Xã Dương Xá (Gia Lâm - Hà Nội) bao đời nay vẫn giữ thói quen cấy giống lúa Nếp cái hoa vàng (NCHV) cổ truyền của địa phương. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nếp thơm khác, NCHV có nhược điểm là dễ gãy đổ, phản ứng với ánh sáng ngày ngắn nên chỉ cấy được vụ mùa; khó chăm sóc, phòng trừ bệnh hại... Song, bù lại, NCHV có giá trị cao gấp 2-3 lần lúa thường nên bà con không những bảo tồn mà ngày càng tích cực sản xuất giống lúa đặc sản này.
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác thăm cánh đồng lúa NCHV của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xá.
Những xã viên cần cù giữ giống
Được biết, việc giữ giống lúa NCHV cổ truyền từ xưa đến nay ở Dương Xá do các xã viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Dương Xá đảm nhận. Để lưu giữ, đến mùa gặt, bà con phải cẩn thận lựa chọn từng bông, hạt mẩy, tròn đều phơi khô cất làm giống cho vụ sau.
Bà Nguyễn Thị Nhuần, ở thôn Đình cho biết, bà cấy lúa NCHV 5 năm nay (giá giống cách đây 5 năm là 30.000 đồng/kg, nay 35.000 - 40.000 đồng/kg). Năm 2016, bà thực hành cấy theo phương pháp mới do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao. Không riêng bà, những người tham gia lớp học ban đầu rất bỡ ngỡ, bà con phải chặt que cắm thành hàng mới cấy được. Nhưng nay, mọi việc đã suôn sẻ, nông dân cấy theo lối mới: hàng rộng, hàng hẹp (HRHH), giữa 2 hàng có ánh sáng, nên cây lúa phát triển cứng cáp hơn, năng suất cao hơn so với lối cấy truyền thống. Ngoài ra, bà con còn được sử dụng phân bón chất lượng cao Lục Thần Nông và cách bón phân mới, do Công ty CP Phân bón Nông nghiệp I cung cấp, hướng dẫn. Bón theo lối mới, phân ngấm sâu xuống đất giúp cây khỏe nên không phải bón nhiều loại phân như trước, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm công lao động. Kết quả là, vụ thu hoạch vừa qua, năng suất lúa cao hơn các vụ trước vài chục kilôgam, thu hoạch xong, lúa vừa khô, thương lái đến lấy ngay tại sân với giá 1,7 triệu đồng/tạ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Thuận Tiến, cho biết, bà trồng lúa NCHV 4 năm nay, năng suất tuy không cao, chỉ 1,2 -1,3 tạ/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) nhưng bù lại giá trị kinh tế gấp 2 - 3 lần lúa thường.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xá, ông Nguyễn Văn Oanh, cho biết: “Đây là giống lúa đặc sản của địa phương, chất lượng thơm ngon, thuộc loại gạo quý hiếm nên mặc dù gặp nhiều khó khăn trong canh tác, nhưng bà con Dương Xá vẫn duy trì từ xưa đến nay. Nếu như trước đây, cả 6/6 thôn đều có hộ cấy NCHV nhưng diện tích không nhiều, thì từ năm 2013 đến nay, diện tích tăng liên tục, hiện đạt 112ha. Để khắc phục những khó khăn trong việc chăm sóc, phòng trừ bệnh hại giống NCHV, thay đổi tập quán bón nhiều phân đạm và bón muộn, ít sử dụng phân hữu cơ, huyện Gia Lâm đã kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện mô hình sản xuất lúa NCHV theo phương pháp SRI, qua thí điểm đã cho kết quả khả quan”.
Hỗ trợ đắc lực của các cấp ngành
Để bà con Dương Xá không đơn độc trong việc bảo tồn giống lúa NCHV quý hiếm của địa phương, nhiều cấp ngành ở Gia Lâm đã tích cực vào cuộc. Theo đó, thời gian qua, Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ thực vật, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty CP Phân bón Nông nghiệp I đã cử cán bộ chuyên trách phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xá hằng tuần xuống kiểm tra hướng dẫn nông dân kỹ thuật sử dụng phân bón và theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Do người dân chưa thực sự tin tưởng vào quy trình canh tác SRI, kết hợp bón phân Lục Thần Nông của Công ty CP Phân bón Nông nghiệp I, HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xá, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề Gia Lâm đã chọn 3 hộ dân tham gia mô hình với cam kết, nếu không đạt năng suất như các hộ khác thì sẽ đền bù vào sản lượng lúa bị thiếu hụt. Kết quả là, những hộ bón phân Lục Thần Nông, cấy theo cách thông thường, năng suất lúa khô đạt 39 tạ/ha; những hộ bón phân Lục Thần Nông, cấy theo lối mới (HRHH) đạt 41tạ/ha.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bộ môn Dạy rèn nghề, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Văn Sơn, cho biết: “Không thể nói một cách chắc chắn giống lúa NCHV của Việt Nam có nguồn gốc từ đâu, chỉ biết đây là giống lúa chất lượng cao truyền thống của bà con miền Bắc, nhiều nhất là ở Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An... Hình dáng, chất lượng gạo mỗi vùng có khác nhau, ví như hạt gạo NCHV Dương Xá nhỏ hơn so với ở Hải Dương, song ăn ngon và đậm hơn, nên bà con không lấy giống của nơi khác. Để nâng cao năng suất, chất lượng giống lúa quý hiếm này, Học viện đã hướng dẫn bà con canh tác theo phương pháp SRI, hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều nông dân được hưởng lợi từ chương trình. Mặt khác, chúng tôi còn giúp địa phương chọn giống lúa NCHV chuẩn của Dương Xá để bảo tồn nguồn gen quý”.
Dương An Như
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.