Làm sao để cho người dân ở quê mình đỡ vất vả với nghề nông, nhưng lại có thu nhập cao? Đó là điều luôn khiến Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng trăn trở…
Làm đủ mọi nghề
Vào một ngày đầu tháng Tư, tôi đến tìm Lê Văn Tám tại nơi làm việc. Trước mắt tôi là chàng trai nhỏ bé, nhưng trải đời. Tám đã kể cho tôi nghe câu chuyện về đời mình với nhiều thăng trầm khó quên.
Tám là chàng trai xuất thân từ gia đình nghèo quê Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Ra Hà Nội từ năm 1991, từng đi rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn trên một con phố khá nổi tiếng của Thủ đô, tối lại đi làm tất cả những gì mà người ta thuê.
Số tiền đi làm của Tám đều được cậu sử dụng một cách rất chi ly, tằn tiện, còn đâu đều được cất giữ cẩn thận. Sau 5 năm, Tám dành dụm được hơn 20 triệu đồng. Số tiền này theo lời Tám, nếu về quê thì cậu có thể mua được một vài xuất đất.
Nhưng với quyết tâm thoát nghèo, muốn thay đổi cuộc sống vất vả cho mình và gia đình, Tám đã thực hiện được ước nguyện của mình là đi lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Cũng giống như những ngày ở Việt Nam, sang Hàn Quốc, Tám làm việc không ngơi nghỉ trong ngành cơ giới hóa nông nghiệp.
Tám cho biết, em ở bên đó 11 năm nhưng chưa một lần về quê.
Làm giá thể để gieo mạ, trồng rau
Chia sẻ với tôi, Tám cho biết, những năm tháng ở Hàn Quốc đã cho Tám nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực làm nông nghiệp hữu cơ và ngành cơ giới hóa.
Sau khi về nước, tìm hiểu và nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trồng lúa, Tám nhận thấy quá trình sản xuất ra hạt thóc của người nông dân rất vất vả, năng suất nhiều khi không cao, dẫn đến thu nhập thấp. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có khâu ban đầu đó là gieo mạ. Theo Tám, đất đai đang bị thoái hóa, đất không còn màu mỡ như trước nếu như không có biện pháp cải tạo lại.
Do đó, Tám nghiên cứu và sản xuất những giá thể đầu tiên cho việc gieo mạ. Theo Tám, giá thể này thực chất là việc sản xuất ra một dạng đất có đầy đủ chất dinh dưỡng tốt nhất, sạch nhất, để khi gieo hạt thóc xuống nảy mầm, cây mạ sẽ rất khỏe nhờ có chất dinh dưỡng. Những cây mạ được gieo trong những giá thể này chịu được mọi dịch bệnh trong quá trình phát triển.
Không giấu diếm về cách chế biến giá thể để gieo mạ, Tám cho biết, đây là kinh nghiệm em học được từ những trang trại trồng rau hữu cơ bên Hàn Quốc, giá thể đó bao gồm bùn được phơi khô, mùn cưa, phân, kali, vôi, tất cả đều được trộn vào và được ủ kín trong 3 đến 6 tháng, sau đó, đất này được đưa vào khay để gieo mạ.
Giá thể này sau khi được chế biến và ủ trong một thời gian nhất định, khi đưa ra bên ngoài hoàn toàn không có mùi hôi mà ngược lại có mùi thơm, lúc này đất rất sạch để gieo mạ, thậm chí trồng rau sạch cũng tốt, không có sâu bệnh do trong giá thể không còn vi khuẩn và trứng sâu.
Giám đốc Lê Văn Tám trong nhà lồng trồng rau hữu cơ của mình.
Hiện, Tám đang chuyển giao công nghệ làm giá thể này cho các tỉnh, thành phố từ Nghệ An trở ra, hầu hết nông dân đều sử dụng phương pháp làm đất sạch hữu cơ để gieo mạ hoặc trồng rau hữu cơ trong nhà lưới, năng suất và chất lượng đạt cao.
Ống hút từ rau, củ, quả
Cơ sở sản xuất và kinh doanh của Lê Văn Tám còn sản xuất ống hút, được chế biến từ nông sản như các loại rau, củ, quả.
Qua quan sát, nhận thấy việc sử dụng các loại ống hút nhựa hiện nay rất mất vệ sinh, thậm chí, gây ô nhiễm môi trường sống. Cũng là kinh nghiệm, kiến thức được học hỏi từ khi còn lao động bên Hàn Quốc, Tám bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất ống hút bằng rau, củ, quả vào sản xuất.
Mặc dù mới đưa vào sản xuất nhưng sảm phẩm này đã thu hút được một số đơn vị đưa vào sử dụng như Văn phòng Chính phủ, các quán café giải khát trên địa bàn Hà Nội.
Hiện, HTX của Tám sản xuất ống hút từ rau, củ, quả khoảng 50.000 ống hút ngày. Giá thị trường đối với sản phẩm này còn tương đối cao, do vậy, HTX đang cố gắng tìm kiếm đối tác để tiêu thụ.
Tham quan cơ ngơi của Lê Văn Tám, người đàn ông sinh năm 1976, đang lập nghiệp thành công ở Đông Anh (Hà Nội), đi lên từ hai bàn tay trắng, tôi rất cảm phục, Tám đã nỗ lực vươn lên làm giàu cho chính bản thân mình và giúp đỡ bà con nông dân có thu nhập cao từ làm nông nghiệp..
“Tám phải cảm ơn ông chủ quán ăn trên phố Huế khi đó đã có một câu nói rất xúc phạm. Tuy nhiên, chính vì câu nói ấy là động lực để tôi quyết tâm phải thoát nghèo: Phải làm ông chủ chứ không phải làm thuê”, Tám tâm sự. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.