Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 9 năm 2014 | 2:8

Dừng hoạt động lò gạch thủ công khi hợp đồng còn hiệu lực: Người dân có được hỗ trợ?

KTNT - Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Tuyết ở thôn Thung 2, xã Định Hòa (Yên Định-Thanh Hóa) với nội dung: Gia đình ông ký hợp đồng thuê đất với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định để sản xuất vật liệu xây dựng(VLXD) với thời hạn 20 năm. Tuy nhiên, khi mới thực hiện sản xuất được 7 năm thì UBND huyện Yên Định thông báo dừng hoạt động, làm cho việc sản xuất kinh doanh của gia đình ông gặp không ít khó khăn...



Khu lò gạch của gia đình ông Tuyết đã dừng hoạt động.


Khi hợp đồng  vẫn còn hiệu lực

Ông Phạm Văn Tuyết cho biết: Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi phải dừng hoạt động sản xuất; tiền đầu tư máy móc, lò xưởng, xe ô tô, sân phơi cùng các phương tiện khác bị bỏ, gây thiệt hại về kinh tế khá lớn vì các tài sản này đều phải đi vay tiền ngân hàng và bên ngoài để đầu tư với lãi suất cao. Sau khi có văn bản của UBND huyện về việc dừng lò gạch thủ công, tôi đã làm đơn đề nghị cho gia đình  tiếp tục được chuyển đổi sang sản xuất gạch với lò tuynel và lò nung kiểu đứng công nghệ của Trường Đại học Bách khoa thì huyện trả lời là khu vực của gia đình không nằm trong quy hoạch. Hợp đồng tôi ký với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để thuê đất sản xuất VLXD với thời hạn 20 năm, mới thực hiện được 7 năm đã phải dừng hoạt động, số tiền đầu tư vào sản xuất quá lớn nhưng huyện không có hướng hỗ trợ hay tạo điều kiện cho tôi chuyển hướng sản xuất, do vậy gia đình tôi đang rơi vào hoàn cảnh  nợ nần chồng chất.

Tìm hiểu rõ hơn chúng tôi được biết, ngày 27/9/2011 UBND huyện Yên Định có Công văn số 783 UBND- TN&MT về việc dừng hoạt động đối với lò gạch, ngói thủ công trên cơ sở Quyết định số 567/2010/QĐ-TTg Ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển VLXD không nung đến năm 2020 và Công văn số 2199/STNMT- BVMT Thanh Hóa về việc yêu cầu dừng hoạt động đối với các lò gạch thủ công. Ngày 20/3/2014, trong buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra của huyện Yên Định và ông Phạm Văn Tuyết có ghi: Nếu hộ ông Tuyết không có nhu cầu sử dụng đất thì làm đơn xin trả lại đất giao cho UBND xã Định Hòa quản lý; nếu ông Tuyết có nhu cầu sử dụng đất, tiếp tục thuê đất thì làm đơn chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất gạch, ngói thủ công sang mục đích khác theo quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại đây, ông Tuyết có ý kiến: “Nếu đồng ý cho tiếp tục sản xuất gạch, ngói thì tôi làm, còn chuyển mục đích sử dụng thì tôi không thuê nữa. Gia đình tôi đã đầu tư vào lò gạch này trên dưới 1,5 tỷ đồng, nhưng từ tháng 3/2013 đến nay, do không được hoạt động nên tôi đang sống dở chết dở với một món nợ lớn. Trong khi đó, những năm trước, khi lò gạch còn hoạt động, mỗi năm gia đình tôi thu nhập 300-400 triệu đồng, có năm hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng”.


Hợp đồng xã chồng hợp đồng huyện

Căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Tuyết được Chủ tịch UBND huyện Yên Định cấp năm 2006 với diện tích 22.677m2, mục đích sử dụng: thuê đất sản xuất VLXD với thời hạn 20 năm và hợp đồng thuê đất của gia đình ông Tuyết ký với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định trên diện tích 22.677m2 cũng với thời hạn 20 năm, tiền thuê đất phải nộp là 13.620.360 đồng/năm và được thực hiện điều chỉnh giá thuê đất 5 năm một lần. Như vậy, theo hợp đồng đã ký kết thì thời hạn hợp đồng của gia đình ông Tuyết vẫn còn 13 năm nữa và trong khi UBND huyện Yên Định chưa xử lý dứt điểm đơn thư đề nghị của ông Tuyết thì ngày 1/1/2011, UBND xã Định Hòa tiếp tục thực hiện ký hợp đồng 5 năm với gia đình ông Tuyết trên chính diện tích 22.677m2 này với mức khoán 6.803kg thóc và ghi rõ đất 5% thuộc ngân sách xã.

Ông Sướng khẳng định: Nếu ký hợp đồng thế này là sai...
 
Khi phóng viên hỏi tại sao lại có chuyện xã ký chồng lên hợp đồng của huyện thì ông Lê Văn Sướng, Chủ tịch UBND xã Định Hòa, cho biết: “Làm gì có chuyện đó”. Theo ông Sướng, hợp đồng “thu nối tiếp”  với hộ ông Tuyết là một “sự nhầm lẫn nào đó”, thậm chí đổ trách nhiệm do “cấp dưới tham mưu mà chưa biết hợp đồng với huyện đã thanh lý hay chưa”. Đồng thời, ông Sướng mạnh miệng bảo: “Nếu cấp dưới sai sẽ xử lý”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra Hợp đồng số 13 ký ngày 1/1/2011 (Hợp đồng khoán thầu đất ngân sách) thì ông Sướng lại lý giải: “Huyện cho thuê đất nhưng mức khoán phải nộp cho xã. Sau khi huyện có thông báo dừng lò gạch thủ công theo quy định của Chính phủ thì xã phải làm hợp đồng để thu hoa lợi trên ngân sách của xã”.

Khi chúng tôi hỏi: “Việc Chủ tịch UBND xã ký thêm hợp đồng với hộ ông Tuyết là đúng hay sai?”, ông Sướng bảo: “Nếu ký thế này thì không đúng. Xét về quản lý nhà nước đúng là xã làm chệch choạc”. Tuy thừa nhận xã ký hợp đồng là sai nhưng ông Sướng vẫn đinh ninh xã thu tiền là đúng và cho hay, sau khi huyện có thông báo dừng sản xuất gạch thì xã không thu tiền gì của hộ ông Tuyết. Tuy nhiên, qua tổng hợp của kế toán thì từ năm 2011 đến 2013, UBND xã Định Hòa đã thu của hộ ông Tuyết số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng.

Số tiền xã Định Hòa thu trên có đúng như ông Sướng nói là thu thay cho huyện và nó đã được nộp lên cho chủ hợp đồng hay chưa?

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn về vấn đề này, bà Ngô Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện Yên Định, nói: “Việc xã ký hợp đồng với hộ ông Tuyết khi huyện chưa thanh lý hợp đồng là sai. Chúng tôi sẽ cho anh em xuống xã kiểm tra, xác minh và chấn chỉnh”.

Xoay quanh việc cấm lò gạch thủ công và việc giải quyết cho chủ lò gạch ở Định Hòa, ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định, cho biết: “Do Trung ương, tỉnh không có hướng dẫn về việc hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công nên huyện cũng không có chính sách hỗ trợ gì”.

Câu trả lời của ông Tùng liệu có vô trách nhiệm hay không khi UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 5639/UBND-CN ngày 9/8/2012 về việc tăng cường sử dụng VLXD không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Công Thương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương về việc chuyển đổi nghề, đào tạo nghề trong quá trình thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công. Như vậy, UBND huyện và ngành chức năng phải có trách nhiệm hướng dẫn gia đình ông Tuyết làm thủ tục hồ sơ trình tỉnh để được hưởng chính sách hỗ trợ, giúp gia đình ông thoát khỏi khó khăn.

Trong khi huyện chưa hoàn tất các thủ tục và thanh lý hợp đồng với gia đình ông Tuyết theo luật định thì xã lại tiếp tục ký hợp đồng khoán thầu chồng lên hợp đồng huyện để thu thuế khiến gia đình ông Tuyết càng rơi vào vòng luẩn quẩn bế tắc. Đề nghị UBND huyện Yên Định và ngành chức năng vào cuộc, xử lý dứt điểm vụ việc.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc diễn biến của vụ việc.

Tân Thành
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top