Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 6 năm 2021 | 14:54

Lần đầu đến “mắt đảo” Sơn Dương

Chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đến thăm đảo Sơn Dương. Con tàu ra đảo mang theo bao tình cảm từ đất liền bởi có thêm những món quà quê dân giã.

Lần đầu tiên tôi được ra đảo nên thật nhiều cảm xúc. Mà đâu chỉ riêng tôi, các thành viên trong đoàn, cả những người lần đầu ra đảo lẫn người trở lại vẫn có chung một nỗi bồi hồi. 

 

sd.jpg

Đảo Sơn Dương từ một góc nhìn. 

 

“Con mắt thần” giữa biển khơi

Đảo Sơn Dương (TX. Kỳ Anh - Hà Tĩnh) cách đất liền 4 hải lý, được coi như “con mắt thần” giữa biển khơi, án ngữ cửa ngõ ra vào cảng Vũng Áng. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, là chốt chặn quan trọng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng Vũng Áng và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên biển.

Trước kia, Sơn Dương chỉ là hòn đảo hoang vắng. Năm 1972, trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, một trung đội pháo của Ban CHQS huyện Kỳ Anh được cử ra đảo để ngăn chặn các cuộc tập kích từ xa của máy bay và tàu chiến Mỹ. Đến nay, đơn vị đã phát triển thành đại đội, với lực lượng tinh nhuệ, luôn sẵn sàng chiến đấu, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển Hà Tĩnh.

Qua ống nhòm của anh lái ca nô, tôi nhận thấy từ xa đảo Sơn Dương hiện lên. Trên thảm xanh cây rừng nổi bật phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Khu doanh trại ngói đỏ, tường vôi trắng được dựng vững chắc tựa vào vách đá núi. Từ trên đảo Sơn Dương có thể quan sát được cả một vùng biển rộng lớn xung quanh, bao gồm cả cảng Vũng Áng, khu công nghiệp Fomosa (TX. Kỳ Anh).

 

sd6.jpgsd5.jpg
Thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Dương luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sự bình yên cho biển đảo của Tổ quốc.

 

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Xuất phát từ cảng Vũng Áng trên chiếc ca nô của bộ đội biên phòng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới ra được đảo. Đón chúng tôi ở cầu cảng, những người lính mặc quân phục xanh xếp hàng đón chào đoàn khách từ đất liền ra thăm. Các anh hồ hởi đón chúng tôi như đón những người thân lâu ngày gặp lại.

Anh Nguyễn Thanh Quang, cán bộ Agribank Hà Tĩnh II, cho biết: Trong tôi, đảo Sơn Dương luôn là điểm đến đầy thân thương. Chuyến đi lần này, ngoài tình cảm cá nhân, chúng tôi còn có nhiệm vụ thay mặt đơn vị mang những phần quà  ý nghĩa đến với cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

“Ở đây, em có cảm giác đang sống trong một gia đình, những dịp lễ, Tết dù rất nhớ nhà nhưng gác tình riêng, anh em luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Em luôn cảm thấy tuổi trẻ của mình thật đẹp vì đã có những ngày ý nghĩa được cống hiến, được đóng góp chút công sức ở đây”, binh nhất Bùi Văn Tý chia sẻ.

Gắn bó với đảo 8 năm nay thì cả 8 cái Tết đại úy Bùi Việt Bắc cùng đồng đội đón năm mới trên đảo. Mặc dù rất nhớ nhà nhưng vì nhiệm vụ, anh đành gác lại tình riêng. Anh Bắc chia sẻ, bố mẹ và vợ con rất thông cảm và động viên anh hoàn thành nhiệm vụ. 

 

t13.jpg

sd4.jpg

Khoảnh khắc nghỉ ngơi sau ca trực của chiến sỹ trên đảo Sơn Dương.

 

Đại úy Nguyễn Đức Cu, Đảo trưởng đảo Sơn Dương, cho biết: Mỗi năm, lính trên đảo chỉ có một lần về phép, thỉnh thoảng gọi điện về cho người thân thăm hỏi, động viên nhau cho bớt nỗi nhớ nhà. Những ngày Tết cổ truyền, gần như 100% phải ở lại trực chiến nên khi có khách từ đất liền ra chơi, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi vui lắm. Tình cảm của đất liền là động lực giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đối với chúng tôi, việc canh giữ đảo là niềm vinh dự và tự hào.

 

“Cuối năm 2011, tổ công tác do tôi chỉ huy đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, đến gần 1 giờ sáng, chợt nghe có tiếng kêu cứu ngoài biển, phát hiện thấy chiếc thuyền chết máy trôi dạt vào bãi đá ngầm. Mặc dù trời tối, sóng to, gió lớn, nhưng chúng tôi đã kịp thời chỉ huy 5 cán bộ, chiến sĩ bơi giỏi nhất tiếp cận tàu bị nạn. Sau gần hai giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, anh em đã đưa được nạn nhân và thuyền vào bờ; tiến hành sơ cứu, chăm sóc tận tình ngư dân bị nạn, trong niềm cảm phục của gia đình và bà con làng xóm”, Đảo trưởng Nguyễn Đức Cu kể về kỷ niệm trong một lần đi tuần tra.

Tôi biết thêm: Lính đảo ở đây còn được giao một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là công tác dân vận. Khi giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), có nhiều vụ việc phức tạp. Được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Phân đội đảo Sơn Dương cử tổ công tác đến từng hộ gia đình phải di dời trong xã Kỳ Lợi để tuyên truyền, vận động nhân dân đến nơi ở mới. Ban đầu thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác gặp nhiều khó khăn, song bằng sự linh hoạt, kiên trì thuyết phục, 100% số gia đình đã vui vẻ di dời đến nơi ở mới, góp phần giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư đúng tiến độ. 

 

t13a.jpg
Những luống rau được cán bộ, chiến sỹ trên đảo dày công chăm bón.

Cùng các anh đi qua những “địa danh”, những câu chuyện vui, buồn được các chiến sỹ đặt tên độc đáo trên đảo Sơn Dương, nhìn ánh mắt long lanh đầy nhiệt huyết của người lính trẻ giữ đảo, tôi càng thấm thía câu khẩu hiệu trước doanh trại: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Bữa cơm trưa trên đảo thật vui, chúng tôi được thưởng thức những món đặc sản “cây nhà lá vườn” do các anh tự làm, rau tự trồng, lợn, dê tự nuôi. Tôi thật sự bất ngờ, ở nơi đất đảo, nước ngọt khan hiếm lại có thể tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào đến vậy?

‘‘Thời tiết trên đảo cũng rất khắc nghiệt, mùa hè với khí trời hầm hập, nắng chói chang, nhiệt độ thường ở mức 38-40 độ C. Mùa mưa lại dễ bị tác động bởi các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Khi đơn vị phát động phong trào tăng gia sản xuất, tất cả mọi người đều tích cực hưởng ứng, không chỉ tăng gia sản xuất để tạo nguồn thực phẩm cải thiện đời sống, mà còn giúp chiến sĩ tăng cường ý thức khắc phục khó khăn. Hằng ngày, sau những giờ làm việc và huấn luyện nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, vào mỗi buổi chiều, cán bộ, chiến sỹ cùng nhau ra vườn lao động sản xuất. Anh em đồng lòng, mỗi người một việc, không khí lao động vô cùng hăng say, giờ trên đảo đã có đủ rau sạch, thịt sạch”, binh nhất Bùi Văn Tý vui vẻ chia sẻ.

Rời đảo trong ánh nắng cuối chiều. Đảo xa dần sau những con sóng bạc trên làn nước trong xanh. Bất chợt vang lên trong tôi khúc hát về đảo xa mà các chiến sĩ trên đảo Sơn Dương đã ca vang trong buổi giao lưu văn nghệ trước khi chia tay đoàn chúng tôi: “Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà...”.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top