Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 7 năm 2016 | 2:47

Châu Thành phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Với vị trí địa lý thuận lợi (nằm giữa TP.Cần Thơ và thị xã Ngã Bảy), huyện Châu Thành (Hậu Giang) hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Trên nền tảng đó, những năm qua, chính quyền huyện tập trung ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đồng thời phát triển nông nghiệp theo chiều sâu.

Cây ăn trái trở thành nhóm cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện  Châu Thành.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện.

Ông có thể khái quát một số thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành  trong những năm vừa qua?

Theo tôi, thành tựu nổi bật của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua là tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn, biến Châu Thành trở thành điểm đến hấp dẫn; đồng thời xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể khẳng định, dù ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ nhưng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng tôi vẫn không quên nông nghiệp, vẫn xếp ngành này ở vị trí quan trọng, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Theo đánh giá của chúng tôi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng chuyên môn hóa các sản phẩm mà huyện có lợi thế cạnh tranh (cây có múi, xoài, mít); phát triển dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho các ngành nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ bảo quản, chế biến trái cây cũng đang có xu hướng gia tăng.

Một nét mới trong phát triển nông nghiệp ở Châu Thành là diện tích trồng lúa đang có xu hướng giảm dần, nếu như năm 2010 diện tích trồng lúa trên địa bàn là 4.840ha thì đến năm 2015 còn 200ha. Nguyên nhân là do trồng lúa có thu nhập thấp hơn trồng cây ăn trái từ 4 - 20 lần, vì vậy, nông dân đã chuyển sang trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao. Hiện, cây ăn trái trở thành nhóm cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: nhóm cây có múi (cam sành), nhãn, xoài, mít Thái siêu sớm, mãng cầu…, diện tích tăng từ 700ha (năm 2010) lên 10.000ha (năm 2015); sản lượng tăng từ 75.244 tấn lên 82.000 tấn.

Điểm thuận lợi trong phát triển nông nghiệp ở Châu Thành là huyện hiện có 108 khu thủy lợi khép kín 100% diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo ngăn lũ và điều tiết nước theo yêu cầu sản xuất, với tổng chiều dài đê bao là 499,38km, trong đó mặt cứng là 219,55km, đổ đá 96,75km; tổng số cống đập 2.093 cái, 1.390 bọng tròn có đường kính từ 600 - 1000mm, cao trình đê phổ biến là bằng hoặc cao hơn 0,2m so mức lũ năm cao nhất.

Để thuận lợi cho quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã được hình thành. Đến nay, trên địa bàn huyện có 33 HTX, gồm 01 liên hiệp HTX, 27 HTX nông nghiệp, 5 HTX phi nông nghiệp và 50 tổ hợp tác. Những đơn vị này đã trở thành cầu nối giúp nông dân liên kết với Nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Với vị trí địa lý thuận lợi, cùng với các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và sự tạo điều kiện của huyện, mấy năm gần đây, Châu Thành trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư. Nếu như năm 2010 toàn huyện có 454 cơ sở sản xuất thì đến năm 2015 tăng lên 500 cơ sở, giải quyết việc làm cho 1.600 lao động. Trên địa bàn huyện có khu công nghiệp Sông Hậu, cụm công nghiệp tập trung Đông Phú, cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A -giai đoạn 1, cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 3 được tỉnh đầu tư. Đến nay đã kêu gọi và thu hút 16 nhà đầu tư thực hiện 17 dự án, diện tích 600,79ha, với tổng mức đầu tư trong và ngoài nước khoảng 48.447,99 tỷ đồng và 633,7 triệu USD.

Công nghiệp phát triển kéo theo sự tăng tốc của lĩnh vực dịch vụ - thương mại. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển nhanh tại khu vực thị trấn và có hướng mở rộng về nông thôn, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; toàn huyện hiện có 1.700 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, việc phát triển kết cấu hạ tầng cũng được huyện quan tâm đầu tư. Châu Thành đã hoàn thành 57 tuyến đường, dài 88.206m; 26 cây cầu; nâng cấp, sửa chữa 25 tuyến đường, dài 39.951m và 21 cây cầu. Tổng kinh phí dành cho lĩnh vực này là 163.630 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp 47.718 triệu đồng). Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,9%. Trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp, xây mới để đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Nhìn chung, theo đánh giá của tôi, trong 5 năm qua, kinh tế của huyện có sự tăng trưởng ổn định với tốc độ khá cao, trung bình đạt 25,64%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ ưu tiên cho lĩnh vực nào, thưa ông?

Trong định hướng phát triển giai đoạn tới, chúng tôi xác định lấy công nghiệp làm chủ đạo, dịch vụ là nền tảng, nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Nông thôn hiện đại theo các tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đến 2020 thị trấn Ngã Sáu đạt đô thị loại IV. Tiếp tục tạo điều kiện giải phóng mặt bằng giao đất cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn để cung ứng nguồn nhân lực cho các khu - cụm công nghiệp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Châu Thành là địa phương đầu tiên của tỉnh Hậu Giang xây dựng quy hoạch của ngành nông nghiệp trên địa bàn, theo đó khoanh vùng cụ thể cho từng xã trồng loại cây gì cho phù hợp, khuyến khích bà con triển khai theo quy hoạch, từ đó tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào thu mua.

Chúng tôi sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi gắn với thực hiện Chương trình phát triển nông sản chủ lực của tỉnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo phát triển các loại hình kinh tế hợp tác theo mô hình kinh doanh đa ngành; nhân rộng HTX làm ăn có hiệu quả; quan tâm thành lập mới HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông. Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo giá trị và theo quy trình sản xuất đối với nông sản có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến.

Ưu tiên phát triển các loại nông sản chủ lực của huyện, trong đó, cây bưởi Năm Roi 2.200ha, chanh không hạt 500ha, cam sành 3.500ha, mít Thái siêu sớm 500ha… Ưu tiên các chương trình, dự án phát triển giống cây, con năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến đổi khí hậu; đầu tư các dự án giám sát, phòng ngừa và kiểm soát sâu bệnh, dịch bệnh; hỗ trợ đầu tư bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiến hành xây dựng và nâng cấp hệ thống đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhất là các ngành nghề phục vụ cho khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, quan tâm khôi phục ngành nghề truyền thống, giải quyết việc làm, mở rộng các hình thức dịch vụ, huy động mọi nguồn lực để phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, tận dụng lợi thế Khu công nghiệp Sông Hậu, Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú, Phú Hữu A... để phát triển, xây dựng chợ đầu mối trái cây ở các xã, thị trấn, theo hướng “lấy chợ nuôi chợ”.

Tạo mọi điều kiện để ngành dịch vụ phát triển nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng ở khu thương mại, cụm công nghiệp và nhu cầu của nhân dân, nhất là dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ - thông tin, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, y tế, nhà nghỉ... Khai thác du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và di tích lịch sử trong huyện.

Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Huyện Châu Thành sẽ ứng phó với vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Rất may mắn là trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, Châu Thành ít bị ảnh hưởng do có hệ thống đê bao khép kín. Tuy nhiên, chúng tôi lại gặp khó khăn trong vấn đề sạt lở đất do vị trí nằm sát sông Hậu. Vì vậy, trong quy hoạch xây dựng các tuyến lộ chính thời gian tới, chúng tôi sẽ di dời vào sâu bên trong, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống đê bao để bảo vệ diện tích cây ăn trái.

Tuy vậy, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, vì vậy chúng tôi không chủ quan mà tiếp tục có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để giúp người dân ứng phó tốt với vấn đề này, biến thách thức thành cơ hội phát triển.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyễn Đào (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top