Mô hình liên kết trồng cà rốt xuất khẩu của hơn 1.000 hộ dân 3 xã Hoằng Đạo, Hoằng Lưu, Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã đem lại hiệu quả nhiều mặt, cần được nhân rộng.
Nông dân thành công nhân
Để thay thế hình thức sản xuất nhỏ lẻ, hơn 1.000 hộ dân ở 3 xã Hoằng Đạo, Hoằng Lưu, Hoằng Thanh đã cho Công ty TNHH nông nghiệp phát triển Kim Huy Việt Nam (Công ty Kim Huy) - chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc - thuê đất, triển khai mô hình trồng cà rốt xuất khẩu đầu tiên ở xứ Thanh. Qua đó, người dân nơi đây không chỉ có được nguồn thu từ quỹ đất cho thuê, mà còn có thu nhập ổn định khi trở thành nhân công lao động chuyên nghiệp ngay trên những thửa ruộng của gia đình mình.
Về xã Hoằng Đạo trong những ngày thu hoạch cà rốt để xuất khẩu vụ đầu tiên, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt người nông dân.
Gặp phóng viên, ông Nguyễn Huy Cương, người phụ trách hệ thống nước tưới tự động cho cánh đồng cà rốt của Công ty Kim Huy ở xã Hoằng Đạo, cho biết: “Cùng với nhiều hộ dân khác trong xã, sau khi gia đình tôi cho doanh nghiệp thuê 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) đất để trồng cà rốt xuất khẩu, tôi được đảm nhận công việc điều hành hệ thống nước tưới tự động ở cánh đồng này, với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Hệ thống nước tưới tự động ở đây được doanh nghiệp đầu tư bài bản, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của cây cà rốt trong quá trình sinh trưởng và phát triển từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch”.
Ông Lê Xuân Lưu, hiện là bảo vệ cánh đồng cà rốt của Công ty Kim Huy cũng phấn khởi khoe: “Chúng tôi cho công ty thuê đất với giá 1,7 triệu đồng/sào trong thời hạn 10 năm. Kế từ năm thứ 6 trở đi, doanh nghiệp trả cho người dân thêm 25% nữa. Sau khi thuê đất, công ty giao cho tôi bảo vệ cánh đồng cà rốt với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Trước kia, những thửa đất của chúng tôi ở đây chỉ trồng được kê, lạc…, hiệu quả kinh tế thấp, nhưng nay hình thành vùng sản xuất cà rốt quy mô, có giá trị xuất khẩu”.
Theo lời ông Lưu, những hộ dân có đất cho thuê đều được công ty nhận làm công nhân lao động sản xuất chuyên nghiệp ngay trên thửa đất của gia đình mình. Mỗi ngày, công nhân lao động 8 tiếng với mức thu nhập 25.000 đồng/giờ và nếu làm thêm giờ thì được tính 30.000 đồng/giờ. Ngoài số tiền cho doanh nghiệp thuê đất, người dân chúng tôi còn có thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/tháng.
Chia tay bà con xã Hoằng Đạo, chúng tôi đến tham quan, tìm hiểu tại Nhà máy sơ chế, đóng gói cà rốt xuất khẩu của Công ty Kim Huy đóng ở xã Hoằng Lưu.
Có mặt tại nhà máy, chúng tôi nhận thấy bầu không khí làm việc chuyên nghiệp, tích cực của đội ngũ công nhân là con em những gia đình có đất cho doanh nghiệp thuê để trồng cà rốt xuất khẩu. Cà rốt sau khi được thu gom từ cánh đồng ở 3 xã Hoằng Đạo, Hoằng Lưu, Hoằng Thanh được vận chuyển về nhà máy để tiến hành lựa chọn lại một lần nữa. Sau đó, cà rốt được đưa vào hệ thống làm sạch bằng nước tự nhiên, rồi mới sơ chế, đóng gói và bảo quản ở kho đông lạnh. Toàn bộ quy trình trên được thực hiện dưới sự giám sát của đối tác Hàn Quốc.
Mở rộng quy mô và thị trường
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, vụ đông xuân 2018-2019, huyện Hoằng Hóa vận động người dân có đất trồng lạc kém hiệu quả ở 3 xã Hoằng Đạo, Hoằng Thanh và Hoằng Lưu góp đất để Công ty Kim Huy thuê và chuyển đổi thành vùng trồng cà rốt xuất khẩu, với diện tích hơn 50ha.
Cà rốt được làm sạch, sơ chế và đóng gói để xuất khẩu.
Thực hiện mô hình liên kết, sau khi thuê đất của bà con, từ vụ đông 2018, Công ty Kim Huy tiến hành trồng cà rốt để xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhìn nhận về mô hình liên kết sản xuất này, ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoằng Hóa, cho hay: Khi Công ty Kim Huy về địa phương tìm hiểu cơ hội đầu tư, chúng tôi đã trực tiếp cùng họ đến 6 xã để khảo sát. Sau đó, công ty chọn 3 xã Hoằng Đạo, Hoằng Lưu và Hoằng Thanh thuê đất thực hiện mô hình liên kết sản xuất cà rốt xuất khẩu.
“Công ty đã đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ sản xuất khá bài bản, quy mô, chuyên nghiệp. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ để hình thành nguồn nước và hệ thống điện lưới đảm bảo phục vụ sản xuất. Từ khâu làm đất, gieo hạt, chăm bón đến sơ chế, đóng gói cà rốt đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Với hiệu quả kinh tế của vụ sản xuất đầu tiên, thấy đây là mô hình liên kết sản xuất cần được phát huy, nhân rộng để nâng cao đời sống cho bà con nông dân và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai”, ông Hòa nói.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hải Yến, đại diện Công ty Kim Huy, khẳng định: Toàn bộ số lượng cà rốt đạt tiêu chuẩn trong vụ sản xuất đầu tiên của chúng tôi đều được xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện chúng tôi mới thuê được hơn 50ha để làm vùng nguyên nguyên sản xuất. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục khảo sát và thuê cho đủ diện tích 120ha theo kế hoạch ban đầu. Chúng tôi sẽ xúc tiến để xuất khẩu cà rốt sang các trị trường khác như: Thái Lan, Indonesia, Mỹ… Không chỉ có ở Hoằng Hóa, chúng tôi muốn thực hiện mô hình sản xuất này ở các địa phương khác của tỉnh Thanh Hóa.
Những năm qua, Hoằng Hóa đã vận động, khuyến khích các hộ dân, HTX, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh nông nghiệp tích tụ đất đai thông qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, góp đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đến nay, chủ trương này được triển khai và nhân rộng tại 40/43 xã, thị trấn. Qua đó, hình thành 155 mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, với tổng diện tích 392,7ha. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.