Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019 | 13:48

Kết nối người có - người cần

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du miền núi phía Bắc”.

tr12.jpg
Tham quan, nghiên cứu sản xuất, chế biến sản phẩm nghệ nếp theo chuỗi giá trị tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Hoàng Giang 

 

Diễn đàn là cơ hội cho cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nắm rõ hơn cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp của các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và cũng là cơ hội để tìm hiểu khả năng cung ứng sản xuất hàng hóa và yêu cầu của thị trường.

Sản xuất theo thị trường cần gắn với thế mạnh vùng

Ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, điều này hết sức quan trọng đối với việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đặc thù tại vùng trung du, miền núi phía Bắc. Vì vậy, vai trò kết nối và tổ chức sản xuất vô cùng cần thiết.

Chủ đề diễn đàn là “Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp vùng trung du miền núi phía Bắc” nhằm nâng cao vai trò của hệ thống khuyến nông trong việc kết nối đưa sản phẩm ra thị trường, thông tin đầy đủ về thị trường, kết nối công nghệ với người dân và kết nối các điều kiện sản xuất với thị trường nhằm hướng tới nền sản xuất an toàn, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định: “Bắc Kạn xác định mục tiêu phát triển bền vững lấy nông, lâm nghiệp làm trọng tâm, trên cơ sở đó xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch và giải pháp cụ thể, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Kết hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện gắn kết chương trình OCOP và coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Thông qua diễn đàn này, Bắc Kạn mong muốn sẽ có các hợp đồng kinh tế được ký kết để đưa các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận được thị trường lớn”.

Theo báo cáo tham luận của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhờ đó, đã hình thành vùng sản xuất tập trung các cây trồng đặc sản như 3.287ha cam, quýt; 738ha hồng không hạt; 2.113ha chè và các loại cây thế mạnh khác như dong riềng, thuốc lá, gạo Bao thai, gạo Khẩu nua lếch…

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đang được quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với một số hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn ở các tỉnh lân cận. Thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và phát triển ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, diễn đàn lần này là để kết nối giữa người có và người cần, kết nối được công nghệ với nông dân, kết nối được điều kiện sản xuất với thị trường. Sản xuất theo nhu cầu của thị trường cần chứ không sản xuất những gì mình có. Sản xuất phải có địa chỉ - theo đơn đặt hàng. Hệ thống khuyến nông phải tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng nông dân chịu trách nhiệm với sản phẩm sản xuất ra. Sản phẩm phải có niềm tin với người tiêu dùng...

Thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị

Diễn đàn đã tập trung đánh giá thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với mong muốn phát triển, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng thương hiệu đưa các sản phẩm đến các hệ thống siêu thị; khuyến cáo những sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu thị trường lớn để nông dân phát triển sản xuất.

 

tr12a.jpg

Theo báo cáo của đại điện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực nông thôn dựa trên các sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của từng địa phương nằm trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Việt Nam đang cụ thể hóa tiếp cận này thông qua 2 chương trình cấp quốc gia, đó là: Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thông qua chỉ dẫn địa lý” do Bộ Khoa học Công nghệ quản lý và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.

Nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai đồng thời cả 2 chương trình này như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Ninh Bình, Bắc Ninh, Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh... Thông qua đó, nhiều sản phẩm đã cải thiện được chất lượng, người sản xuất có thương hiệu bán hàng và liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao được hiệu quả sản xuất...

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản, cần được nghiên cứu lồng ghép trong chương trình OCOP để phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đến nay, chúng ta đã có 68 sản phẩm CDĐL, phân bố tại 41 tỉnh/thành trên cả nước và đã phát huy được một số hiệu quả. Một số nông sản có CDĐL có giá trị gia tăng như mật ong bạc hà Mèo Vạc, hồng không hạt Quản Bạ, cam Cao Phong, chả mực Hạ Long...

Diễn đàn là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp đánh giá và rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp thúc đẩy việc liên kết bốn nhà trong việc kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Bên cạnh đó diễn đàn cũng đã giới thiệu những mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao tại Bắc Kạn và một số tỉnh như Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên để người dân học tập và nhân rộng.

Mở ra cơ hội hợp tác thương mại

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng hợp tác thương mại giữa Big C (đơn vị thành viên của Central Retail Việt Nam) với 9 nhà cung cấp của tỉnh Bắc Kạn; qua đó tạo sinh kế ổn định cho 200 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn.

Chín đơn vị tại Bắc Kạn ký hợp đồng với Big C gồm các HTX: Mai Lạp (măng nứa tép Mai Lạp); cây ăn quả Thôn Khuổi Nằn II Xã Lương Hạ (cam đường Canh); nông nghiệp Thanh Niên Như Cố (Trà mướp đắng rừng Bắc Kạn); Khẩu Nua Lếch (Gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn) và các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh: Bàn Tiến Trung (măng ớt đỉnh Đèo Gió); bánh kẹo Thanh Yên (bánh gạo nương Thanh Yên); Nông Hồng Quyên (cơm cháy gạo nếp nương); Đặng Thị Huyền (nấm hương khô Bắc Kạn); Quỳnh Niên (phở khô Quỳnh Niên).

Lễ ký hợp đồng này là kết quả của biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Central Retail Việt Nam và Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn diễn ra tại sự kiện “Tuần lễ hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn” tại Big C Thăng Long (Hà Nội) cách đây 2 tháng.

Theo nội dung hợp tác, Big C và Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp triển khai dự án sinh kế cộng đồng tại sáu huyện của tỉnh Bắc Kạn, gồm: Na Rì, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới và Ba Bể, với hơn 200 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ thuộc 10 nhóm Hợp tác xã/tổ hợp tác, để tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống 17 siêu thị Big C khu vực phía bắc.

Dự án sinh kế cộng đồng tại Bắc Kạn là dự án thứ 6 trong chương trình sinh kế cộng đồng (do Central Retail Việt Nam phát động từ đầu năm 2018), sau các dự án Sơn Hà (Quảng Ngãi), Vân Hồ (Sơn La), Bình Định, A Lưới (Huế), và gần đây nhất là dự án Sa Pa (Lào Cai).

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Bắc Kạn là địa phương có nhiều đặc sản, tuy nhiên, nhiều năm qua, sản phẩm của bà con nông dân tiêu thụ rất khó khăn. Việc Big C ký hợp đồng hợp tác bao tiêu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn có một ý nghĩa đặc biệt do đây chủ yếu là các nhóm hộ nghèo, khi có hợp đồng với Big C sẽ phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản, từng bước ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục phối hợp cùng Big C liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh bao tiêu các đặc sản địa phương “.

Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết: “Big C luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân và hợp tác xã nông nghiệp địa phương trong việc hỗ trợ cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu. Chúng tôi cũng tham gia với Chính phủ Việt Nam, thực hiện cam kết duy trì 90% hàng hóa Việt Nam tại các chuỗi siêu thị thực phẩm của mình”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu còn được đi thăm mô hình sản xuất, chế biến tinh bột nghệ như nghệ nếp đen, nghệ nếp đỏ, nghệ thái lát và các mặt hàng nông sản khác tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành (thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn).

 


 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top