Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 2 năm 2020 | 15:59

Khởi tố 6 cán bộ Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Tây Ninh

Các bị can bị khởi tố vì có hành vi đồng phạm giúp sức bị can Nguyễn Thị Phượng (Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Tây Ninh) thực hiện hành vi tham ô tài sản.

Một bị can bị tạm giam, năm người còn lại được tại ngoại để điều tra.

Mới đây nhất, cơ quan CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Tây Ninh đã tống đạt quyết định khởi tố sáu bị can là các bộ Trung tâm Quan trắc môi trường (QTMT) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh. Cả sáu bị can cùng bị cho rằng có vai trò đồng phạm tham ô tài sản. Được biết những cán bộ này, người đang đương chức, người đã chuyển việc khác hoặc nghỉ hẳn.

Trong số 6 bị can vừa bị khởi tố thì có 5 bị can đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, chỉ có 1 bị can bị bắt tạm giam. Trước đó, tháng 6-2019, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Phượng (phó giám đốc Trung tâm QTMT) để điều tra hành vi sai phạm tham ô tài sản của bà này trong thời gian phụ trách trung tâm. Được biết số tiền đang làm rõ trong vụ án này lên đến trên 1 tỉ đồng.

 

anhsott_qwky.jpg
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tây Ninh

 

Thông tin ban đầu, bà Phượng có thời gian dài công tác tại Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường. Khi tách sở, bà Phượng chuyển về Sở TN&MT tỉnh làm phó giám đốc - phụ trách Trung tâm QTMT Tây Ninh không có giám đốc trung tâm. Đến khi có giám đốc trung tâm, bà Phượng chuyển xuống làm phó giám đốc. Nhưng về tài chính, bà Phượng không bàn giao được cho giám đốc. Do không bàn giao được nên Thanh tra tỉnh Tây Ninh vào cuộc, sau đó họ chuyển hồ sơ sang CQĐT và sau đó thì khởi tố, bắt giam. Hiện vụ án đang được cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ.

Quảng Bình: Nhiều hồ nuôi tôm xả thải bức tử môi trường?

Theo phản ánh của người dân đang sinh sống tại các xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), sau khi sử dụng nước để nuôi tôm nhiều chủ hồ đã xả nguồn nước thải trực tiếp ra biển mà không thông qua bất kỳ hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải được xả ra liên tục cả ngày lẫn đêm, có màu đen, đặc quánh, bốc mùi nồng nặc.

Theo đó, bờ biển xã Bảo Ninh và xã Hải Ninh dài hơn 30km có hàng trăm hồ nuôi thủy sản, trong đó chủ yếu là các hồ nuôi tôm bao quanh Quần thể khu Du lịch FLC. Dọc bờ biển có nhiều điểm xả nước thải không qua xử lý ra biển. Nước thải được xả lộ thiên hoặc thông qua ống nhựa lớn đặt âm dưới lớp cát.

Theo ghi nhận, tại thôn Cửa Phú (xã Bảo Ninh) có hơn chục điểm xả nước thải. Phần lớn các hồ nuôi nối ống nhựa cỡ lớn, đặt dưới lớp cát để xả nước thải. Đáng nói, tại đây có một cống xả rộng hơn 5m gom nước thải từ hàng loạt hồ tôm để lộ thiên, cuồn cuộn chảy ra biển những dòng nước đen quánh, chưa qua xử lý.

 

1581733222-anh-3-2.jpg
Nước thải từ các hồ nuôi tôm được xả trực tiếp trên cát rồi chảy thẳng ra biển mà không qua xử lý.

 

Qua tìm hiểu được biết, đây là các hồ nuôi tôm thuộc quản lý của Công ty TNHH thủy sản Ngô Vinh, Công ty Cổ phần Thanh Hương, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh. Việc xả nước thải ra biển cũng diễn ra khá phức tạp đã diễn ra từ lâu khiến người dân bức xúc.

Cụ thể, phía sau các trang trại tôm này có những con kênh rộng tầm 3m gom nước thải từ hàng trăm hồ tôm. Nước thải sau khi gom lại chảy loanh quanh trên cát hàng chục mét trước khi đổ ra biển. Nước thải có màu đen, chảy ào ạt khiến bọt trắng kéo dài cả con kênh. Đáng nói, con kênh này nằm lộ thiên, chảy trực tiếp trên mặt cát ra biển. Dòng nước đen, hôi thối bốc mùi cả khu vực khiến người dân mỗi lần qua đây phải dùng tay bịt mũi để không bị sặc.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, hiện nay tại địa phương có khoảng 30 đơn vị nuôi tôm với diện tích mặt hồ hơn 35 ha. Việc xả nước thải ra môi trường địa phương xã cũng đã nắm và nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.

"khi phát hiện sai phạm về môi trường xã không đủ thẩm quyền để xử lý ngay mà phải chờ báo cáo lên phòng Tài nguyên Môi trường. Việc các hồ nuôi gây ô nhiễm thời gian qua cũng khiến địa phương đau đầu, sắp tới xã cũng sẽ tìm phương án chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm và mang hiệu quả kinh tế cao cho người dân" ông Liệu cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Viết Giai - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quảng Ninh, việc ô nhiễm là do các hồ nuôi không chú trọng xây dựng hệ thống chứa và xử lý nước thải hoặc có làm hệ thống chứa nhưng không để nước thải có thời gian lắng động trước khi xả ra môi trường.

“Cuối năm 2019 phòng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra các đơn vị nuôi tôm tại xã Hải Ninh và phát hiện nhiều vi phạm về ô nhiễm môi trường. Đồng thời yêu cầu đơn vị nuôi thủy sản phải thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung của đề án nuôi trồng thủy sản và kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký”, ông Giai cho biết.

Ngao chết bất thường, người nuôi thiệt hại nặng

Khoảng 1 tháng nay, những người nuôi ngao tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) lo lắng tình trạng ngao đến mùa thu hoạch chết trắng bãi nhưng chưa tìm được ra nguyên nhân, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, thu nhập của người dân.

Tại bãi biển xã Nghi Thiết, khi nước thủy triều rút xuống, bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy nhiều bãi ngao của các hộ nuôi chết há miệng, dày đặc từng lớp trên cát. Ngao chết quá nhiều, người dân phải thu gom đổ thành đống.

Tại bãi ngao có diện tích 1,5 ha của gia đình ở xã Nghi Thiết, anh Phạm Văn Hải cùng vợ đang nhặt bỏ ngao chết  để cải tạo lại bãi cho mùa nuôi trồng năm 2020. Gia đình anh Hải cho biết, thả 5 tấn ngao giống từ tháng 4/2019, đến thời điểm này là thu hoạch ngao thương phẩm. Tuy nhiên năm nay, bãi ngao nhà anh mất trắng khoảng 20 tấn. Với giá hiện tại 18 nghìn đồng/kg ngao thương phẩm, anh Hải thiệt hại khoảng 350 triệu đồng. Chưa kể chi phí bỏ ra đầu tư như: ngao giống, thuê nhân công… lên đến 150 triệu đồng.

Bãi ngao của gia đình ông Phạm Văn Anh cũng chết trắng 1,4 ha. Ông Anh cho biết, 3 năm nuôi ngao chưa thấy năm nào ngao chết nhiều như năm nay. Nếu như năm ngoái, ngao chết ít, rải rác thì năm nay chết dày đặc. Ngao chết xuất hiện từ tháng 11 Âm lịch nhưng nhiều nhất là tháng 12 Âm lịch và đỉnh điểm là tháng giêng 2020. Do số lượng ngao chết quá lớn, gia đình ông Anh đã phải thuê nhân công dọn đẹp từ trong Tết đến bây giờ với chi phí hết 14 triệu đồng nhưng vẫn chưa xong. Vụ ngao này, gia đình ông Anh thiệt hại gần 400 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc đã lấy 3 mẫu ngao tại khu vực nuôi của 3 hộ gia đình đi xét nghiệm. Đến ngày 14/2, tất cả các mẫu ngao xét nghiệm đều âm tính với ký sinh trùng perkinsus (loại ký sinh trùng gây bệnh chết ở ngao).

Việc ngao chết không rõ nguyên nhân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc đã báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, đề nghị quan trắc nguồn nước khu vực nuôi ngao.

Ông Trần Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho biết, việc ngao chết đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của bà con nơi đây. Ông mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân ngao chết, có biện pháp như thế nào đó khắc phục để bà con ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất cho vụ ngao mới.

 

ngao-chet.jpg
Ngao chết bất thường ở xã Nghi Thiết nhưng vẫn chưa tìm được ra nguyên nhân.

 

Tại cuộc họp với các hộ nuôi ngao ở xã Nghi Thiết vào ngày 11/2 vừa qua, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc khuyến cáo người dân thực thiện đúng quy trình từ lúc chọn giống ngao tốt, uy tín; cho đến thả con giống với mật độ vừa phải; phơi bãi… để phòng tránh ngao bị bệnh chết.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho biết, ngao giống được lấy ở địa chỉ uy tín là Nam Định và Thanh Hóa đã nhiều năm nay. Nếu con giống chất lượng không tốt thì tại sao cứ đến gần vào thời điểm thu hoạch mới chết mà không chết từ đầu. Các năm, hiện tượng ngao chết rải rác vào tháng giêng âm lịch là có đợt sương mù.

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top