Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (Covid-19) đã trở thành đại dịch tại Trung Quốc, lây lan tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, do giáp ranh với Trung Quốc, Việt Nam sẽ bị nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, từ kinh tế đến xã hội.
Nông nghiệp gặp khó, nông sản ùn ứ ở cửa khẩu
Theo thống kê, Trung Quốc chiếm 24% tổng số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Dịch Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc giảm sút, biểu hiện rõ nhất từ tháng 1/2020, sau khi Trung Quốc công bố đại dịch, nhiều cửa khẩu tạm dừng thông quan hàng hóa, thương mại ngưng trệ. Điều này khiến giá trị xuất khẩu sang nước này giảm 14%.
Ngày 17/2, cập nhật tình hình giao nhận hàng hoá tại các cửa khẩu với Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, còn tồn 778 xe nông sản, hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc chờ xuất sang Trung Quốc.
Cụ thể, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) tồn 376 xe nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tồn 1 xe container thanh long. Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm. Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) tồn 4 xe: 1 xe tái nhập khẩu thạch đen, 1 xe hồ tiêu, 2 xe quả sung khô). Riêng ga Đồng Đăng đã nhập khẩu 19 toa bát đĩa sứ, còn tồn 22 toa thép tròn.
Tại tỉnh Lào Cai, cửa khẩu Kim Thành II đang tồn hơn 365 xe trái cây các loại, chủ yếu là thanh long. Như vậy, tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai đang ùn ứ gần 780 xe hàng là nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn... tính đến ngày 16/2. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, hàng nghìn tấn nông sản cũng đang trong tình trạng lo ngại ùn ứ kéo dài.
Trước đó, ngày 14/2, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hoá lên cửa khẩu do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động tiêu cực đến tiến độ hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, trái cây.
Tuy nhiên, lượng xe lên khu vực cửa khẩu biên giới vẫn tăng vọt do thương lái, doanh nghiệp nhận được thông tin việc xuất khẩu tại các cửa khẩu đang có tín hiệu thuận lợi. Thông tin mới nhất (ngày 20/2), Trung Quốc đã cho thông quan trở lại đối với một số cửa khẩu, như Tân Thanh (Lạng Sơn). Thời gian thông quan từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều (theo giờ Hà Nội). Tuy nhiên, để được thông quan, hàng hóa phải có hợp đồng mua bán giữa hai bên.
Một điều cần lưu ý trước thông tin trên, hiện tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành - thành phố Lào Cai đang có trên 200 xe xếp hàng chờ làm thủ tục xuất khẩu, chủ yếu là container thanh long từ các tỉnh miền Nam ra. Mỗi ngày, cửa khẩu giải quyết thông quan cho hơn 100 xe, nhưng thực tế chỉ qua được đầu Việt Nam, còn sang đến Trung Quốc lại phải xếp hàng dài.
Ông Hà Đức Thuận, Phó trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, cho biết, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc hạn chế tập trung đông người, mỗi xe hàng xuất khẩu qua biên giới chỉ có 2 công nhân bốc xếp, khiến thời gian thông quan bị kéo dài hơn. Ở thời điểm này, tại Lào Cai, mỗi ngày có thể giải quyết cho hơn 100 xe qua cửa khẩu; sang tới Trung Quốc chỉ có khoảng 60 xe vào được nội địa, còn lại phải tiếp tục xếp hàng.
“Chính sách, quy định của hai quốc gia khác nhau nên điều này không thể can thiệp được. Còn tại cửa khẩu Lào Cai, từ 19/2 trở đi, sẽ áp dụng quy trình cách ly theo hướng dẫn số 568/BYT-DP ngày 8/2/2020 của Bộ Y tế, lái xe và người giao hàng sẽ không bị cách ly khi trở về”, ông Thuận cho hay.
Du lịch, khách sạn đìu hiu
Du lịch Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019 thì đến đầu tháng 1/2020 rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là do Covid -19.
Tính riêng năm 2019, trung bình có khoảng 7,5 triệu khách sử dụng 72 đường bay từ Việt Nam đến 48 điểm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ các chuyến đến và đi từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao đều đã bị dừng cấp phép bay.
Hàng không thiệt hại nặng kéo theo đó là chuỗi ngày “ảm đạm” của ngành du lịch. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm ngoái, du khách Trung Quốc chiếm đến 32%, vì vậy, lượng khách từ nước này giảm mạnh, dẫn đến doanh thu du lịch bị ảnh hưởng.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du Lịch Khánh Hòa, cho biết, dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra khiến ngành du lịch Khánh Hòa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nhiều khách sạn chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc, công suất buồng phòng hiện dưới 20%.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết, đặc thù của tỉnh là đón nhiều du khách Trung Quốc thông qua cửa khẩu Móng Cái, không chỉ là khách du lịch mà còn có cả khách sang để làm ăn. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra dịch Covid - 19, hoạt động tại các điểm đón khách như Móng Cái hay Vịnh Hạ Long đều ở trong trạng thái đình trệ.
Bên cạnh đó, dịch Covid - 19 còn ảnh hưởng đến ngành vận tải, bán lẻ, các ngành dịch vụ khách như kinh doanh nhà hàng, dịch vụ giao hàng.
Giải pháp ứng phó
Trước tình trạng khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất lên Chính phủ một số giải pháp.
Theo đó, đối với ngành Nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay..
Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch như: gia hạn thời hạn nộp thuế TNCN, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất - nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…; miễn, giảm tiền thuê đất, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát...
Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.
Về xuất khẩu nông sản, do dịch Covid - 19, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do hoạt động thương mại biên giới tạm ngưng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan thương vụ tại nhiều quốc gia tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong mở cửa thị trường. Theo đó, Bộ Công thương đã làm việc với phía Ấn Độ để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản.
Đối với ngành vận tải, kiến nghị Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.