Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 6 năm 2020 | 13:40

Chưa được phép mà đào ao trên đất nông nghiệp sẽ bị phạt tiền

Hiện, nhiều hộ gia đình, cá nhân tự ý đào ao trên đất nông nghiệp để nuôi trồng thủy sản. Nếu đào ao trên đất nông nghiệp mà không xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền.

tr44.jpg
Nếu đào ao trên đất nông nghiệp mà không xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền.

 

Đất ao là loại đất gì?

Trong pháp luật đất đai thì loại đất được sử dụng để nuôi cá, tôm,… được gọi chung là đất nuôi trồng thủy sản.

Theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất nuôi trồng thủy sản là đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt.

Như vậy, nhóm đất nông nghiệp gồm nhiều loại đất khác nhau, trong đó bao gồm cả loại đất nuôi trồng thủy sản (đất ao để nuôi tôm, cá,…).

Tự ý đào ao trên đất nông nghiệp sẽ bị phạt tiền

Đào ao để nuôi trồng thủy sản trên các loại đất nông nghiệp không phải đất nuôi trồng thủy sản là hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất nông nghiệp không phải đất nuôi trồng thủy sản sang đất nuôi trồng thủy sản.

Căn cứ theo khoản 1m Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gồm: Chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm.

Theo quy định này, người dân tự ý đào ao trên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác để nuôi trồng thủy sản thì bị xử lý như sau:

Căn cứ khoản 2, Điều 9, Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản với diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,1ha (dưới 1.000m2) phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; Diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 đến dưới 0,5ha phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; Diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 đến dưới 1ha phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; Diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1 đến dưới 3ha phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng; Diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng.

Theo khoản 1, Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ với diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha, phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng; Diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 đến dưới 1ha, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; Diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1 đến dưới 3ha, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; Diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên, phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng

Ngoài việc bị phạt tiền thì người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục  tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Vì vậy, việc người dân đào ao trên đất nông nghiệp để nuôi trồng thủy sản bị phạt tiền nếu đào ao trên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; để không bị xử phạt thì người dân nên chuyển mục đích sử dụng đất trước khi tiến hành đào ao theo hướng dẫn chuyển mục đích sử dụng đất mới nhất.

 

Các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp:

Theo khoản 1, Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;  Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối;

Và đất nông nghiệp khác, gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

 


 

Khắc Niệm
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top