Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 11 năm 2019 | 9:50

Gia Lai: Dựng lại hàng ngàn trụ tiêu bị đổ sau bão

Bão số 5 vừa qua, đã làm đổ hàng ngàn trụ tiêu, hàng trăm nóc nhà, gây thiệt hại lớn cho người dân Gia Lai.

Do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai đã bị thiệt hại nặng nề. Hàng chục nóc nhà bị đổ, tốc mái; hàng ngàn trụ tiêu bị gãy đổ, gây thiệt nặng nề cho đồng bào Gia Lai.

 

tieu-9999999331.jpg

 Chiến sỹ Lữ đoàn Pháo binh 40, dựng lại hồ tiêu cho nhân dân. Ảnh: ND

 

Những ngày qua, công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đang được các ngành, địa phương, đặt lên hàng đầu.

Các xã bị ảnh hưởng nặng nề của bão: Kon Thụp, Hà Ra, Lơ Pang, Đak Jơ Ta và Ayun (huyện Mang Yang) 26 nhà dân tốc mái. Nhà rông làng Hrak (xã Đak Djrăng) sập đổ hoàn toàn, thiệt hại trên 200 triệu đồng.

Đặc biệt, đã có  trên 35 ha lúa nước vụ mùa ở xã Hà Ra, trên 47.200 trụ hồ tiêu xã Kon Thụp, 9.500 trụ tiêu tại xã Lơ Pang bị ngã đổ hoàn toàn.

Đang cùng hơn 10 nhân công khẩn trương dựng lại những trụ hồ tiêu bị  đổ, ông Nguyễn Văn Thãi (làng Đê Chuk, xã Kon Thụp), xót xa nói: “Dù giá hồ tiêu xuống thấp, nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng đầu tư, chăm sóc.

Thế nhưng, cơn bão vừa qua, đã làm ngã đổ khoảng 5.000/6.000 trụ hồ tiêu đang giai đoạn kinh doanh vụ đầu tiên”. Ông Thãi ước tính, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Tại làng Groi (xã Kon Thụp), vườn hồ tiêu của ông Võ Quốc Khánh cũng bị đổ hơn 1.000 trụ. Ông Khánh cho hay, phần lớn các vườn hồ tiêu trong khu vực này đều thiệt hại nặng nề.

Hiện, các hộ phải thuê nhân công dựng lại những trụ hồ tiêu bị ngã. Ngày thường, công lao động 180.000 đồng/người/ngày. Song, sau bão, giá tăng 200.000 đồng/người/ngày, nhưng cũng khó tìm được người.

Trước những thiệt hại đó, chính quyền các xã đã huy động lực lượng, kịp thời sửa chữa những căn nhà bị tốc mái, để sớm ổn định chỗ ở cho bà con.

Ông Phan Nguyễn Vi Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Thụp-cho hay: Một số căn nhà bị tốc mái, đã được xã giúp khắc phục xong trong ngày.

Đối với cây trồng, đặc biệt là hồ tiêu bị ngã đổ, chính quyền  đã huy động người dân, cùng chung tay hỗ trợ lẫn nhau, vì nhân công khan hiếm, lại đang mùa thu hoạch cà phê.

Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mang Yang-cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 5, huyện đã gửi công văn cho các đơn vị quân đội như Lữ đoàn Pháo binh 40, Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) giúp hỗ trợ ngày công cho dân.

Lữ đoàn Pháo binh 40 đưa 36 cán bộ, chiến sĩ, đến giúp xã Lơ Pang dựng lại trụ hồ tiêu. Lữ đoàn Công binh 7, cử 50 cán bộ, chiến sĩ đến xã Kon Thụp, khắc phục sự cố đổ trụ tiêu.

Trung tá Ngô Văn Thanh-Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Pháo binh 40-cho biết: “Nhận được đề nghị của địa phương, đơn vị lập tức bố trí 36 cán bộ, chiến sĩ vào xã Lơ Pang, giúp bà con khắc phục hậu quả.  Lực lượng được phân thành từng nhóm, đến từng hộ để giúp bà con”.

Vui mừng trước tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, ông Ngô Liêu (làng Đak Lah-Tơ Drak, xã Lơ Pang) nói: “6.000 trụ hồ tiêu của gia đình chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên, nhưng giờ bị thiệt hại nặng nề.

Nhờ có các anh giúp đỡ, nếu không tiền công gần 20 triệu đồng, không biết xoay xở thế nào. Gia đình tôi biết ơn các anh nhiều lắm!”.

Tại khu vực phía Đông Nam tỉnh, ngay khi bão tan, các địa phương đã huy động lực lượng bộ đội, dân quân, tự vệ, giúp dân; đồng thời xuất ngân sách hỗ trợ các gia đình bị sập nhà, tốc mái.

Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng  Nông nghiệp huyện Kbang, chia sẻ: Bão số 5 đã làm tốc mái 6 căn nhà. Đặc biệt, xã Kông Lơng Khơng, có 2 căn nhà của hộ nghèo, và cận nghèo,  bị thiệt hại nặng nề. Xã đã chủ động xuất ngân sách dự  phòng, hỗ trợ 15 triệu đồng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Huyện Krông Pa, đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà, trường học bị tốc mái ở xã Chư Rcăm; hỗ trợ 18 triệu đồng cho 3 hộ bị tốc mái hoàn toàn; hỗ trợ 1-2 triệu đồng/căn đối với các nhà bị tốc mái một phần.

Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa, ước tính thiệt hại do bão số 5 gây ra lên tới 1,3 tỷ đồng. Hiện, huyện đã làm tờ trình, đề nghị cấp trên hỗ trợ khoảng 756 triệu đồng, để khắc phục hậu quả.

 Lâm Đồng: Tái canh cà phê đứng đầu Tây Nguyên

Cà phê, cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, đang trong giai đoạn tái canh  bền vững; giúp cà phê Tây Nguyên trẻ hóa, thay đổi diện mạo.

Trong số những tỉnh thực hiện tái canh cà phê, Lâm Đồng đạt kết quả tốt nhất. Đây là khẳng định của ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hội nghị tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020.

 

ca-6999.jpg

 Vườn cà phê tái canh huyện Bảo Lâm. Ảnh K .Phúc

 

Tính đến tháng 9/ 2019, diện tích cà phê ước đạt 688,3 nghìn ha. Sản lượng cà phê nhân năm 2018 ước đạt 1.623 triệu tấn, năm 2019 dù chưa thu hoạch nhưng dự đoán cao hơn 2018.

Năng suất niên vụ 2018 đạt 2,6 tấn nhân/ha, cao hơn hẳn so năng suất trung bình của Tây Nguyên. Tổng diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo tại Tây Nguyên, đến tháng 6/2019, trên 118 ngàn ha, đạt 98% kế hoạch tái canh 120 ngàn ha.

Đặc biệt, cà phê tái canh thời kỳ đầu bằng giống mới, nay đã bước vào giai đoạn kinh doanh, cho năng suất vượt trội, đẩy năng suất cà phê tiếp tục tăng những năm gần đây.

Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, Việt Nam ổn định khoảng 600 nghìn ha, trong đó 80% diện tích canh tác bền vững; năng suất 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng 1,6 triệu tấn/năm.

Định hướng vùng trọng điểm cà phê: 4 tỉnh Tây Nguyên, khoảng 530 nghìn ha: Đắk Lắk 190 nghìn ha, Lâm Đồng 150 nghìn ha, Gia Lai 75 nghìn ha, Đắk Nông 115 nghìn ha.

Cà phê Việt đã thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, và tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững. Mục tiêu đến 2025, ổn định 600 ngàn ha; năng suất 2,7-2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8-2 triệu tấn/năm.

Tiếp tục tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi, phấn đấu đến 2025 đạt từ 30-40 ngàn ha. 

So các tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng đạt kết quả tốt nhất, sau gần 6 năm triển khai, đã giúp trẻ hóa vườn cà phê già cỗi; đưa năng suất từ 26,1 tạ/ha năm 2012, lên 31,3 tạ/ha năm 2018; sản lượng 365.923 tấn năm 2012, lên 507.782 tấn năm 2018.

Riêng Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha chuyên canh, năng suất 4 tấn trở lên; cao hơn toàn vùng 5 tạ/ha. 

Đến năm 2020, Lâm Đồng cần tái canh 48 ngàn ha, nhưng  tháng 9/2019, đã tái canh 58 ngàn ha, vượt 127% kế hoạch, cao nhất Tây Nguyên, các tỉnh lân cận, xấp xỉ 70-80% kế hoạch. 

Ngoài ra, Lâm Đồng còn canh tác theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan đạt kết quả tốt.

So các tỉnh Tây Nguyên, trồng xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng, Lâm Đồng được đánh giá phong phú hơn gồm: mắc ca, bơ, sầu riêng, hồng, cây lâm nghiệp: muồng, sao đen, sưa… đa dạng sinh học hơn.

Hiện diện tích cây che bóng cà phê của Lâm Đồng, đạt trên 20 ngàn ha, chiếm 13% diện tích cà phê, và đang tiếp tục tăng, là tín hiệu của canh tác bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, Lâm Đồng đã thực hiện rất tốt việc tái canh cà phê, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê Việt.

Đắk Nông: Tận dụng thức ăn trong vườn nuôi dê thu nhập cao

Tận dụng nguồn thức ăn trong vườn, bà Nguyễn Thị Ánh Thùy, ở thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) đã phát triển đàn dê, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao.

 

de-99.jpg

 Thức ăn cho dê từ cỏ, lá cây trong vườn

 

Sau thời gian cắt tỉa vườn tiêu hơn 1.000 trụ, đang cho thu hoạch, bà Thùy thấy lá tiêu trong vườn, có thể tận dụng để nuôi dê.

Tháng 6/2019, bà đã đầu tư hơn 300 triệu đồng, xây chuồng trại, quy mô 150 m2, mua 25 con dê giống, 31 con dê thịt về nuôi. Số dê giống này, được nhập từ trại giống Công ty bò sữa Việt Nam, T.p Hồ Chí Minh.

Mô hình nuôi dê của bà  Thùy khá bài bản, chuồng nuôi được phân loại: dê thịt, dê sinh sản, dê con, dê vỗ béo… Để chủ động thức ăn, bà tận dụng diện tích giữa các luống tiêu, và khoảng 3 sào đất, để trồng cỏ mật làm thức ăn cho dê.

Cỏ, lá cây, sau khi cắt, được cho vào máy băm, để tiện cho dê ăn. Ngoài ra, bà còn trồng chè, đinh lăng, cây mật gấu… để cho dê ăn định kỳ, nhằm phòng bệnh.

Bà Thùy chia sẻ, trước khi nuôi dê, bà đã thăm quan học hỏi nhiều nơi. Qua đó, rút được nhiều kinh nghiệm, nuôi dê phải chú trọng giống, thức ăn, vệ sinh chuồng, cách phòng chống dịch bệnh...

Nuôi dê không quá vất vả, do sức đề kháng của dê cao, ít bệnh, nên chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán, và phòng các loại bệnh cho dê là được.

Hằng ngày, cho dê ăn 3 lần: sáng, trưa chiều, thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây.

Dê là vật nuôi giá trị kinh tế cao, mỗi con sinh sản từ 1 - 3 con/ lần, mỗi năm dê sinh sản 2 đợt. Theo bà Thùy, dê giống 2 - 3 tháng tuổi, cân nặng 16 - 25 kg/con, có thể xuất chuồng, giá từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Dê thịt 4 - 5 tháng trở lên, có giá từ 120.000 đồng/kg. Ngoài việc lấy thịt, phân dê còn được nhiều người sử dụng để bón cho cây trồng. Riêng gia đình bà thì được sử dụng để bón cho hồ tiêu; cây ăn quả trong vườn, và bón cho cỏ làm thức ăn cho dê.

Hiện, đàn dê của bà Thùy có hơn 62 con, đầu ra tương đối ổn định, có thu nhập tăng 20 triệu đồng/tháng.

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top