Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2019 | 10:54

Cty Naria Vina chuyển nhượng quyền sở hữu: Sở KHĐT Hà Nam vào cuộc

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án lao động “Tranh chấp về xử lý kỷ luật sa thải” giữa nguyên đơn là những người lao động và bị đơn là Công ty TNHH Naria Vina.

Tuy nhiên, công ty này đang cho toàn bộ công nhân nghỉ việc và chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp khác. Việc này đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam vào cuộc làm rõ.
 
Yêu cầu xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật...
 
Tại Quyết định số 01/2019/KN-LĐ ngày 13/6/2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án lao động phúc thẩm số 98/2017/LĐ-PT ngày 18/4/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án lao động phúc thẩm số 98/2017/LĐ-PT ngày 18/4/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
 
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 Trụ sở Công ty TNHH Naria Vina tại xã Thanh Sơn (Kim Bảng - Hà Nam), nơi sa thải công nhân trái pháp luật.

 

Tại bản án giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phánTòa án nhân dân tối cao nêu rõ: Tại Công văn số 02/2014 ngày 14/2/2014 của Công ty TNHH Naria Vina gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam có nêu: “Ngày 06/2/2014, Công ty đã gửi quyết định thu hồi quyết định xử lý kỷ luật sa thải công nhân theo đường bưu điện (báo phát) và quyết định mời công nhân quay trở lại công ty làm việc từ ngày 13/2/2014”.
 
Tuy nhiên, người lao động không thừa nhận đã nhận được Quyết định thu hồi quyết định xử lý kỷ luật sa thải ngày 28/1/2014 của Công ty TNHH Naria Vina… Hơn nữa, theo lời khai của Phòng nhân sự của công ty thì thời điểm đó không có Quyết định thu hồi quyết định xử lý kỷ luật sa thải.
 
Như vậy, chưa đủ căn cứ để xác định toàn bộ 07 người lao động đã nhận được Quyết định thu hồi quyết định xử lý kỷ luật sa thải ngày 28/1/2014 của Công ty TNHH Naria Vina.
 
Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ việc người lao động có nhận được Quyết định thu hồi quyết định xử lý kỷ luật sa thải hay không mà đã chấp nhận việc Công ty TNHH Naria Vina trả lương cho người lao động trong những ngày không được làm việc từ ngày bị xử lý kỷ luật sa thải đến ngày 10/02/2014 là chưa đủ căn cứ…
 
Về mức lương làm căn cứ tính bồi thường: Khoản 1, Điều 90, Bộ luật Lao động quy định: “Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.
 
Như vậy, mức lương làm căn cứ để tính bồi thường cho người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 42, Bộ luật Lao động, bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ vào mức lương chính 1.994.000 đồng/tháng để tính bồi thường là chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 Quyết định của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Về tiền làm thêm giờ: 07 người lao động có yêu cầu Công ty TNHH Naria Vina bồi thường tiền công lao động ngoài giờ chưa trả. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn; Tòa án phúc thẩm chấp nhận nhận yêu cầu, buộc Công ty TNHH Naria Vina bồi thường 01 tháng lương đối tất cả các nguyên đơn đều không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần căn cứ vào thời gian làm việc của từng người để quyết định mức bồi thường tương ứng.
 
Về tiền Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 42, Bộ luật Lao động, trong trường hợp sa thải người lao động trái pháp luật, người sử dụng lao động còn phải trả tiền BHXH, BHYT trong những ngày người lao động không được làm việc. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét giải quyết nội dung này là chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
 
Vì các lẽ trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ra Quyết định: Căn cứ vào khoản 3, Điều 343, khoản 1 và khoản 2 Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự
  1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án lao động phúc thẩm số 98/2017/LĐ-PT ngày 18/4/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
  2. Hủy Bản án lao động phúc thẩm số 98/2017/LĐ-PT ngày 18/4/2017 của Tòa án cấp cao tại Hà Nội về vụ tranh chấp xử lý kỷ luật sa thải giữa các nguyên đơn là 07 người lao động với bị đơn là Công ty TNHH Naria Vina
  3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo thủ tục phúc thẩm, đúng quy định của pháp luật.
 
Đề nghị ngăn chặn chuyển nhượng quyền sở hữu
 
Sau quyết định của Hội đổng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, người lao động mong chờ một bản án phúc thẩm công tâm đúng pháp luật.
 
Tuy nhiên, người lao động lại tiếp tục có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng về việc hiện nay Công ty TNHH Naria Vina cho toàn bộ công nhân nghỉ việc và đang chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp khác. Họ sợ rằng nếu các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam không ngăn chặn kịp thời việc chuyển nhượng này thì khi có bản án Công ty cũng không còn ở Việt Nam, vậy quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ không còn để thực thi,…

 Chị Đinh Thị Ánh, đại diện cho những người lao động bị sa thải trái pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, chị Đinh Thị Ánh, đại diện cho những người lao động bị Công ty TNHH Naria Vina sa thải trái pháp luật, cho biết: Từ khi bị Công ty sa thải trái pháp luật đến nay, chúng tôi rất vất vả để tìm việc, vì đi đến công ty nào cũng bị coi như người lao động không gương mẫu, không có ý thức kỷ luật,… Sau bao năm vất vả đi tìm công lý cho bản thân, chúng tôi cũng muốn để chủ doanh nghiệp nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam phải tôn trọng người Việt Nam, tuân thủ, thực thi luật pháp của nước Việt Nam. Nay chuẩn bị đến ngày công lý được thực thi thì Công ty TNHH Naria Vina lại có ý định chuyển nhượng quyền sở hữu, nhằm trốn tránh trách nhiệm? Tôi rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm vào cuộc ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản của Công ty cho đến khi công lý được thực thi và cũng để quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi được đảm bảo.

 Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản cho đến khi công lý được thực thi.

 
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, cho biết, Sở vừa nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của những người lao động và đã giao cho các phòng chuyên môn kiểm tra, sau khi có kết quả, sẽ thông tin lại cho báo.
 
Trước đó, Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh loạt bài viết liên quan đến Công ty TNHH Naria Vina nhưng chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam làm rõ như: việc cam kết sử dụng lao động; chỉ trong 6 tháng năm 2016 và năm 2017 công ty này đã đưa hàng gia công bên ngoài, sau đó mua hóa đơn lên đến gần 60 tỷ đồng...
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top