Xuất thân từ thành phố, có công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng với đam mê cộng thêm niềm hăng say đọc sách, báo, chị Hoàng Thị Mai quyết định sang trang mới của cuộc đời với việc lên vùng núi lập nghiệp bằng mô hình trồng rau sạch.
Bén duyên nông nghiệp
Một ngày trung tuần tháng sáu, trong cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi có mặt tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Mới bước chân tới đầu làng, hỏi “chị Mai rau sạch”, từ làng trên xóm dưới ai ai cũng biết. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến trang trại trồng rau rộng hơn 3ha của chị Hoàng Thị Mai (trú TP. Huế) lọt thỏm giữa cánh rừng bạch đàn mênh mông.
Trang trại trồng rau rộng hơn 30.000m2 nhưng chỉ có 3 công nhân phụ trách chăm sóc, thu hoạch; vừa tham quan vừa vặt rau, trái sạch và thưởng thức ngay tại vườn, không cần rửa, vừa đi chị Mai vừa kể: Bén duyên với nông nghiệp từ năm 2015, sau nhiều năm làm việc cho một Tổ chức phi chính phủ về nông nghiệp, quá trình làm việc tôi được tiếp xúc với nhiều người trồng rau, hiểu được những trăn trở của người nông dân cộng với niềm đam mê trồng trọt từ nhỏ, tôi quyết định chọn cho mình con đường lập nghiệp bằng nông nghiệp sạch.
“Thực phẩm bẩn là mối lo cho bữa cơm gia đình và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ mai sau. Sau khi nghiên cứu nhu cầu của thị trường, tôi nảy ra ý tưởng trồng rau sạch. Hạ quyết tâm, tôi chọn vùng đất cằn cỗi nơi này để khởi nghiệp với mô hình trồng rau sạch”, chị Mai tâm sự.
Nghĩ là làm, sau khi thuê 3ha đất ở phường Hương Vân, tính toán kỹ lưỡng nên trồng cây gì dựa trên thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu địa phương. Nơi mảnh đất đồi cát cằn cỗi này, tôi phải bỏ hơn 1 năm thuê nhân công vỡ hoang, cải tạo lại khu đất, chị Mai nói thêm.
“Chưa kể công cán, chi phí đầu tư giếng nước, hệ thống ống bơm nước tưới, phun tưới, mái che, nhà lưới… cũng hơn 1 tỷ đồng. Xong xuôi rồi bón phân chuồng, phân cá ủ hoai với chế phẩm vi sinh cho đất tốt, rồi đánh luống và bắt đầu gieo trồng”, chị Mai nhớ lại.
Buổi đầu gặp không ít khó khăn với những đêm không ngủ, những bữa ăn vội tại vườn, thậm chí có lúc tưởng như phải bỏ cuộc... nhưng vừa làm vừa học hỏi và tự rút kinh nghiệm, công việc trồng rau, quả sạch của chị Mai dần dần thuận lợi, cho thu nhập tăng dần.
“Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm một số loại rau, quả để xem có phù hợp với điều kiện tự nhiên hay không, khi thấy hiệu quả mới mở rộng trồng đại trà. Ngoài kiến thức ít ỏi về nông nghiệp có được trong quá trình làm việc trước đó, tôi dành nhiều thời gian để quan tâm kiến thức về trồng trọt bằng cách học hỏi từ bạn bè và qua báo chí. Tôi thường tìm đọc những tờ chuyên về nông nghiệp như “Kinh tế nông thôn”… Qua những bài báo đã giúp tôi thêm nhiều kinh nghiệm, cũng như nghị lực để khởi nghiệp và nó đã giúp tôi càng quyết tâm hơn”, chị Mai tâm sự.
Trải qua không ít gian truân vất vả, đến nay vườn rau nhà chị cũng đã cho ra những sản phẩm rau sạch với đủ các loại rau ăn lá, bầu, mướp, cà chua, dưa chuột…, trong đó thành công nhất có thể kể đến là mô hình trồng rau cải, bí leo giàn.
Nhân rộng mô hình
Theo chủ trang trại, hiện sản phẩm rau sạch của chị đã có mặt tại siêu thị, bàn ăn học sinh và nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế với cả tấn rau, quả xuất đi mỗi ngày. Cùng với đó, chị còn mở nhiều cơ sở bán rau sạch ở TP. Huế để thuận tiện hơn cho người dân thành phố trong việc lựa chọn sản phẩm sạch. Thu nhập bình quân hàng tháng từ rau, quả sạch của chị Mai đạt gần 200 triệu đồng.
Nhưng theo chị, do sản xuất sạch, không hóa chất, giá bán cao hơn nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng khó khăn; không thể bán một cách rộng rãi trên thị trường mà chỉ khu trú trong các cửa hàng bán lẻ.
Từ thành công ban đầu, để mở rộng sản xuất, thời gian tới, chị Mai tiếp tục đưa vào trồng thêm nhiều giống mới. Chị cũng đang tiến hành mở rộng quỹ đất trang trại, tăng năng suất và sản lượng phục vụ nhu cầu thị trường.
Với mong muốn tạo ra những sản phẩm rau có chất lượng, an toàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, mô hình trồng rau sạch của chị Mai đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp sạch theo hướng bền vững ở Thừa Thiên - Huế.
Ông Châu Văn An, Bí thư Đảng ủy phường Hương Vân, cho hay, chị Mai là gương sáng trong lao động, sản xuất với điển hình là mô hình trồng rau sạch. Trang trại rau, quả sạch của chị Hoàng Thị Mai đang là điểm đến học tập của nông dân trong và ngoài tỉnh. Phường tiếp tục tuyên truyền và triển khai tới người nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất theo mô hình hữu cơ này.
Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro trước tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với cách làm truyền thống. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn là lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều khó khăn như vấn đề tư duy, nhận thức; nguồn vốn và gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Trà, đánh giá: Mô hình của chị Mai hướng đến nền sản xuất hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, tạo ra những sản phẩm an toàn đảm bảo chất lượng cung cấp cho nhu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Để tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với việc phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng, các hộ gia đình, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường sử dụng chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo các tiêu chuẩn sản xuất nhất định như VietGAP, thị xã Hương Trà đang cho thí điểm để nhân rộng ra các phường, xã khác.
Đồng thời, hiện đại hóa công tác chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt cần chú trọng tới việc thay đổi nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm sạch. Từ đó, nông sản sạch mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp người nông dân ổn định sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.Trang trại của chị Mai sản xuất theo mô hình hữu cơ.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.