Với đặc tính sinh trưởng mạnh, kháng bệnh tốt, đầu ra thuận lợi, dưa chuột đã trở thành cây trồng chính của nông dân xã An Bình (Thuận Thành- Bắc Ninh).
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân, Hợp tác xã Nông nghiệp An Bình đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Thuận Thành xây dựng mô hình trồng dưa chuột sạch. Ban đầu chỉ có hơn 20 hộ tham gia với diện tích 1,5ha trên đất 2 lúa. Được hợp tác xã hỗ trợ tiền giống, Trạm Khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm…, bà con đã mạnh dạn tham gia. Đến nay, đã có 5/6 thôn của xã trồng dưa chuột, với năng suất bình quân 3 - 4 tấn/sào, bà con lãi ròng khoảng 30- 40 triệu đồng/ha.
Nông dân An Bình đang chăm sóc dưa chuột vụ xuân.
Điều đáng ghi nhận là, nông dân An Bình đã có ý thức xây dựng thương hiệu dưa chuột sạch, bằng việc hạn chế tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng duy nhất một lần vào thời điểm khi cây mới mọc được 3-4 lá ( 20 ngày tuổi).
Ông Phạm Văn Bôi, nông dân trong thôn phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày trồng dưa chuột, bà con đỡ vất vả hơn nhiều, lãi cao lại không mất nhiều công chăm sóc, một vốn mà tận bốn lời”. Còn chị Nguyễn Thị Lành cho biết: “Vì là loại cây truyền thống người dân đã có kinh nghiệm chăm sóc nên đỡ vất vả hơn trồng lúa, khoai, cà chua, năng suất, giá bán lại cao. Bình quân năng suất đạt 3 tấn/sào, giá bán buôn tại ruộng 10.000 - 15.000 đồng/kg đầu vụ, 4.500 đồng/kg cuối vụ, chúng tôi có thu nhập khá".
Trồng dưa chuột khá đơn giản, chỉ mất công chăm sóc và một bộ giàn bằng nứa cho dưa leo, nếu bảo quản tốt có thể dùng được 3-4 vụ. Theo kinh nghiệm của người dân, để đạt năng suất cao cần chủ động tưới tiêu và giữ nước ở mức 1/3 rãnh là tốt nhất, tránh làm ngập úng gốc sẽ gây thối rễ, chết cây. Khi cây lớn, xuất hiện tay leo thì cần dùng dây mềm buộc vào giàn để tránh sâu bệnh và đổ ngã. Sau khi trồng được 30 ngày là bắt đầu cho thu hoạch, việc thu hoạch được chia làm nhiều đợt (trung bình 1 - 2 ngày/lần). Thu hoạch liên tục trong suốt 40-50 ngày thì kết thúc vụ.
Có thể khẳng định, đây là mô hình kinh tế hiệu quả nhưng bà con cũng không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tình trạng dội chợ, rớt giá.
Đỗ Thị Vân Anh
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.