Vướng mắc về đất đai là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng là “điểm nghẽn” trước yêu cầu bức thiết của tái cơ cấu nông nghiệp. Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để vừa đảm bảo lợi ích của nông dân - những người đang sở hữu phần lớn ruộng đất trong nông nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp quan tâm muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất vì đất đã được giao cho người dân. (Ảnh minh họa: KT) |
Tính đến năm 2015 chỉ có hơn 3.600 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, trên 90% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”. Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về chính sách đất đai và tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - Mỹ Bình, doanh nghiệp chuyên kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi và cây ăn quả ở tỉnh Long An cho rằng, mặc dù hính sách đã có nhiều nhưng rất khó tiếp cận. Muốn phát triển ngành nông nghiệp có sản phẩm hàng hóa lớn, đòi hỏi chính sách về đất đai phải rộng mở hơn. Còn như hiện nay, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư phải thương lượng, đền bù đất, nhà nước thu hồi cho thuê lại đất lần nữa, mất 2 lần phải trả tiền.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn cho biết, muốn phát triển kinh tế trên cơ sở nông nghiệp thì phải đầu tư thương mại hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, từ thị trường để hoạch định sản phẩm. Có những mặt hàng phải giảm đi, làm ít hơn đồng thời cần tạo điều kiện để tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn.
“Đất đai đang là rào cản lớn nhất trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Trên thực tế đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, nông dân không có quyền bán mà chỉ có cho thuê hoặc liên kết, như vậy những điều kiện để tích tụ đất ruộng đất rất khó. Vì vậy cần có sự hỗ trợ và cơ chế chính sách rõ ràng, và phải xem xét lại việc sửa đổi Luật đất đai”, ông Tam nêu rõ những bất cập.
Trên thực tế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn, đã được thực hiện nhưng hầu như chỉ ở quy mô nhỏ và mô hình điểm do chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết, nhiều doanh nghiệp quan tâm, muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất, vì đất đã được giao cho người dân. Bộ đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số chính sách về đất đai hướng đến tập trung ruộng đất hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
“Những vướng mắc về đất đai đã được Bộ trình Chính phủ và Quốc hội. Sắp tới Bộ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai. Có khuyến khích việc tập trung ruộng đất thì mới thúc đẩy tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp thực hiện thành công tái cơ cấu, hướng tới sản xuất quy mô lớn, đến lúc đó mới thu hút mạnh mẽ được nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp”, bà Hồng cho hay.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp phải tích tụ được ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình tập trung ruộng đất phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của nông dân. Do đó, cần có thêm nhiều cơ chế chính sách đủ mạnh tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
“Không thể thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp. Hướng của Bộ là ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ, các mô hình sản xuất chất lượng cao, trên cơ sở này sẽ giành nguồn “đất sạch” có giới hạn để thu hút doanh nghiệp khi đầu tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành đề xuất có thêm những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để đẩy mạnh việc liên kết doanh nghiệp với nông dân. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư – nông dân góp đất cùng liên kết sản xuất. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư và giao đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với nông dân”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhìn nhận theo một cách khác.
Thực tế cho thấy, để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của ngành trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì doanh nghiệp phải được coi là “hạt nhân” và là “đầu tàu” trong sản xuất nông nghiệp.
Việc tháo gỡ những khó khăn, rào cản về chính sách đất đai cũng như có thêm những cơ chế đủ mạnh sẽ giúp ngành nông nghiệp huy động thêm nguồn lực từ phía doanh nghiệp sẽ góp phần thực hiện thành công “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”./.