Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 4 năm 2022 | 10:46

Hành trình đổi đời của ông chủ trại vịt vạn con

Cú “vấp ngã” đầu đời khiến anh Trần Đình Trường, trú tại xã Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) từng có mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng.

Thế nhưng, bằng sự cố gắng nỗ lực của bản thân cộng với tình yêu thương, sẻ chia của người thân, làng xóm, anh đã “đứng dậy”, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế thành công.

Quyết tâm đổi đời

Không dễ để hẹn gặp được anh Trần Đình Trường, chủ trại vịt, sinh năm 1975, bởi guồng quay công việc của anh bận rộn liên tục cả ngày: Vừa rong ruổi chỉ đạo nhân công nhặt trứng, dọn dẹp lại chuồng trại, xuất trứng cho các mối lấy từng xe tải trứng chở đi tiêu thụ ở huyện Nghi Xuân và các tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình... Xong lại nấu nướng, đưa cơm cho người chăn vịt ở những cánh đồng xa.

 

271888732_832876814252490_4372881917735115703_n.jpg
Công việc hàng ngày bận rộn nhưng anh vẫn luôn vui vẻ, khi chứng kiến những cố gắng nỗ lực của mình ngày một đơm hoa kết trái.

Trước lúc gặp anh, chúng tôi lo ngại anh sẽ vì chuyện quá khứ mà cảm thấy khó chia sẻ. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt nhân hậu, nụ cười hiền và cách nói chuyện gần gũi, mọi khoảng cách đều được xóa nhòa.  

Anh tâm sự: Sau khi đi bộ đội trở về (1998 - 2000), anh vào miền Nam lập nghiệp, trở thành công nhân công ty nguyên liệu giấy Đồng Nai. Không lâu sau, anh trở về quê hương và xin vào làm việc tại Công ty Việt Mỹ (Thạch Hà).

Đầu năm 2005, anh bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Hà khởi tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng” sau khi cùng 9 người khác tham gia vào vụ ẩu đả tại địa phương. Cũng trong năm này, Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà kết án Trần Đình Trường 24 tháng tù giam. Buồn rầu, chán nản, thất vọng, xấu hổ anh chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng, nhiều đêm trằn trọc không biết rồi cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu.

 

271877085_715503506470407_3370329762868601806_n.jpg
Khuôn mặt phúc hậu và nụ cười hiền từ của anh Trường.

 

Ngày vào trại, anh mới cưới vợ được một thời gian ngắn, lại hay tin vợ vừa mang thai đứa con đầu lòng. Nhớ vợ, thương con, thương cha, thương mẹ cùng nỗi day dứt về những lỗi lầm trong phút bốc đồng càng làm anh có thêm động lực cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. 

Trường tâm sự: “Những tháng ngày trong tù, mỗi lần vợ lên thăm, nhìn vợ bầu phải chịu khổ vì mình, nhìn cha mẹ già yếu ngày một tiều tụy thêm. Tôi lại tự dặn bản thân phải cố gắng cải tạo thật tốt bởi chỉ có như vậy tôi mới sớm được hòa nhập cộng đồng, cha mẹ, vợ con mới đỡ vất vả và buồn tủi.”

Những tháng ngày trong trại, được sự yêu thương, bảo ban của các cán bộ cùng sự khích lệ tinh thần từ phía các bạn tù, Trường luôn nỗ lực trong mọi hoạt động. Trong thời gian lao động cải tạo tại xã Thạch Kênh (Thạch Hà), thấy người chủ trang trại nuôi cá, trồng rau nên anh dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi. Đó cũng chính là cơ duyên đưa anh gắn bó bền chặt với nghề nuôi vịt sau này.

 

271890070_263317622552459_417171497052617980_n.jpg
Sau những biến cố, anh Trần Đình Trường ngày nào giờ đã trở thành ông chủ trại vịt vạn con.

Sau những tháng ngày cố gắng, nỗ lực, Trần Đình Trường đã được ghi nhận khi lần lượt anh được nhận  nhiều giấy khen từ ban lãnh đạo trại giam, vui mừng hơn nữa là lúc anh được mãn hạn tù trước thời hạn 4 tháng.

Trở về cuộc sống đời thường, với số vốn ít ỏi 20 triệu đồng vay mượn từ anh em bạn bè, Trường mạnh dạn đầu tư nuôi 500 con vịt đẻ, thuê mảnh đất có diện tích 5.000m2 ở thôn Bắc Văn (xã Thạch Văn) để làm trại nuôi vịt. Khoảng thời gian đầu trải qua không ít khó khăn, đâu đó vẫn xì xầm lời ra tiếng vào ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của anh và người thân. Cộng với  kỹ thuật  và kinh nghiệm còn non yếu nên vịt chết, thất lạc nhiều. Nhưng vì niềm đam mê và khát vọng đổi đời, anh lần lượt khắc phục từng yếu điểm một, vượt qua và chiến thắng, trở thành ông chủ trại vịt vạn con ngày hôm nay.

Cho doanh thu hàng tỷ đồng

Sau hơn 15 năm gây dựng, trại vịt của ông chủ Trần Đình Trường đã mở rộng quy mô với hơn 10.000 con, mỗi năm cho doanh thu hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4-6 lao động, tùy thời điểm. Ngoài ra, vào vụ Tết hằng năm, anh còn thu hoạch cá chép, cá mè, cá trôi… thả tại hồ, tận dụng nguồn lợi thức ăn từ phân vịt đưa lại năng suất cao, cho sản lượng 5 - 6 tạ, thu nhập 30-40 triệu đồng.

 

272126143_472261144408619_4757020812195571755_n.jpg
Mỗi ngày đàn vịt đẻ từ 5.000 - 6.000 quả trứng giúp anh bỏ túi 80-100 triệu đồng/tháng.

Trường chia sẻ: Hiện tại, trại vịt của tôi có 2 nhân công làm thường xuyên công việc  nhặt trứng, dọn dẹp chuồng trại, cho 5.000 con vịt đẻ ăn…Thu nhập bình quân 350.000 đồng/người/ngày, cơm nước đầy đủ. Và có 2 người chuyên chăn 5.000 con vịt chạy đồng với mức thù lao mỗi tháng 12 triệu đồng/người. Đàn vịt đẻ từ 5.000 đến 6.000 trứng/ngày, giá bán 2.500-3.000 đồng/ quả, mỗi tháng có thu 80-100 triệu đồng, tùy thời điểm.

Nhìn lại quãng thời gian khó khăn đã qua, Trường luôn biết ơn tình cảm, sự quan tâm chia sẻ của mọi người. Khi lâm vào đường cùng, anh mới thấu hiểu ý chí quyết tâm của bản thân mạnh mẽ đến thế nào. Khi được hỏi, anh có nhắn nhủ gì đến những người từng sa chân trở về hoàn lương, anh cười hiền lành nói: “Chúng ta ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng khi đã được trở về hoàn lương, hãy cố gắng tìm một công việc gì đó để làm, việc gì cũng được, miễn là lương thiện, miễn là có ích. Cứ cố gắng lao động, chăm chỉ rồi mọi người cũng sẽ ghi nhận, tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Với tôi cũng vậy”.

Anh khẳng định: “Nếu không có Trần Đình Trường vấp ngã ngày ấy sẽ không có ông chủ trại vịt Bắc Văn của ngày hôm nay”.

 

271812425_1122998891838207_8418510098729316935_n.jpg
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, khẳng định, anh Trần Đình Trường là một trong những hộ gia đình sản xuất kinh tế giỏi tại địa phương.

 

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, cho biết: Trước đây, anh Trần Đình Trường từng “vấp ngã”, sau thời gian cải tạo 2 năm trở về, anh được chính quyền và bà con chòm xóm quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ. Cùng với nỗ lực bản thân, đến nay, gia đình anh Trường là một trong những hộ sản xuất kinh tế giỏi tại địa phương. Đàn vịt vạn con của anh vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động khác trong thôn. Bên cạnh làm kinh tế gia đình, anh cũng hăng hái, luôn đi đầu trong mọi hoạt động văn hóa, thể thao của xã.

 

 

Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Chuyện người Dao làm kinh tế

    Chuyện người Dao làm kinh tế

    Trên cung đường bê tông uốn lượn dưới chân đồi quế thẳng tắp vươn mình đón nắng, thôn Bỗng 2 xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai) dần hiện hữu.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top