Tại Kỳ họp thứ 2, Ban Thường vụ Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam khoá VII diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp Hội cần đổi mới cách thức hoạt động, thích ứng với tình hình mới.
Có như vậy, mới khẳng định được vị thế của mình trong phát triển kinh tế VAC, nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chủ động thích ứng
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch HLV Việt Nam, cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các hoạt động của Hội ở Trung ương và địa phương vẫn được duy trì, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Về công tác tổ chức, chúng ta đã ổn định, xây dựng và ban hành các quy chế, phân công nhiệm vụ của các ủy viên Ban chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ.
Công tác hợp tác quốc tế được tăng cường, chúng ta có thêm một đối tác rất quan trọng, hiện đang thực hiện nhiều dự án, hy vọng thời gian tới nhiều địa phương sẽ cùng tham gia triển khai thực hiện.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Ban Thường vụ HLV khoá VII, PGS.TS. Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch HLV Việt Nam, kiêm Trưởng Đại diện Chi nhánh phía Nam cho biết, sắp tới, HLV cần tận dụng nhiều hơn nữa công nghệ thông tin, cần gắn kết hơn nữa các hoạt động của Hội trong thời kỳ công nghệ số.
Theo ông Phụng, để nâng cao vị thế của Hội trong hỗ trợ hội viên, cần kết nạp hội viên là doanh nghiệp có gắn kết với HLV, hiện có 3 doanh nghiệp tha thiết muốn gia nhập Hội. Năm 2022, Chi nhánh phía Nam sẽ mở rộng một số tiêu chí về đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, đặc biệt, liên hệ với HLV các tỉnh, mỗi tỉnh Hội cung cấp 1 tin/bản tin về mô hình, về sinh hoạt để cung cấp tin thông tin về VAC phía Nam.
Ông Võ Văn An, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La (Hội Nông nghiệp Sơn La), cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các nhiệm vụ đề ra Hội đã hoàn thành theo kế hoạch. Năm 2022, tiếp tục củng cố tổ chức Hội, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra; thành lập thêm 2 hội nghề nghiệp. Với 85.000ha cây ăn quả, Hội rất tích cực làm công tác thương mại, bước đầu đạt hiệu quả khá cao. Ví dụ: Giá cam ở Mộc Châu hiện ở mức 100.000 đồng/kg.
Theo ông An, Hội Nông nghiệp Sơn La đã xin ý kiến Sở Nông nghiệp và PTNT về việc giao nhiệm vụ thì Sở còn lúng túng. Đề nghị, HLV Việt Nam sớm xúc tiến ký tiếp Thông tư liên tịch giữa Trung ương Hội với Bộ Nông nghiệp và PTNT, trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó tiếp tục ký kết với Hội cấp tỉnh trong phối hợp thực hiện.
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Chánh văn phòng kiêm Tổng Thư ký HLV Việt Nam, thời gian qua, HLV đã lập các nhóm Zalo để kịp thời trao đổi thông tin, tiết kiệm chi phí, thời gian và đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ở địa phương, nhiều hội thành viên cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thông qua điện thoại, E-mail, Zalo, phát thanh, truyền hình…; duy trì xuất bản các Bản tin VAC hoặc Nghề làm vườn. Đây là cách làm chủ động, thích ứng với tình hình thực tế.
Xây dựng kế hoạch, tự khẳng định mình
Ông Nguyễn Văn Bái, nguyên Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang, cho rằng, HLV các tỉnh cần chủ động xây dựng, ký kết nghị quyết liên tịch với Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đó xây dựng nhiệm vụ thực hiện cụ thể. Cần kết nối với doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, không kết nối được sẽ gặp nhiều khó khăn trong cung cấp vật tư cũng như tiêu thụ nông sản. Nâng cao tính chủ động ở các cấp Hội địa phương, đặc biệt là Thường trực Hội cấp tỉnh.
Theo ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, HLV Đồng Tháp đã kết nối, thu hút nhiều đơn vị tham gia là thành viên của Hội. Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời và Đạm Phú Mỹ đã tham gia cùng Hội kết nối với bà con nông dân. HLV một số tỉnh nếu không linh hoạt thích ứng thì rất khó để hoạt động.
Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV tỉnh Thái Nguyên, cho biết, việc đề xuất nhiệm vụ với UBND tỉnh, HLV Thái Nguyên đã làm từ năm 2018. Theo quy định, tháng 4 hàng năm, Hội sẽ xây dựng nhiệm vụ trình Sở Nông nghiệp và PTNT, sau đó trình Sở Nội vụ duyệt, cuối cùng Sở Tài chính cung cấp kinh phí để thực hiện.
“Tôi nghĩ, các tỉnh chắc chắn sẽ phải làm như vậy. HLV Thái Nguyên làm rất sớm, UBND tỉnh rất quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Hội”, bà Dung nói.
TS. Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch HLV Việt Nam, cho biết, các tổ chức hội thành viên không mạnh thì Hội không thể mạnh được. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng có một số tổ chức Hội hoạt động khá hiệu quả. Các nhiệm vụ không xuất phát từ tổ chức Hội, từ phong trào làm VAC của địa phương thì không phát triển được. Ví dụ, Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân ở Hà Giang, đã triển khai xuống tận cấp xã. HLV các cấp ở Hà Giang đã tích cực tham gia vào phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Hội đã phối hợp với chính quyền và các ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho hội viên, tạo điều kiện giúp bà con tiếp cận vốn vay đầu tư cải tạo vườn theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch HLV Việt Nam, cho biết, thời gian tới, HLV cần tiếp tục phát triển tổ chức, thu hút thêm doanh nghiệp, thành viên có chất lượng tham gia tổ chức Hội. Đẩy mạnh tăng cường hợp tác với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT địa phương, mở rộng hợp tác quốc tế. Đổi mới phương pháp hoạt động, các ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ cần phát huy vai trò của mình, tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, cho biết, ngoài phần kinh phí theo biên chế, Hội tham mưu với UBND tỉnh giao nhiệm vụ dài hạn trong việc tổ chức các lớp tập huấn, giúp hội viên làm dự án được hỗ trợ kinh phí. Ký hợp đồng với các ban, ngành để triển khai nhiệm vụ chuyên môn, từ đó tăng thêm nguồn thu.
Cũng theo ông Vững, hàng tháng, Hội đều có báo cáo đến UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, làm mà không báo cáo là không đúng quy định. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo định kỳ, Hội mời các cơ quan báo chí về viết bài, đưa tin về hoạt động Hội, thăm các mô hình VAC hiệu quả, cùng với đó mời lãnh đạo tỉnh tham dự, tạo hiệu ứng công tác tuyên truyền.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn cho biết: Về góc độ truyền thông, tôi thấy cần lưu ý thêm, HLV phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mở lớp tập huấn cần công bố rộng rãi để các địa phương ai có nhu cầu cần hỏi, cùng tham gia góp ý. Cuộc họp Ban Thường vụ của Hội cũng có thể tổ chức để các địa phương cùng nghe, cùng góp ý kiến. Sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và HLV Việt Nam cần mở rộng phương thức, cách làm về Sở Nông nghiệp và HLV các tỉnh làm sao cho hiệu quả.
Ông Tuấn cho biết thêm, ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa HLV Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật cần phổ biến một cách rộng rãi, từ đó đưa thông tin đến hội viên. Với vai trò là cơ quan truyền thông của Hội, Tạp chí Kinh tế nông thôn sẽ cố gắng trong điều kiện có thể để cung cấp thông tin về thị trường, yêu cầu của thị trường, nhất là năm 2022 có những yêu cầu rất khắt khe ở thị trường EU và Trung Quốc.
Theo ông Chu Văn Chuông, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, do dịch bệnh nên chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong có nông sản xuất khẩu gặp khó khăn, rất may mắn vải thiều, nhãn và nhiều nông sản khác tiêu thụ khá tốt, bởi sự phối hợp của các bộ, ngành, trong đó có đóng góp của HLV.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng nhận xét: Năm 2021, công tác truyền thông làm rất tốt, tôi hoan nghênh Tạp chí Kinh tế nông thôn đã cập nhật thông tin, hoạt động của Hội và Hội cơ sở nhanh, hiệu quả. Thời gian tới, rất mong Tạp chí Kinh tế nông thôn tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, là kênh thông tin hữu ích đưa thông tin, tiến bộ kỹ thuật đến với người làm vườn.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.