Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 4 năm 2019 | 13:13

Hướng về đất Tổ linh thiêng

Mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt.

đội-tế-xã-chu-hóa-huyện-lâm-thao-phú-thọ-thực-hành-nghi-lễ-tế-tổ-tại-lễ-giỗ-đức-quốc-tổ-lạc-long-quân-ảnh-trung-kiên-ttxvn.jpg
Đội tế xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) thực hành nghi lễ Tế tổ tại Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ảnh: Trung Kiên .

 

Cứ đến ngày này, người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước và kiều bào nước ngoài lại quy tụ về Đền Hùng (Việt Trì - Phú Thọ) để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vị vua đầu tiên của đất nước. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày Quốc giỗ, ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Điểm nhấn nổi bật

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”

Đã là người Việt, không ai là không biết đến câu ca ấy và đến ngày Giỗ tổ, hàng triệu bước chân của con Lạc cháu Hồng lại nô nức hành hương về Đền Hùng, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc.

Đây không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; bạn bè khắp năm châu cảm phục, kính nể dân tộc Việt Nam anh hùng.

Lễ hội đền Hùng với phần tế lễ và phần hội luôn mang đậm văn hóa truyền thống. Phần tế lễ được cử hành trọng thể mang tính Quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh” với bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu… Nhạc khí cử hành là trống đồng cổ với những nghi lễ văn hóa đậm nét, cả dân tộc trong một khoảnh khắc linh thiêng cùng nhau hướng về nguồn cội của mình.

Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng của dân tộc Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12/2012). Sự công nhận của thế giới trước tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng chính là sự đánh giá tầm quan trọng bậc nhất việc một dân tộc luôn biết gìn giữ văn hóa nguồn cội trong “vòng xoáy” hội nhập.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội năm 2019 cho biết: Điểm nhấn của Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng 2019 là phần Lễ gồm 6 hoạt động chính, trong đó Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng được tổ chức tại đền Thượng ngày 10/3 năm Kỷ Hợi. Đoàn dâng lễ xuất phát lúc 6 giờ tại sân hành lễ, Khu Di tích lịch sử đền Hùng.

Không gian phần Hội được trải rộng từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến TP. Việt Trì, trong đó nổi bật là chương trình khai hội đền Hùng bắt đầu từ 19 giờ 45 phút ngày 8/3 năm Kỷ Hợi (ngày 12/4) với các hoạt động: Trình diễn diễn xướng dân gian, chương trình nghệ thuật chào mừng với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật 4 tỉnh và các ca sĩ nổi tiếng.

Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm, diễn xướng như mọi năm, phần Hội năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động mới như: Hội sách đất Tổ tại Ngã 5 đền Giếng; chương trình thi trưng bày hoa, cây cảnh tại Bảo tàng Hùng Vương, TP. Việt Trì; tổ chức các hoạt động văn nghệ biểu diễn hàng đêm tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương; Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các vùng miền năm 2019. Một điểm mới nữa là quy mô tổ chức hội trại văn hóa năm nay được mở rộng, ngoài gian trại của 13 huyện, thành, thị còn có sự tham gia gian hàng quảng bá thương hiệu, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước với nhiều sản phẩm phong phú.

Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu

Một hoạt động mang ý nghĩa lớn trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, đó là “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai, năm 2019”  được tổ chức tại 5 quốc gia, gồm: Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, thành kính hướng về quê cha đất Tổ.

Cụ thể, ‘’Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019" diễn ra tại trụ sở Tổng Hội người Việt Nam tại Lào ngày 5-6/4; tại tỉnh UdonThani, Thái Lan, ngày 7/4; tại Osaka, Nhật Bản và Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan ngày 14/4; tại Toronto, Canada ngày 30/4.

Với triết lý “Con người có tổ có tông” và “Uống nước nhớ nguồn,” vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới đã thành kính tổ chức dâng hương hướng về đất Tổ vua Hùng.

Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thống nhất, chưa thu hút được đông đảo bà con kiều bào. Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu ra đời nhằm khắc phục những hạn chế đó khi tổ chức theo một kịch bản chung, đồng bộ, toàn diện và thường niên.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” là sáng kiến của một số kiều bào đang sinh sống, làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, trong đó nhà báo, tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Yến (kiều bào Áo) là người sáng lập.

Ngày Quốc tổ Việt Nam ra đời với mục tiêu bảo tồn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đồng thời vinh danh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện như văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

“Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” sẽ có những hoạt động như: Lễ dâng hương vua Hùng; các hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về quê hương đất nước và các tiết mục văn nghệ giao lưu với bạn bè nước bản xứ; Hội thảo và tọa đàm khoa học.

Thời gian tới, Ban vận động Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn, doanh nghiệp, các trường đại học, cộng đồng kiều bào các nước, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế, các cơ quan, tổ chức của chính quyền các nước... tiếp tục tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam trên toàn cầu.

 

Lễ hội đền Hùng 2019 do tỉnh Phú Thọ chủ trì, diễn ra trong ba ngày, từ 12 đến 14/4 (8 đến 10/3 âm lịch); ba địa phương cùng tham gia là Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top