Vẫn biết chỉ có con đường học tập mới có thể vươn lên thoát nghèo, nhưng với thân hình tật nguyền, có đôi lúc chàng trai ấy muốn bỏ đi tất cả.
Vẫn biết chỉ có con đường học tập mới có thể vươn lên thoát nghèo, nhưng với thân hình tật nguyền, có đôi lúc chàng trai ấy muốn bỏ đi tất cả. Thế nhưng, bằng nghị lực vươn lên, anh Nguyễn Đình Thủy ở xã Châu Hạnh (Quỳ Châu - Nghệ An) đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Tự đứng bằng đôi chân tật nguyền
Sinh năm 1985 trong gia đình nghèo ở bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh, không may từ khi hơn 1 tuổi, trong một trận sốt cao, Thủy bị co giật dẫn đến bại liệt. Bố mẹ Thủy lo lắng, tìm thầy, tìm thuốc tứ phương nhưng mọi cố gắng của gia đình đều bất lực, 3 - 4 tuổi, cậu bé Thủy vẫn không tự đi đứng được như bao đứa trẻ khác.
Dù đôi chân tật nguyền, teo tóp, hình hài không phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa nhưng bù lại, đầu óc của Thủy rất minh mẫn và có đôi tay khoẻ mạnh. Lớn lên, đến tuổi đi học, Thủy cũng khao khát được đến trường. Trầy trật, bầm giập tay chân vì nhiều lần tự mình đến lớp để không phiền đến người thân, đến năm lớp 3, Thủy đã có thể đến lớp mà không phải bồng, cõng.
“Thấy mình bị dị tật nên không thể tránh được ánh mắt dị nghị của mọi người, bản thân mình cũng cảm thấy tự ti. Đã có lúc, mình tủi thân muốn vứt bỏ tất cả nhưng nghĩ đến bố mẹ, người thân nên gắng gượng vượt qua mọi khó khăn”, Thủy chia sẻ.
“Lâu đài” hạnh phúc
Học xong phổ thông, Thủy theo anh trai vào miền Nam học nghề sửa chữa xe máy. Ban đầu, chủ cơ sở thấy thân hình Thuỷ không bình thường như bao người khác nên từ chối. Tuy nhiên, bằng tinh thần cầu tiến và nghị lực của mình, Thủy cũng được chủ cơ sở nhận vào học nghề. Tiếp thu nhanh những kiến thức học được, một thời gian ngắn, Thủy đã có thể sửa chữa thành thạo nên được chủ cơ sở bao nuôi ăn, ở và phụ cấp hàng tháng.
Năm 2011, khi đã vững nghề, Thủy quyết định khăn gói về quê để lập nghiệp. Cũng trong thời gian làm nghề ở địa phương, Thuỷ đã gặp và đem lòng yêu thương cô gái ít hơn mình 8 tuổi ở cùng xã.
“Ban đầu, mình cũng tự ti khi âm thầm yêu thương cô ấy. Là người con gái nết na, thuỳ mị, lại còn trẻ nên ngày ấy, Ngọc (vợ Thuỷ bây giờ) được nhiều người săn đón. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã đến với mình khi một ngày đẹp trời, Ngọc gật đầu đồng ý lấy mình về làm chồng”, Thủy hồ hởi tâm sự.
Cưới nhau về, hàng ngày Thuỷ sửa chữa xe máy, còn Ngọc phụ giúp chồng cơm nước, chăm sóc gia đình. Cuộc sống của họ thêm hạnh phúc khi vợ chồng Thuỷ - Ngọc sinh được 2 bé gái kháu khỉnh, khoẻ mạnh. Mấy năm trở lại đây, khi Nhà nước có chủ trương cho người dân vay vốn chính sách phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng Thủy làm đơn xin tiếp cận nguồn vốn vay để cải tạo 3.000m2 ao thả cá, trồng hơn 3ha keo, tràm và chăn nuôi hơn 30 con lợn thương phẩm, lợn nái…
Những năm gần đây, mô hình kinh tế của vợ chồng Thuỷ - Ngọc đã phát huy hiệu quả. Nhìn vào cơ ngơi và cuộc sống hạnh phúc của gia đình Thủy, ai cũng phải nể phục ý chí vươn lên của chàng trai này.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.