Khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát với biến chủng Delta độc lực mạnh, lây lan nhanh, gây biến chứng nguy hiểm, lan rộng, trên tinh thần bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết,...
Khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát với biến chủng Delta độc lực mạnh, lây lan nhanh, gây biến chứng nguy hiểm, lan rộng, trên tinh thần bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết, trước hết, chúng ta đã buộc phải thực hiện giãn cách và giãn cách xã hội ở mức cao - “ai ở đâu ở yên đó” trên diện rộng nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Thực hiện giãn cách và giãn cách tăng cường, hầu hết các hoạt động phải tạm dừng hoặc chịu sự giám sát ngặt nghèo, đặc biệt là giao thông vận tải. Việc vận tải lưu thông khó khăn đã khiến nhiều ngành hàng, nhiều chuỗi sản xuất - cung ứng đứt gãy, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu, lao động phải cách ly, hàng làm ra không đưa được đến thị trường cả trong nước và xuất khẩu… Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Nói vậy vì doanh nghiệp của ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nguồn lực rất hạn chế. Trong 9 tháng qua, đã có gần 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Nhiều vùng sản xuất nông sản không còn lực để chăm sóc cây trồng cũng như tái đàn trong chăn nuôi cho vụ sau. Đe dọa sự đứt gãy kéo dài.
Nền kinh tế cũng như cơ thể sống. Cơ thể khỏe là nhờ mạch máu thông suốt để đưa máu đến mọi nơi trên cơ thể. Trong kinh tế, giao thông được ví là mạch máu. Do thực hiện giãn cách xã hội, giao thông khó khăn - mạch máu bị nghẽn. Thực tế hơn 4 tháng thực hiện giãn cách bởi đợt dịch thứ tư vừa qua thấy rõ điều đó.
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Để mở cửa nền kinh tế thì phải tạo điều kiện để người và hàng hóa lưu thông thuận lợi, dễ dàng. Trên tinh thần đó, tại cuộc họp toàn quốc với các địa phương ngày 9/10, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt.
Tiếp đó, sáng 17/10, tại cuộc họp toàn quốc với các địa phương đánh giá kết quả bước đầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt thứ 4 và bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Nguyên tắc chung là chính sách phải thống nhất toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên; nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.
Đồng thời,Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện các nội dung như quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Việc xây dựng các quy định phải dựa trên nguyên tắc lãnh đạo tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Trung ương đưa ra các quy trình, tiêu chí, quy định; các địa phương, cơ sở tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình.
Thực tế là, sau khi Nghị quyết 128 ngày 11/10 quy định dỡ bỏ các quy định kiểm soát cát cứ địa phương để người dân được tự do đi lại liên tỉnh và Hướng dẫn 4800 ngày 12/10 của Bộ Y tế hướng dẫn phân loại cấp độ dịch để mở cửa, khôi phục sản xuất và đời sống có hiệu lực thì vẫn còn một số địa phương đưa ra những yêu cầu chưa đúng với Nghị quyết của Chính phủ. Dẫn chứng về việc này, các cơ quan báo chí đã liên tục thông tin những ngày qua.
Việc một số địa phương làm chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ, nhiều chuyên gia luật và đại biểu Quốc hội cho rằng: Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, có tính bắt buộc với toàn xã hội, vì thế các địa phương buộc phải thực hiện nghiêm túc. Địa phương nào thực hiện chưa đúng là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm. Đó là kỷ cương, phép nước.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp, người dân cần hồi sức tích cực. Ngoài các gói chính sách hỗ trợ như: cho vay lãi suất thấp, giảm và giãn thuế, phí thì thuận lợi trong lưu thông để người lao động dễ dàng trở lại làm việc, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra đến được nơi cần đến cũng là “phương thuốc” giúp doanh nghiệp hồi sức nhanh hơn. Có chính sách đúng mới là điều kiện cần, thực thi chính sách đúng mới là điều kiện đủ. Cần chấn chỉnh thật nghiêm việc làm chậm, làm trái vì vừa làm mất niềm tin vừa thêm tốn kém, lãng phí tiền bạc của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Người dân và doanh nghiệp mong muốn, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV này, Quốc hội bàn sâu và thông qua gói giải pháp tổng thể khôi phục kinh tế, an sinh và ổn định xã hội để chúng ta thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, làm tiền đề để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đến năm 2030 và năm 2045.