Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 9 năm 2017 | 2:20

Cảnh báo tình trạng đua nhau trồng sầu riêng ở Tây Nguyên

Ở Tây Nguyên, sầu riêng đang là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, nông dân đang đổ xô trồng loại cây này. Điều đáng lo ngại là, nếu diện tích sầu riêng tăng mạnh rất dễ dẫn đến tình trạng “cung” vượt “cầu” và nông dân lại là người thua thiệt.

Tại các cơ sở kinh doanh cây giống ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tấp nập người mua cây giống sầu riêng.

Đổ xô trồng sầu riêng

Những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên nông dân các tỉnh Tây Nguyên đầu tư trồng nhiều. Do vậy, ngoài cà phê, hồ tiêu, cao su, bơ… thì sầu riêng đang dần trở thành cây chủ lực tại khu vực này. Sầu riêng Tây Nguyên nổi tiếng nhất là loại được trồng tại Đắk Lắk với vị ngọt thanh, quả nhỏ nhưng múi chắc, thơm ngon và được bán với giá cao. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô vào trồng loại cây này trước khi mùa mưa nơi đây kết thúc.

Có mặt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống tại đường Nguyễn Lương Bằng (TP.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến cảnh người mua kẻ bán giống sầu riêng tấp nập. Có người thuê cả xe tải chở hàng ngàn cây giống sầu riêng về nhà trồng.

Đang chọn lựa cây giống, chị Lê Thị Thanh ở xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk), cho biết: “Nhà tôi có 8 sào cà phê xen hồ tiêu (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2), tuy nhiên năm vừa rồi năng suất kém quá, hồ tiêu bị bệnh chết nhiều, giá cả lại xuống thấp, trong khi hiện nay người trồng sầu riêng lại trúng đậm nên tôi tính mua vài trăm cây sầu riêng về trồng cho kịp mùa mưa. Khi nào sầu riêng tốt tôi sẽ chặt bỏ cà phê và tiêu”.

Cũng như chị Thanh, cách đó không xa, ông Bùi Ngọc Hùng ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) cũng đang chọn cho mình hơn 200 cây sầu riêng Ri6 để trồng. Ông Hùng cho biết: “Chúng tôi vẫn biết việc thay đổi cây trồng là không được nóng vội. Tuy nhiên, đối với nông nghiệp, mỗi cây mỗi thời, nếu không thay đổi cây trồng cho phù hợp với thời thế thì lấy gì thu hoạch mỗi mùa vụ. Các anh cũng biết, hiện nông dân Tây Nguyên đang trúng đậm sầu riêng, biết đâu sau này hình thành vùng cây đặc sản sầu riêng tại đây thì tốt”.

Theo khảo sát của chúng tôi tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (nơi đóng chân của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm Tây Nguyên), hiện giá cây giống sầu riêng dao động từ 85.000 -120.000 đồng/cây, tùy từng loại giống. So với những năm trước, giá giống tăng từ 20.000-30.000 đồng/cây. Để đáp ứng nhu cầu của nông dân, các cơ sở kinh doanh cây giống thường đưa các giống như: Dona, Monthoong, Ri6… về bán. Đây là những loại giống được đánh giá có chất lượng và năng suất cao hiện nay.

Có kinh nghiệm kinh doanh cây giống nhiều năm, anh Lê Đức Thắng, chủ cơ sở kinh doanh cây giống ở đường Phạm Văn Đồng (TP. Buôn Ma Thuột), cho biết: “Chúng tôi là những người kinh doanh giống cây trồng, giống cây nào bán chạy thì nhập nhiều. Năm nay số lượng bà con mua giống sầu riêng tăng đáng kể. Nếu như năm 2016,  tôi chỉ bán được khoảng 2.000 cây thì năm nay chưa hết mùa mưa tôi đã bán tới 5.000 cây, giá cũng tăng thêm khoảng 25.000 đồng/cây”.

Không chỉ nông dân Đắk Lắk đua nhau trồng sầu riêng, mà tại các tỉnh như Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai…, bà con cũng đang có thiện cảm với loại giống cây này và mua về trồng thay thế các loại cây khác với mong muốn sẽ cho thu nhập cao trong thời gian tới.

Cẩn trọng kẻo “cung” vượt “cầu”

Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ..., trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng Tây Nguyên thường chín lệch vụ so với những vùng còn lại. Nhờ sáng tạo của nông dân, sầu riêng từ cây trồng xen canh trở thành giống cây chủ lực, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình.

Hiện nay, ở Tây Nguyên, sầu riêng được đánh giá là một trong những cây trồng cho thu nhập kinh tế cao, nên diện tích tăng lên đáng kể. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000ha sầu riêng (tăng 300ha so với năm 2016). Cây sầu riêng được trồng tập trung tại Krông Pắk, TP. Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin…

Tại Đắk Nông, diện tích sầu riêng đạt  hơn 1.000ha, trong đó, sầu riêng trồng tại Đắk Mil có diện tích và năng suất vượt trội so với các địa phương khác trên địa bàn bởi thơm ngon, cơm vàng, hạt lép.

Riêng Lâm Đồng cũng có hàng ngàn hecta sầu riêng, trong đó Đạ Huoai được coi là “thủ phủ”  sầu riêng của tỉnh này, toàn huyện hiện có 2.000ha, năng suất trung bình 9 tấn/ha, chủ yếu trồng những loại giống cao cấp như: Mon-thoong, Ri6, Dona…

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, sầu riêng nếu trồng đúng quy trình, sau 3-4 năm tuổi sẽ cho thu hoạch, 5-7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Hiện nay, sầu riêng ở Tây Nguyên đang rất được giá, tuy nhiên, khi diện tích sầu riêng tại đây tăng đột biến thì vài năm nữa, khi diện tích cây mới trồng cho quả thì chắc chắn sẽ mất giá, bởi lúc đó “cung” sẽ gấp nhiều lần “cầu”.

Ngoài ra, sầu riêng là loại cây khó tính, dễ sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật và đầu tư nhiều vào khâu chăm sóc, phòng bệnh. Nếu người dân chưa hiểu rõ về nó mà ồ ạt trồng dễ dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Vì những lẽ trên, ngoài việc các cơ quan chức năng cần định hướng, quy hoạch diện tích từng vùng trồng sầu riêng ổn định, chú ý đầu ra cho sản phẩm…, cũng cần khuyến cáo nông dân không nên đổ xô vào trồng loại cây theo từng thời như hiện nay, tránh lặp lại bài học trồng - chặt như các loại cây trồng khác.

Bá Thăng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top