa tháng 1/2023, hơn 80% lượng cây giống trong vườn đạt kích cỡ, đủ tiêu chuẩn trồng rừng.

Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có 37 cơ sở sản xuất cây giống với sản lượng hơn 12 triệu cây/năm. Để đảm bảo chất lượng cây giống, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên kiểm tra điều kiện sản xuất, chăm sóc, bảo vệ nguồn giống, sản xuất cây giống tại vườn ươm. Hằng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn trang bị thêm kiến thức chuyên ngành về nghiệp vụ quản lý giống cây lâm nghiệp, kiến thức khoa học - kỹ thuật mới để áp dụng trong thực tế sản xuất cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra công tác trồng rừng, quản lý, sử dụng cây giống trong trồng rừng, đảm bảo số lượng, chất lượng cây cũng như tiến độ trồng rừng.

Là địa phương có diện tích đất đồi núi lớn, chủ yếu là đồi núi dốc nên Bắc Hà chọn hướng đi phù hợp là phát triển kinh tế rừng. Hiện huyện có gần 28.000 ha rừng, trong đó rừng sản xuất là hơn 17.000 ha. Trung bình mỗi năm người dân trên địa bàn trồng mới hơn 1.000 ha rừng. Có được kết quả trên là do trong những năm gần đây, hiệu quả kinh tế - xã hội từ trồng rừng mang lại cao, nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng rừng. Người dân nhận thấy đây là sinh kế bền vững, giúp vươn lên làm giàu nên đã tự đầu tư trồng rừng.

Ông Trần Quang Đại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà cho biết: Năm 2023, huyện có kế hoạch trồng mới 600 ha rừng. Đơn vị đã chỉ đạo các vườn ươm trên địa bàn chủ động kế hoạch gieo ươm cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng vụ xuân của người dân, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát diện tích đất trống, xác định những diện tích rừng đến tuổi thu hoạch để khai thác và trồng lại. Đến thời điểm này, huyện đã xử lý thực bì được hơn 80% diện tích. Bên cạnh đó, các cơ sở ươm cây giống đã chuẩn bị hơn 5 triệu cây phục vụ trồng rừng.

Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh trồng mới hơn 3.000 ha rừng sản xuất, hơn 2.000 ha rừng sau khai thác và hơn 2 triệu cây phân tán. Hầu hết diện tích đất đã được người dân thu dọn thực bì và tiến hành cuốc hố. Nguồn cây giống phục vụ trồng rừng cũng được các cơ sở gieo ươm đáp ứng đủ. Tính đến giữa tháng 1/2023, các vườn ươm trên địa bàn đã gieo ươm được gần 60 triệu cây giống...

Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp và phân bón tăng mạnh, trồng rừng cũng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành liên quan, sự nỗ lực của nông dân, kế hoạch trồng rừng vụ xuân cũng như kế hoạch trồng rừng năm 2023 của tỉnh được kỳ vọng sớm hoàn thành.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top