Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng đến các doanh nghiệp ĐBSCL khi lượng đơn hàng mới của các doanh nghiệp tại đây giảm gần 81%, tổng doanh thu giảm 77,8%.
Mới đây, tại Cần Thơ đã diễn ra diễn ra Hội nghị với chủ đề “Kinh tế Việt Nam sau Đại dịch Covid-19 - Kịch bản cho ĐBSCL và sự lựa chọn của doanh nghiệp”. Theo đó, 6 tháng đầu năm tổng sản phẩm GRDP của vùng ĐBSCL tăng trưởng khoảng 2,08%. Trong đó, tăng trưởng quý 2 đạt 0,45%, cao hơn mức tăng trung bình cả nước, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm có hơn 4.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Theo đánh giá, nền kinh tế còn tiếp tục ảnh hưởng trong những tháng cuối năm và những năm sắp tới.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Tình hình sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp giảm đi; trong đó, lượng đơn hàng mới giảm 80,7%. Tổng doanh thu giảm 77,8%, lượng mua nguyên vật liệu đầu vào giảm 61,6% và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị giảm 61,1%.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành nông nghiệp, chế biến nông sản hiện đang tồn kho, hoạt động cầm chừng, trong khi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực du lịch, xây dựng, vận tải, logistics, may mặc và da giày vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và rất nhỏ đang phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng kinh doanh.
Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm chiếm gần 60%, trong khi tỷ lệ tăng lên chỉ chiếm 4,6%. Ngoài ra, số lượng công nhân tại doanh nghiệp giảm đến 47% cho thấy chỉ có khoảng một nửa doanh nghiệp bảo đảm được công việc ổn định cho công nhân viên.
Liên quan vấn đề lao động, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, đến ngày 19/4 vừa qua, tại tỉnh Cà Mau có trên 26.000 người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, dịch vụ buộc phải về quê. Cụ thể là Sóc Trăng có 28.000 lao động; Hậu Giang 18.000 lao động và Kiên Giang có 30.000 lao động. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt là với những ngành như dệt may, giày dép.
Theo ông Lộc, với ngành giày dép, đến tháng 8 tới, có nhiều doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoạt động vì các hợp đồng đã hết. Do đó, sẽ có nhiều lao động đang làm việc ở ngành dệt may, giày dép sẽ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm và việc này không chỉ do ảnh hưởng bởi việc đứt gãy thị trường mà còn do tác động của xu hướng tự động hóa.
Theo nhận định của VCCI, riêng tại ĐBSCL do đặc thù ngành nghề tập trung nhiều ở lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp nên ảnh hưởng có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, đến nay thị trường tiêu thụ chủ lực đều giảm đơn hàng. Nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như trái cây giảm hơn 21%, cá tra giảm hơn 39%, tôm giảm hơn 4,5%.
Bến Tre thiệt hại trên 1.600 tỷ đồng do xâm nhập mặn
Mùa khô 2019-2020 tỉnh Bến Tre bị tác động trên hầu hết các lĩnh vực, riêng ở lĩnh vực nông nghiệp có gần 28.000 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống tại huyện Chợ Lách, 168 ha hoa màu, gần 3.100 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.660 tỷ đồng.
Để giải quyết các vấn đề căn cơ về nguồn nước, lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước ở ĐBSCL. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bố trí vốn Trung ương khoảng 250 tỷ đồng để Bến Tre đầu tư tiếp các hồ chứa nước ngọt.
Trong buổi làm việc mới đây tại Bến Tre về tình hình an ninh nguồn nước và công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bến Tre, đồng thời cho rằng, xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống người dân.
Thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ khiến tỉnh Bến Tre còn nhiều khó khăn hơn nữa. Vì vậy, Bến Tre cần phối hợp với Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi và các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn tính cả giải pháp trước mắt và lâu dài.
Đặc biệt, xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống người dân Bến Tre. Trong thời gian qua, hệ thống thủy lợi được Trung ương quan tâm đầu tư và đến 2023 sẽ giải quyết cơ bản việc thiếu nước ngọt. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, Bến Tre sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh cần phải bảo vệ chất lượng nguồn nước tránh tình trạng ô nhiễm. Việc vận hành hệ thống thủy lợi phải nhịp nhàng, hợp lý gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa. Đồng thời, phải thay đổi tập hoán sản xuất, chuyển đổi ngay cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện hạn, mặn như hiện nay.
Cử tri đồng ý thành lập thành phố Phú Quốc
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) vừa ký báo cáo gửi UBND tỉnh Kiên Giang về kết quả lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập TP Phú Quốc và thành lập các phường thuộc TP Phú Quốc.
Theo đó, huyện Phú Quốc đã tổ chức lấy ý kiến của 62.284/64.263 cử tri ở 10 xã/thị trấn về việc thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Trong đó, có 61.870 cử tri đồng ý với đề án, chiếm tỉ lệ 96,28%.
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng có Tờ trình gửi Thủ tướng về việc đề nghị phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Phú Quốc đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ 1/10.000.
Theo đề án, TP Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 589,27 km2 diện tích tự nhiên, dân số 179.480 người và 09 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Phú Quốc gồm: 02 phường và 07 xã (nhập xã Hòn Thơm vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới - giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã).
Phú Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước, khu vực ĐBSCL và tỉnh Kiên Giang.
Ngày 17/9/2014, Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù huyện Phú Quốc có những phát triển bứt phá về kinh tế, xã hội, du lịch; song cấp đơn vị hành chính như hiện tại vẫn là "chiếc áo quá chật" ngăn cản nhiều cơ hội bứt phá cho Phú Quốc.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.