Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, Hội Làm vườn và Trang trại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vừa tổ chức tham quan, học tập mô hình thâm canh cam hữu cơ của hộ ông Phạm Văn Khu ở xã Quảng Phú.
Tích tiểu thành đại
Là người có kinh nghiệm trong trồng cây có múi, 4 năm trước, ông Phạm Văn Khu đứng ra nhận thầu 4ha đất ở xứ đồng Đồi Chè, thôn 10, xã Quảng Phú, trồng cao su hiệu quả kinh tế thấp để trồng cam. Lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại, đến nay, trong tổng số 4 ha trồng cam của gia đình, có 1ha trồng 700 cây cam Vinh, hơn 2.000 gốc cam Xã Đoài và cam V2. Ngoài ra, ông còn trồng xen canh hơn 2.000 gốc cam Canh đường. Vườn cam của gia đình ông đã cho thu hoạch.
Điểm đáng chú ý là, ông Khu luôn chú trọng đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, như lắp đặt hệ thống tưới nước hiện đại đảm bảo chủ động tưới tiêu theo yêu cầu của từng loại cây, trong từng giai đoạn khác nhau, để điều hòa nước cho cây một cách khoa học.
Đặc biệt, gia đình ông Khu áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm sạch và đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ vùng đất trồng cao su hiệu quả thấp, bằng sự chăm chỉ, sáng tạo, đến nay, gia đình ông Khu đã tạo ra vùng cây trái sum suê với loại cây chủ lực là cam, đem lại thu nhập cho gia đình từ 300 đến 400 triệu đồng/ha, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn.
Hiện, trang trại cam của gia đình ông Khu đã vào vụ thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thương lái các tỉnh không vào thu mua được, vì vậy, giá cam năm nay chỉ dao động quanh mức 20.000 đồng/kg, trong khi những năm trước, giá bán tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Chia sẻ kinh nghiệm
Với kinh nghiệm hiện có của mình, tại buổi tham quan, ông Khu đã trao đổi kinh nghiệm để trồng cam hiệu quả cho hội viên, nông dân. Theo ông, trước hết phải lựa chọn cây giống tại cơ sở uy tín, thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh vườn cam từ khâu tưới nước giữ ẩm, bón phân đến việc tỉa cành, tạo tán, hạ thấp chiều cao cây sau thu hoạch để tiện cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Ông Lê Công Thức, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Thọ Xuân, cho biết, thời gian qua, Hội có nhiều phong trào hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh, tạo ra không khí thi đua sôi nổi. Từ đó, nhiều gương điển hình hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi nhận Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được hội viên giỏi phổ biến, áp dụng, gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo nên bộ mặt nông thôn mới khởi sắc và ngày càng phát triển.
Hội cũng đã liên kết trao đổi giữa hội viên với các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để hội viên giao lưu, học tập, trao đổi thông tin về kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tư vấn giải đáp những khó khăn về lĩnh vực VAC. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Theo ông Lê Công Thức, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Hội viên ngày càng giảm dần việc sản xuất độc canh cây lúa, đổi mới tư duy trong làm ăn, giúp họ nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình mới có sức thuyết phục cao, phù hợp với thực tế của địa phương như: Mô hình kinh tế hợp tác tham gia cánh đồng mẫu lớn, mô hình trồng màu, mô hình làm vườn, mô hình sản xuất đa canh, mô hình chăn nuôi, mô hình trang trại trồng cây ăn quả, dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, kinh doanh nông nghiệp...
Cùng với tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, thời gian tới, Hội Làm vườn và Trang trại huyện Thọ Xuân sẽ phối hợp, liên kết với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế trang trại thích ứng với dịch bệnh Covid-19.
Đẩy mạnh tuyên truyền hội viên, nông dân xây dựng các mô hình kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững, hướng tới sản xuất chăn nuôi an toàn, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ trang trại, người làm vườn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Hơn nữa, liên kết giữa các trang trại trong việc phổ biến giống cây trồng, vật nuôi, trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho hội viên, vừa đảm bảo sản xuất có hiệu quả, vừa thích ứng trong tình hình mới.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.