Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2017 | 3:14

Cá tra tìm đường ra Bắc

Cho đến thời điểm này, trên 95% sản lượng cá tra là dành cho xuất khẩu, thị trường tiêu thụ nội địa chỉ chiếm chưa đầy 5%. Trong số 5% đó, thị trường các tỉnh miền Bắc tiêu thụ khối lượng không đáng kể. Vì vậy, Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội không ngoài mục tiêu: Đưa cá tra tiến quân ra Bắc.

Các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ.

“Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam” sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 06 – 08/10/2017, tại Trung tâm Triển lãm nông nghiệp Việt Nam, số 489 Hoàng Quốc Việt, quân Cầu Giấy, Hà Nội.

Được biết, đây là Hội chợ chuyên ngành hàng thủy sản đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra và một số sản phẩm thủy sản khác tại thị trường trong nước nói chung, thị trường phía Bắc nói riêng, hướng tới mở rộng ra thị trường khu vực, quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường Trung Quốc.

Hội chợ có sự tham gia của hơn 40 DN hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam với quy mô hơn 70 gian hàng. Tại đây, nhiều sản phẩm cá tra và các mặt hàng chế biến giá trị gia tăng từ cá tra, các sản phẩm tôm, cá ngừ đại dương, hải sản khác sẽ được giới thiệu tới khách tham quan, người tiêu dùng trong cũng như ngoài nước.

Bên cạnh đó, hội chợ còn có gian hàng trưng bày các sản phẩm thủy sản khác như thủy đặc sản nước ngọt, nhuyễn thể, nước mắm, dầu ăn từ cá tra, hàng khô,... các mặt hàng phụ trợ phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản. Hội chợ cũng có các gian hàng để các tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh phát triển thủy sản của địa phương mình.

Theo ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cá tra và các sản phẩm từ cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu và thu nhập của người tiêu dùng, đặc biệt ở các lứa tuổi từ 25 đến 45. Tuy nhiên, thời gian qua, người tiêu dùng chỉ biết đến các sản phẩm cá tra thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đông đảo khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm từ thủy sản.

Vì thế, Bộ NN-PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản thành lập một nhóm đối tác công tư trong lĩnh vực thủy sản, trong đó phối hợp với nhiều bên như Hội Cá tra, Hội Nghề cá, VASEP, một số tổ chức phi chính phủ tổ chức câu lạc bộ kết nối các DN tiêu thụ các sản phẩm cá tra trong nước, gắn với hệ thống siêu thị, nhà hàng để từng bước đưa cá tra đến với nhiều người dân.

Đặc biệt, hội chợ còn có khu ẩm thực cá tra trong khuôn viên triển lãm với gần 300m2. Các đầu bếp chuyên nghiệp sẽ giới thiệu chất lượng, dinh dưỡng của sản phẩm cá tra với sức khỏe con người, trình diễn khoảng 20 món ăn được chế biến từ cá tra. Khách tham quan và người tiêu dùng phía Bắc sẽ lần đầu được thưởng thức các thực đơn cá tra hấp dẫn, cách thức nấu các món ăn từ cá tra ngay tại hội chợ.

Đại diện Tập đoàn Sao Mai - đơn vị chịu trách nhiệm Khu ẩm thực cá tra cho biết, trong khuôn khổ “Ngày hội ẩm thực cá tra” khách đến tham quan, mua sắm được dịp thưởng thức những thành quả sáng tạo của người dân miền Tây sông nước. Nhiều món ngon tinh túy từ cá tra như súp bong bóng cá, bao tử cá chiên giòn, chả cá thì là chiên, tàu hủ cá chiên, cá fillet chiên sốt cà, cá cuộn hoa hồng sốt chanh dây, bao tử cá chiên giòn… được giới thiệu rộng rãi. Riêng các món chiên, xào sẽ được sử dụng chính dầu cá Ranee làm từ cá tra dồi dào dưỡng chất tự nhiên Omega 3,6,9 vitamin A, E và các khoáng vi lượng để chế biến. Mỗi thực đơn là một thông điệp khẳng định giá trị gia tăng của con cá tỷ đô.

Ngày hội ẩm thực về cá tra.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhấn mạnh, việc tổ chức hội chợ lần này mang tính chất thăm dò thị hiếu tiêu dùng của người miền Bắc để các doanh nghiệp có hướng chế biến các sản phẩm từ cá tra sao cho phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, phân phối sản phẩm phù hợp.

 Phát biểu khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, trong hơn 20 năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển nhanh, duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định cả về số lượng và chất lượng, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Các sản phẩm thuỷ sản chủ lực là tôm nước lợ, cá tra, cá ngừ đại dương, nhuyễn thể đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu trên 7 tỷ USD, tôm nước lợ và cá tra là hai đối tượng nuôi và xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng hơn 67% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2016. Tại thị trường nội địa, các sản phẩm tôm và các mặt hàng thủy sản truyền thông đã trở thành sản phẩm quen thuộc với mọi đối tượng người tiêu dùng trong nước. Thành công trong xuất khẩu và tiêu thụ thuỷ sản nội địa đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, thủy sản là ngành hàng có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nhất được tập trung phát triển thời gian tới.

Cá tra là sản phẩm chủ lực quốc gia có nhiều lợi thế phát triển của ĐBSCL chỉ với 5.000ha có thể đạt trên 1,2 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD. Nếu có thị trường có thể mở rộng trên 8.000ha và sản lượng có thể đạt trên 2 triệu tấn và hơn thế nữa. “Hơn 20 năm qua, mặc dù sản phẩm cá tra của Việt Nam bị bôi nhọ và đối xử không công bằng ở một số thị trường lớn nhưng với chất lượng và uy tín của mình, cá tra Việt Nam vẫn trụ vững và càng tỏ ra có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía Bắc ít được biết và tiếp cận với sản phẩm cá tra”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội chợ, sẽ diễn ra hai hội thảo chuyên đề về sản xuất cá tra và tiêu thụ sản phẩm thủy sản gồm: “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất cá tra bền vững” và "Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa".

Anh Thơ

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top