Chủ động đáp ứng
Ông Cù Văn Thành, Giám đốc công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (VIETCOCO), tỉnh Bến Tre chia sẻ, công ty sản xuất và chế biến 200.000 tấn dừa/năm, và đã xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đến hơn 50 thị trường, giá trị xuất khẩu 60 triệu USD/năm.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, tỉnh Long An: yêu cầu chất lượng hàng hoá từ Trung Quốc ngày càng khắt khe.
Dù vậy, riêng với thị trường Trung Quốc, dù rất gần nhưng công ty bán được rất ít hàng do gặp nhiều bất lợi. Thị trường Trung Quốc rộng lớn nhưng nông sản Việt vào được đó thì cũng phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Ông Cù Văn Thành cho rằng, khách hàng Trung Quốc thường muốn nhập hàng thô, hàng bán thành phẩm… Do đó, nông sản Việt Nam vào thị trường này đối diện với nhiều vấn đề về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…
"ASEAN – Trung Quốc có quy định miễn giảm thuế nhiều. Tuy nhiên ngầm bên trong, để sản phẩm của Việt Nam được lên kệ, được mua bán bình thường ở Trung Quốc và tìm đối tác để cùng làm rất là khó. Chúng tôi cũng cương quyết bám thị trường Trung Quốc, thấy vậy thôi nhưng quá trình làm còn nhiều cái khó lắm" - ông Thành chia sẻ.
Ngoài một số doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu chính ngạch nói chung và xuất vào thị trường Trung Quốc nói riêng, còn lại đa số doanh nghiệp, HTX, nông hộ chưa nắm chắc hoặc chưa thực hiện chặt các yêu cầu sản xuất, chế biến đủ tiêu chuẩn. Việc này cần được chấn chỉnh để đảm bảo nông sản đạt chất lượng xuất khẩu.
Ông Lê Viết Bình, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam, cho biết: Nông sản Việt Nam với sản lượng lớn, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước thì năm 2022 đã xuất khẩu đạt giá trị 53,22 tỉ USD.
Hàng hoá Việt để được lên kệ tại Trung Quốc không hề dễ dàng. (Ảnh minh họa)
Trung Quốc đang xây dựng lộ trình đóng biên, dần loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch, thực sự là một thách thức với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hiện ngoài mặt hàng chuối được xuất khẩu chính ngạch, còn lại hầu hết trái cây, nông sản như mít, sầu riêng, khoai lang… của Việt Nam đều sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Đã đến lúc doanh nghiệp, nông dân phải gắn với thị trường, lấy yêu cầu của thị trường làm mệnh lệnh sản xuất để tìm được chỗ đứng tại Trung Quốc.
Ông Lê Viết Bình nêu rõ: "Việt Nam cùng với cơ quan chức năng Trung Quốc có những văn bản ký kết đi bằng đường chính ngạch để chuẩn hóa các cái sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta nghĩ rằng là đó là một thị trường cạnh tranh… Tuy nhiên, sự cạnh tranh này chính là cơ hội để chúng ta dần dần phải nâng cao chất lượng, uy tín của các sản phẩm nông sản Việt Nam".
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường có nhiều lợi thế như gần gũi về phong tục tập quán, văn hóa tiêu dùng, chi phí logistics thấp... Các địa phương, doanh nghiệp, nông hộ sản xuất cần nắm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường này. Song song đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc thị trường tiêu thụ và khẳng định vị thế thương hiệu nông sản./.