Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 5 năm 2021 | 15:15

Giải pháp để nông sản “vượt dịch” thắng lợi

Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, nhất là những mặt hàng nông sản chuẩn bị vào vụ thu hoạch như: vải, nhãn...

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó.

 

t11.jpg
Huyện Sông Mã (Sơn La) đã chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nhãn.

 

Bài học lớn

Năm 2020, khi vải thiều, nhãn sắp bước vào vụ thu hoạch thì dịch Covid-19 bùng phát. Ngay sau đó, các địa phương như: Bắc Giang, Hải Dương, Sông Mã (Sơn La) đã chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ, kết quả các nông sản này đã “vượt dịch” thắng lớn.

Giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ năm 2020 của Bắc Giang đạt khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với năm 2019; giá bán bình quân  31.200 đồng/kg. Ở Hải Dương, tổng giá trị quả vải đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng. Hay ở huyện Sông Mã (Sơn La), nhãn được tiêu thụ với giá ổn định, nhiều hộ thu lãi  200-300 triệu đồng.

Theo ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, mùa vụ vải thiều năm 2020, Bắc Giang thành công trên mọi phương diện. Để có thành công như vậy, là sự vào cuộc hết sức trách nhiệm, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực rất lớn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí. Đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo trong cách thức tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Cũng theo ông Thái, thành công của vụ vải 2020 là sự kết nối có hiệu quả, sáng tạo giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh. Trong đó, vai trò định hướng, chỉ đạo của Nhà nước được coi là nhạc trưởng để tạo ra  hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết “3 nhà” còn lại chặt chẽ và hiệu quả.

Tại Hải Dương, ngay từ đầu vụ vải 2020, địa phương đã thực hiện các biện pháp nhằm đưa quả vải vào được các thị trường cao cấp. Tỉnh đã mời doanh nghiệp xuống làm việc trực tiếp với các vùng trồng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và giám sát vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiêu thụ vải quả. Kết quả, 50% sản lượng được xuất khẩu, trong đó khoảng 1.600 tấn vải được xuất sang các thị trường khó tính.

Cùng hướng xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La), cho biết, huyện đã quản lý tốt nhãn hiệu chứng nhận nhãn Sông Mã gắn với quản lý quy hoạch vùng sản xuất an toàn, vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Australia, Mỹ, Trung Quốc.

Xây dựng nhiều kịch bản

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ năm 2021. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho chế biến và xúc tiến để tiêu thụ vải thiều từ rất sớm. Công tác chuẩn bị từ tổ chức sản xuất đến các điều kiện bảo đảm về điện, thùng xốp, đá cây, ngân hàng, giao thông, kho bãi đều đã xong.

Tỉnh đã sớm phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chương trình xúc tiến tiêu thụ; đặc biệt, sẽ tổ chức họp trực tuyến vào ngày 8/6/2021, ngoài 63 tỉnh, thành và 4 điểm cầu ở Trung Quốc có thêm 3 điểm cầu tại Nhật Bản, Singapore,  Australia…

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, năm nay, sản lượng vải của huyện ước đạt 120.000 tấn. Nếu tình hình dịch trong nước được kiểm soát, có khoảng 51 nghìn tấn vải sẽ tiêu thụ trong nước, xuất khẩu khoảng 53 nghìn tấn và khoảng 6.000 tấn sẽ được sấy khô, ép nước đóng hộp. Nếu dịch diễn ra phức tạp, sẽ tiêu thụ trong nước khoảng 60 nghìn tấn, xuất khẩu khoảng 35.000 tấn. Sấy khô, bảo quản lạnh, ép nước, chế biến lên khoảng 25.000 tấn.

“Huyện đã trưng dụng 8 cơ sở dịch vụ lưu trú làm địa điểm cách ly tập trung. Các thương nhân nước ngoài sau khi nhập cảnh phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định”, ông Thi nói.

Về phía nhà vườn, chị Nguyễn Thị Năm (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết, việc xử lý cách ly, đảm bảo an toàn trong mùa vải đã được cán bộ, chính quyền kiểm soát, có phương án rất chặt chẽ, tôi cũng thấy yên tâm. Tôi thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang thường xuyên để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhất là trong mùa vải sắp tới…

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La), tùy vào diễn biến của dịch Covid-19 mà huyện xây dựng phương án tiêu thụ cho phù hợp. Nếu dịch được kiểm soát, tập trung tiêu thụ, xuất khẩu quả nhãn tươi chiếm 70%, chế biến tại chỗ 30%. Lúc này, huyện sẽ tập trung triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ các HXT nông nghiệp tham gia các chuỗi sự kiện do tỉnh tổ chức qua đó, giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Nếu dịch diễn biến phức tạp, chế biến tại chỗ chiếm tới 70%, tiêu thụ, xuất khẩu 30%. Huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn HTX, nhà vườn ứng dụng các kỹ thuật bảo quản, chế biến đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu.

Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, cho biết, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sản lượng vải toàn tỉnh đạt khoảng 50.000-55.000 tấn. Địa phương đã có kế hoạch rất cụ thể để tiêu thụ sản phẩm cho nhà vườn như: đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng địa chỉ tiêu thụ mới ngoài khu vực Đông Nam Á.

Ông Vũ Việt Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, cho biết, đến nay đã có 10 doanh nghiệp đặt hàng thu mua vải trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU… với số vải thu mua dự kiến từ 300-500 tấn/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chế biến nông sản cũng có kế hoạch mua từ 500-1.000 tấn vải VietGAP để làm vải cấp đông, thạch vải, giấm vải, xirô vải. Đặc biệt, khi dịch Covid-19  diễn biến phức tạp, các đơn vị cung ứng nông sản lớn trong nước cũng cam kết đưa vải thiều Hải Dương vào các cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị với số lượng nhiều nhất có thể.

Được biết, năm 2021, nhiều địa phương như: Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La đã đưa nhiều sản phẩm phẩm chủ lực, trong đó có sản phẩm nhãn, vải lên các sàn thương mại điện tử như: dacsanlucngan.vn; Alibaba, Vosco, Sendo và Lazada…, qua đây hỗ trợ các sản phẩm mở rộng thị trường phân phối trên phạm vi toàn quốc.

Cần làm tốt công tác kiểm dịch

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, cho biết, chuẩn bị xuất khẩu vải, công ty đã triển khai với Bắc Giang và Hải Dương, mọi thứ đã sẵn sàng, kể cả công tác chuẩn bị làm việc với doanh nghiệp tại Nhật, Mỹ, châu Âu.

Nhưng dịch Covid-19 đang bùng phát nên có một số trở ngại. Công ty ở Bến Tre, vào mùa thu hoạch có đội nhân sự trực tiếp ra Bắc Giang để giám sát, làm việc với nhà vườn. Với điều kiện dịch như vậy, chắc chắn phải nhờ tới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc triển khai vùng trồng và làm việc với nông dân.

Trường hợp dịch bùng phát, đội ngũ nhân sự ở Bến Tre không về Bắc Giang được, phải tìm người tại địa phương để hỗ trợ. Đối với đơn vị gia công đóng gói, công ty đang thống nhất về cách thức quản lý, trong trường hợp xấu nhất sẽ quản lý từ xa.

 

t11a.jpg

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người trồng, vụ vải thiều 2021 ở Bắc Giang sẽ tiếp tục là năm thắng lớn.

 

Bà Vy cho biết, không có gì thay đổi thì lô vải thiều đầu tiên (vải sớm) ở Tân Yên (Bắc Giang), Công ty Chánh Thu sẽ xuất khẩu sang 3 thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu. Năm nay, ướcxuất khẩu sang Nhật 200 tấn, Mỹ 300 tấn, châu Âu  200-300 tấn.

Theo bà Vy, nhiều thị trường khó tính đang rất quan tâm tới quả vải thiều, vì năm 2020 quả vải xuất đi Nhật tạo ra làn sóng thương hiệu rất tốt. Năm nay là năm đầu Việt Nam được Nhật uỷ quyền kiểm dịch, chính vì vậy, các doanh nghiệp, kể cả hệ thống Nhà nước, phải làm hết sức chuẩn chỉnh, tạo uy tín, niềm tin với Chính phủ, thị trường Nhật và nhiều thị trường khó tính khác.

Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ động gỡ khó

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đối với các loại mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như: rau, vải, nhãn… 

Ông Doanh yêu cầu, Văn phòng Bộ chủ trì báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giao Cục Trồng trọt rà soát lại tình hình sản xuất, sản lượng các loại mặt hàng rau củ, quả, thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ. 

Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý. Bố trí lực lượng hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại cửa khẩu. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ các địa phương để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương, doanh nghiệp lớn bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả. Chủ trì làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tổ chức, kiểm soát các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải.

Chủ trì, tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ, quả sang thị trường Trung Quốc. Phối hợp với các đơn vị của Bộ để chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Bộ trưởng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. 

Cục Quản lý Chất lượng Nông sản và Thủy sản có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và kinh doanh nông sản tại các địa phương có dịch covid-19.

Với sự chủ động của các địa phương, bộ, ngành trong việc xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hy vọng, các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn sẽ tiếp tục  thắng lớn.

 

Không để nông sản tại vùng dịch ùn ứ, ách tắc

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ động biện pháp vận chuyển hàng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Đồng thời, phối hợp với nông nghiệp, kết nối các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn đưa hàng vào siêu thị trong nước, xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch hiện hành.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành. Bộ Công Thương có ý kiến để các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản - thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt. Bên cạnh đó, chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua nông sản cho bà con nông dân.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top