Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 1 năm 2022 | 10:37

Để không còn ùn tắc nông sản ở biên giới: Cần làm bài bản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyện ùn tắc nông sản ở biên giới là câu chuyện năm nào cũng xảy ra, do đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cần phải làm bài bản từ khâu quy hoạch, dự báo thị trường và xuất khẩu chính ngạch.

Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản

Trong bối cảnh cánh cửa vào thị trường Trung Quốc ngày càng hẹp, nhiều doanh nghiệp tìm cách chuyển hướng sang những thị trường mới. Tuy nhiên, “chúng ta vẫn phải coi Trung Quốc là thị trường mục tiêu quan trọng. Bởi lẽ, thị trường Trung Quốc rất gần chúng ta, có lợi thế cạnh tranh về giá cả vận chuyển. Hiện nay, doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu, Mỹ với chi phí vận tải rất cao, chúng tôi đang phải giành giật để đặt container. Ngoài ra, số người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thu nhập cao ở Trung Quốc đang tăng rất nhanh. Đây là thị trường cả thế giới thèm muốn”, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoa Việt, nhận xét.

 

02.jpg
Bị ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc, mít Thái “quay đầu” chờ người dân địa phương đến mua.

 

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, việc ùn tắc nông sản ở biên giới không chỉ có mặt tiêu cực. Thị trường Trung Quốc nâng cao tiêu chuẩn cũng ẩn chứa nét tích cực. “Việc Trung Quốc thay đổi quy định khiến chúng ta lo lắng, nhưng đây cũng là nền tảng để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người sản xuất thay đổi tư duy và cách thức sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam”, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu nói. 

Tín hiệu mới cho thấy, đây chính là thời điểm để Việt Nam quan tâm hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu một cách bài bản. “Tôi nghĩ các cơ quan quản lý cần phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát, chẳng hạn như trường hợp xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) bị tạm ngừng nhập khẩu, không phải là lỗi của người dân hay doanh nghiệp, mà chính là lỗi của nhà quản lý. Mỗi mã vùng trồng có diện tích và sản lượng nhất định, nếu chúng ta kiểm soát chặt chẽ, khi thấy hết rồi thì đóng lại, sẽ không xảy ra tình trạng mã vùng trồng này có 10ha, sản lượng 100 tấn nhưng số lượng xuất khẩu lên tới 200 tấn”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, nhận xét.

“Người sản xuất cũng phải thay đổi ý thức. Tôi thấy nhiều trường hợp ghi chép lưu trữ hồ sơ trồng trọt giả mạo, đến kì đánh giá tiêu chuẩn VietGAP hay mã vùng trồng làm theo kiểu chống đối, không minh bạch. Chúng ta nghĩ rằng đó là cái gì xa xôi nhưng thực chất, các biện pháp này không chỉ giúp đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất mà còn phục vụ cho chính quá trình canh tác, chẳng hạn các ghi chép này có thể là dữ liệu để giúp người sản xuất có thể đúc rút kinh nghiệm cho mùa vụ sau. Nếu họ có thể làm được điều này, bản thân doanh nghiệp  sẵn sàng bỏ tiền giúp hoàn thành các tiêu chuẩn như VietGAP”, bà Thực gợi ý.

Đa dạng thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, việc ùn ứ hàng hóa bộc lộ nhiều vấn đề cần giải pháp tổng thể chứ không dừng lại từng sự vụ, sự việc. Nhiều xe nông sản của Thái Lan, Campuchia cũng qua các cửa khẩu Việt Nam sang Trung Quốc.

Đến nay, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu nông sản Việt Nam với tỉ trọng cao nhất. Theo ông Hoan, xuất khẩu càng cao thì càng phụ thuộc vào thị trường, nhất là những thay đổi về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về kiểm dịch, thông quan, phòng chống Covid-19. Những quy định mới về kiểm định hàng hóa thông quan cửa khẩu, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, ngày càng chặt chẽ khiến thời gian kéo dài. Chúng ta còn bị động vì thiếu hạ tầng hỗ trợ như kho bãi...

Vì thế, ông Hoan cho biết, trong đề án Bộ Nông nghiệp và PTNT đang dự thảo, xuất khẩu nông sản sẽ được đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)… 

Riêng thị trường Trung Quốc, sẽ có đề án riêng, sẽ đàm phán mở rộng cho các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch, đầu tư hạ tầng logistics ở các cửa khẩu như kho trữ lạnh, chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu... Ngoài ra, phải phân tích thông tin thị trường kịp thời, bao gồm: những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định thông quan hàng hóa, mùa vụ thu hoạch những nông sản Trung Quốc có thể sản xuất được.

Ông Hoan nhấn mạnh, sẽ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch.

Thị trường Trung Quốc chưa bao giờ dễ tính

Từ khi Trung Quốc siết chặt các quy định về xuất - nhập khẩu nông sản, không ít nông sản Việt Nam phải “quay đầu” bán rẻ tại thị trường nội địa. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là Trung Quốc yêu cầu nông sản xuất khẩu chính ngạch sang nước này phải có vùng trồng và cơ sở đóng gói được Việt Nam cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

“Thực ra, đây không phải là vấn đề mới, trước đây Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đã có quy định về mã số vùng trồng. Từ năm 2018, Trung Quốc bắt đầu áp dụng thì người sản xuất ở Việt Nam mới quan tâm đến nhiều hơn”, ông Nguyễn Quang Hiếu (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp vào PTNT) giải thích. Ngoài mục đích kiểm soát dịch hại trên nông sản nhập khẩu, “mã số vùng trồng cũng là một phần rất quan trọng trong truy xuất nguồn gốc, bởi vì nó là một phần dữ liệu trong giai đoạn đầu tạo ra sản phẩm, còn truy xuất nguồn gốc sẽ có thêm dữ liệu của giai đoạn đóng gói, phân phối, lưu thông...”.

Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào các tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng: Vùng trồng chỉ trồng duy nhất một loại cây ăn quả; phải có sổ sách ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trong một vụ canh tác (bón phân, tưới nước, đốn tỉa,...); hoạt động canh tác phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc tương tự (GlobalGAP,...); diện tích vùng trồng từ 6-10 ha để thuận tiện quản lý; phải có các biện pháp kiểm soát sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,... phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.

Những tiêu chuẩn có phần khắt khe đến từ một thị trường mà hầu hết mọi người thường nghĩ là “dễ tính”, dễ thâm nhập như Trung Quốc, khiến nhiều người bất ngờ và trở tay không kịp. Chúng tôi áp dụng các biện pháp sản xuất theo các tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, nhưng thực tế, khi bên Trung Quốc kiểm tra vẫn có một số nội dung cần thay đổi để phù hợp hơn”, bà Ngô Tường Vy cho biết.

Việc cấp mã số vùng trồng đã khó, làm thế nào để quản lý các mã số này còn phức tạp hơn. “Hiện, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu và hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm khác của Việt Nam”, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhận xét. Chẳng hạn như trường hợp xoài Cao Lãnh  (Đồng Tháp), vào năm 2020, Trung Quốc đã yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu xoài từ một số vùng trồng ở Cao Lãnh do vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật. Điều trớ trêu là, tại thời điểm đó, những khu vực này đã hết vụ xoài. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng phát hiện ra nguyên nhân bắt nguồn từ việc mạo danh mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Điều này dẫn đến việc “hoa quả Việt Nam nhập vào Trung Quốc đều bị hải quan kiểm tra 100%; trong khi hoa quả Thái Lan chỉ bị kiểm tra 30%, còn lại không phải kiểm tra xét nghiệm gì cả, chỉ cần làm xong thủ tục hải quan, lập tức được chuyển hàng sang Trung Quốc, đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều”, ông Thanh Thành Vĩ, Chủ tịch Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết thêm.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật - Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong thời gian gần đây, Trung Quốc còn gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Do vậy, chúng ta phải cực kì chú ý đến vấn đề kiểm soát nông sản trước khi xuất khẩu, không để nhiễm các loại sinh vật gây hại này”.

Mở hướng xuất khẩu bằng đường biển, đường sắt

Từ câu chuyện hàng hóa ùn ứ, tồn đọng ở cửa khẩu biên giới Việt-Trung, theo Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, nên khuyến khích xuất khẩu chính ngạch vận tải theo đường biển và đường sắt.

Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty Thanh Long Hoàng Hậu, cho biết, vài năm gần đây, doanh nghiệp chủ yếu xuất hàng bằng đường biển sang Trung Quốc, chỉ số ít đi đường bộ. Hiện doanh nghiệp đang có xe hàng tắc, nằm chờ dài ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn. Nếu tình hình không cải thiện, ông cho biết công ty sẽ chuyển hướng sang đường biển hoặc đường sắt để hoạt động xuất khẩu thông suốt hơn.

Dự đoán được tình hình xuất khẩu gặp khó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã ngưng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng đường bộ hai tháng nay. Mọi hoạt động giao dịch đã được công ty chuyển hướng sang xuất chính ngạch bằng đường biển để thông suốt.

Ngoài ra, thay vì xuất khẩu tăng cường sang Trung Quốc thời điểm này, công ty đẩy mạnh hàng sang các thị trường khác ở châu Á, Trung Đông, Mỹ. Nhờ chuyển hướng sớm, doanh thu của doanh nghiệp vẫn không ngừng tăng.

Đến hết tháng 11, giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) đạt hơn 142 triệu USD, trong đó, hàng xuất khẩu chủ yếu là tinh quặng, đồ gỗ mỹ nghệ, ván gỗ ép… Một ngày tại Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng có thể chạy đến 4 chuyến Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) với khối lượng hàng hóa chuyên chở bình quân 1.000 tấn/chuyến, lớn hơn rất nhiều so với xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ. Xuất khẩu hàng hóa qua đường sắt, doanh nghiệp cũng  giảm được chi phí vận chuyển, giảm thiểu các rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 do số lượng người tập trung rất ít.

Ông Phạm Đức Khái, Trưởng Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, cho biết: “Hiện, việc xuất khẩu hàng hóa từ Vi ệt Nam sang Trung Quốc qua đường sắt hết sức thuận lợi, các doanh nghiệp có thể sử dụng xe container chở hàng đến tận ga (nơi đã phân luồng xếp dỡ sẵn), sau đó bốc xếp lên tàu và xuất thẳng sang Trung Quốc. Đoàn tàu sẽ do nhân viên đường sắt Trung Quốc sang kéo về, tất cả nhân viên tổ tàu chỉ có khoảng 7 người và nhân viên 2 bên đều không tiếp xúc trực tiếp với nhau, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Đơn vị cũng bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, phục vụ xếp dỡ, dồn toa tàu, phối hợp với các lực lượng phun khử khuẩn… để tàu sang Trung Quốc một cách thuận lợi và nhanh nhất. Nếu thực hiện việc xuất khẩu nông sản qua đường sắt, chắc chắn sẽ giảm bớt được một phần ách tắc hiện nay tại các cửa khẩu đường bộ”. 

Việc xuất khẩu hàng qua tuyến đường sắt có nhiều thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn do doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn chưa chủ động thực hiện nhận hàng qua tuyến đường này. Mặt khác, hàng hóa thực hiện thông quan qua đường sắt đều phải là hàng chính ngạch, phải đầy đủ tính pháp lý từ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng… Chính vì vậy, lượng hàng nông sản, hoa quả tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo tuyến đường sắt liên vận vẫn còn rất hạn chế. 

Bà Cao Hoài Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, cho biết: “Trước tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu đường bộ tại tỉnh Lạng Sơn thì việc các doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu nông sản qua đường sắt sẽ mở ra cơ hội mới, là 1 trong những biện pháp hữu hiệu để giải tỏa ách tắc và đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chi cục đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng sẵn có liên quan đến kho, bãi để phục vụ phương án này.

 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông-lâm-thủy sản Việt Nam - Trung Quốc 11 tháng năm 2021 đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu đạt 2,85 tỷ USD, tăng 37,4%.

 

Chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến các doanh nghiệp làm sao để trao đổi với các đối tác Trung Quốc nhằm chuyển hướng mở tờ khai xuất khẩu qua đường sắt. Đồng thời, đề xuất kiến nghị với các ngành, các cấp để có những cuộc trao đổi hội đàm với nước bạn để làm sao có sự thống nhất trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang loại hình này. Chi cục cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng”. 

Việc xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt liên vận được coi là một phương án hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ giải phóng hàng nghìn container đang “mắc kẹt” tại các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đang tích cực hội đàm với các đơn vị liên quan của Trung Quốc để khuyến khích các doanh nghiệp nước bạn thực hiện nhận hàng qua tuyến đường này nhằm thúc đẩy thông quan và giải phóng hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu một cách nhanh nhất có thể.

 

01.jpg
Xe dưa hấu nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn

 

Nâng cao năng lực chế biến

Dự Hội nghị của ngành Nông nghiệp và PTNT ngày 29/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành cần coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch. Đồng thời, rà soát kỹ về mặt thể chế để phát triển nông nghiệp bền vững theo chiều sâu và phát triển dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

“Phải đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy, xây dựng nhiều thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế. Nếu phụ thuộc vào một vài thị trường, khi có khủng hoảng thì rất dễ đứt gãy”, Thủ tướng nói và yêu cầu ngành Nông nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực chế biến các sản phẩm nông sản, quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, tập trung vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch.

Cho rằng việc ùn ứ nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc là câu chuyện không mới, Thủ tướng cho biết, tháng 9-10, sau Hội nghị ASEAN, Thủ tướng đã có thư gửi Thủ tướng Trung Quốc để ủng hộ các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và nhiều lần chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải cải thiện mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

“Cuối năm nào cũng có vấn đề, năm thì dưa hấu, năm thì thanh long… vậy thì một mặt mình phải xây dựng thương hiệu để đi chính ngạch, hơn nữa, phải chủ động làm việc giữa các tỉnh biên giới để thống nhất, tạo thông thoáng, nhất là vấn đề chống dịch Covid-19 giữa hai nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ dẫn chứng trên, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp và PTNT cần phải làm bài bản từ khâu quy hoạch, dự báo thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư khoa học công nghệ, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã bao bì, nhãn mác sau thu hoạch để giải quyết triệt để vấn đề trên.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top