Người dân xã Song Phương (Hoài Đức - Hà Nội) phản ánh, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị san lấp làm nơi tập kết phương tiện thi công công trình, ôtô, bãi vật liệu xây dựng….
Đặc biệt, công trình nhà ở kiên cố cũng nằm gọn trên đất nông nghiệp nhiều năm nhưng chưa bị xử lý dứt điểm…
Đất nông nghiệp bị “biến tướng”
Theo người dân tại Xứ đồng Cây Đa và Cửa Cầu (xã Song Phương), nguồn gốc đất của các bãi tập kết nêu trên là đất nông nghiệp, vài năm trước xuất hiện một số cá nhân tự ý đưa máy móc về đây san gạt đất, biến nơi đây thành bãi tập kết trông giữ phương tiện như xe cẩu phục vụ công trình, ôtô, thậm chí có trường hợp còn xây nhà kiên cố.
Trong số diện tích đất nông nghiệp bị “biến tướng”, phải kể đến hai bãi xe nằm trên đường từ Đại lộ Thăng Long vào UBND xã Song Phương.
Được biết, ngày 02/02/2018, UBND xã Song Phương ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 34/QĐ-XPVPHC đối với ông Trần Văn Chung (sinh năm 1956, địa chỉ: P119 B1 phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) với hành vi tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Quyết định nêu rõ: Ông Trần Văn Chung đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu Cửa Cầu, xã Song Phương. Ông Chung đã đổ đất thải, phế liệu xây dựng trên toàn bộ diện tích 2.027m2, đặt 01 container.
Hành vi trên được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 8 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đồng thời yêu cầu ông Chung phải khôi phục hiện trạng thửa đất như trước khi vi phạm tại khu Cửa Cầu. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Sau 20 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC, UBND xã Song Phương có biên bản kiểm tra thực hiện văn bản này. Qua kiểm tra thì thấy ông Chung chỉ chấp hành nộp phạt, mà không thực hiện hoàn trả hiện trạng đất nông nghiệp như ban đầu.
Cần xử lý dứt điểm sai phạm
Theo Biên bản làm việc ngày 11/5/2019 giữa UBND xã Song Phương và bên vi phạm, UBND xã yêu cầu ông Chung, bà Thảo (là chủ đầu tư) phải tự tháo dỡ và di chuyển toàn bộ các container và máy móc đang để trên đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, làm mất khả năng canh tác của đất nông nghiệp, sử dụng đúng mục đích.
Thời gian cho gia đình ông Chung tự tháo dỡ và di chuyển các container và máy móc trong vòng 05 ngày kể từ ngày 12/5/2019. Hết thời gian trên nếu ông Chung không tự di chuyển toàn bộ các container và máy móc ra khỏi thửa ruộng đất nông nghiệp tại khu Cửa Cầu, UBND xã sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ và di chuyển toàn bộ máy móc ra khỏi thửa đất, trả lại mặt bằng đưa vào sử dụng đất đúng mục đích đã được pháp luật quy định.
Tuy nhiên, mới đây, đường dây nóng Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục nhận được phản ánh của người dân xã Song Phương về việc hơn một năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt cũng như tháng 5, xã yêu cầu tháo dỡ, di chuyển container và máy móc, hai bãi xe không những chưa bị dừng hoạt động trên đất nông nghiệp mà còn mở rộng với quy mô lớn và rầm rộ hơn. Chủ đầu tư chưa có động thái di chuyển toàn bộ máy móc ra khỏi khu đất.
Trao đổi với phóng viên, một người dân sống gần hai bãi xe trên địa bàn xã Song Phương cho biết: “Chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà khu đất nông nghiệp rộng hàng ngàn mét vuông bị sử dụng sai mục đích nhưng chính quyền và ngành chức năng lại không xử lý dứt điểm? Trong khi người dân chúng tôi chỉ cần có hoạt động nhỏ không đúng mục đích là bị chính quyền xử lý ngay”.
Đề nghị UBND huyện Hoài Đức sớm chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý thật nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đề sai phạm kéo dài mà không có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.