Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 8 năm 2021 | 20:52

ĐBSCL: Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó trong thời gian giãn cách

Nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã bước sang giai đoạn 2 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Bên cạnh thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch Covid-19, nhiều địa phương đã quan tâm tới đời sống người dân nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.

Vĩnh Long hỗ trợ người lao động xa quê

Ngày 2/8, tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc vận động, quyên góp ủng hộ Quỹ hỗ trợ công dân Vĩnh Long ở TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và thống nhất chủ trương vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp vào Quỹ hỗ trợ người dân Vĩnh Long ở TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

 

Vĩnh Long kêu gọi cán bộ, công viên chức hỗ trợ người lao động xa quê

 

Cụ thể, với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hệ số lương từ 4.0 trở lên ủng hộ 10 ngày lương. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hệ số lương dưới 4.0 ủng hộ 05 ngày lương. Còn cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế, Công an, Quân sự và Thanh tra giao thông trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ủng hộ ít nhất 02 ngày lương.

Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang gặp khó khăn, giao thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xem xét mức đóng góp cụ thể từng trường hợp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh thành lập các Tổ thực hiện tiếp nhận, quản lý nguồn kinh phí, hàng hóa đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có kết luận về việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/hộ được quy bằng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Trước đó, ngày 1/7, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định về việc hỗ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ hỗ trợ những lao động là người bán vé số; người lao động tự do gồm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu mua ve chai, phế liệu lưu động, xe ôm, bán đồ ăn vặt không có địa điểm cố định, bán thức uống nhỏ lẻ tại lề đường, tại trước các trụ sở cơ quan, trường học.

Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, cho những ngày thực tế tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Từ ngày 3/8, Hậu Giang đón người dân từ TP. HCM về quê

Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Hậu Giang ban hành kế hoạch hỗ trợ đón công dân của địa phương này trở về từ TP.HCM. Theo đó, các công dân được đón về do ảnh hưởng dịch Covid-19 là những người đang học tập, lao động tại TP.HCM, gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội và không phải F0.

Trong đó, nhóm ưu tiên thứ nhất là người già, trẻ em; phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 3 tuổi; người khuyết tật, đi khám, chữa bệnh, thăm thân nhân, đi công tác chưa trở về được; lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng và học sinh, sinh viên.

 

 Bắt đầu từ ngày mai, ngày 3/8 Hậu Giang sẽ đón người lao động gặp khó khăn ở TP. HCM về quê.

 

Nhóm thứ 2 là lao động tự do, bị mất việc làm; còn lại thuộc nhóm các trường hợp khác.

Trước khi về quê, những người có nhu cầu phải đăng ký theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và được sự thống nhất của cơ quan chức năng nơi cư trú tại TP.HCM. Đặc biệt, những người được tỉnh Hậu Giang đón về phải có giấy xét nghiệm rRT-PCR âm tính SARS-CoV-2 trong 3 ngày.

Bắt đầu từ ngày 3-4/8 tỉnh Hậu Giang đưa xe đến TP.HCM đón người dân thuộc nhóm ưu tiên 1 với số lượng 200-300 người. Đợt 2 dự kiến vào ngày 11-12/8, đón công dân nhóm 2, 3 cũng với số lượng 200-300 người.

Căn cứ tình hình dịch bệnh và các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại các vùng dịch, tỉnh Hậu Giang sẽ có thêm những chuyến xe đón người dân từ TP.HCM về quê.

Tiền Giang hỗ trợ hàng hóa cho người dân TP Hồ Chí Minh

Ngày 2/8, UBND tỉnh Tiền Giang đã chi khoảng 1 tỷ đồng mua hàng hóa hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và Hội đồng hương người Tiền Giang tại TP Hồ Chí Minh, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân chống dịch Covid-19.

Theo đó, tỉnh đã mua 67 tấn nông sản gồm: Gạo, cá khô, thanh long, khoai mỡ, bầu - bí xanh, đậu bắp… hỗ trợ cho người dân TP Hồ Chí Minh. Hàng hóa nói trên được vận chuyển bằng tàu cao tốc tại bến thủy nội địa xã Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang) để chở về TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân thành phố và 3 xe tải chở hàng hóa tặng cho Hội đồng hương tỉnh Tiền Giang tại TP Hồ Chí Minh.

 

Khẩn trương xử lý 42 ca nghi mắc Covid-19 ở Tiền Giang 

Ngày 2/8, ông Trần Duy Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, các lực lượng chức năng đang khẩn trương có biện pháp ứng phó tại khu dân cư vừa phát 42 ca nghi mắc Covid-19.

Trước đó, ngày 1/8, hai người dân là mẹ và con, ở ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, (Tiền Giang) phát hiện sức khỏe có biểu hiện bất thường nên đến trạm y tế xã test nhanh và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai người này đã được giữ lại trạm y tế xã.

 

 Sau đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Mỹ Lợi A đã triển khai lực lượng xuống khu vực có ca nghi nhiễm để triển khai test nhanh cho toàn bộ người dân, theo đó, tiếp tục phát hiện 42 trường hợp dương tính. Sau khi phát hiện nhiều ca nghi nhiễm, các ngành chức năng huyện và chính quyền các địa phương đã khẩn trương thực hiện các công tác cần thiết để khống chế, bao vây mầm bệnh như: tổ chức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm PCR, phong tỏa khu dân cư...

Ông Lê Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi A cho biết, ngày 2/8, có công an huyện, y tế huyện xuống kết hợp lấy thông tin dịch tễ. xã Mỹ Lợi A đang tính toán làm 1 chốt kiểm soát dịch. Các lực lượng đang tiếp tục thực hiện truy vết, điều tra dịch tễ. Hiện chưa tìm được nguồn lây.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lan tỏa thông điệp bảo tồn động vật hoang dã đến sinh viên

    Lan tỏa thông điệp bảo tồn động vật hoang dã đến sinh viên

    Tỉnh Quảng Nam nâng cao hiểu biết, kiến thức về đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã ở nhóm khách hàng tiềm năng và trẻ tuổi, đặc biệt là nhóm sinh viên. Thúc đẩy sự tham gia của ngành giáo dục nói chung và sinh viên nói riêng vào công tác giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép.

  • Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    UBND thành phố Huế vừa phối hợp cùng với Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD).

  • Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Trong hai ngày 16-17/3 (nhằm mồng 7 và mồng 8 tháng hai âm lịch) đã diễn ra Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An 2024 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với nhiều hoạt động đặc sắc.

Top