TP. Cần Thơ xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nhất là trong lĩnh vực trồng trọt.
Các mô hình này đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận trên cùng một diện tích, đồng thời chủ động phòng tránh thiên tai, sâu bệnh gây ra đối với cây trồng.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Thới Lai.
Hiệu quả
Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Trí Vinh ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ có 12 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 12,5ha. Nông dân tại HTX chủ yếu sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn quả như cải xanh, cải ngọt, ngò rí, diếp cá, xà lách, húng nhũi, mướp, khổ qua, dưa leo; dưa hấu. Ðược sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp địa phương và thành phố, HTX đã được tiếp cận, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ðặc biệt, HTX được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí để trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng, logo cho sản phẩm và đầu tư thực hiện mô hình sản xuất rau trong nhà lưới với tổng diện tích 0,2ha. Ðồng thời, được hỗ trợ trong kết nối với các nhà tiêu thụ và thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử chonongsancantho.vn và các trang mạng nông sản khác để có đầu ra thuận lợi.
Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc HTX rau an toàn Trí Vinh, cho biết: "Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, đặc biệt là thực hiện trồng rau trong nhà lưới kết hợp với hệ thống phun tưới nước tự động đã giúp nông dân giảm nhiều thời gian, chi phí tiền công chăm sóc, bón phân và phun thuốc. Rau màu trong trong nhà lưới ít sâu bệnh, lại không lo hư héo, dập úng do các thời tiết cực đoan như: nắng nóng, mưa gió với cường độ cao... nên có thể chủ động sản xuất được 8-10 vụ/năm. Nông dân có thể tăng cao lợi nhuận từ 6-12 triệu đồng/vụ/công (1.000m2) so với trồng bình thường bên ngoài".
Bên cạnh thu hút nông dân tại một số xã lân cận tham gia vào HTX, hiện HTX rau an toàn Trí Vinh còn làm cầu nối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân trồng dưa hấu trong nhà lưới tại thị trấn Thới Lai, nông dân trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà màng tại xã Trường Thắng. Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, ngụ xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, gia đình có 5 công đất được đầu tư xây dựng nhà màng để trồng dưa lưới và dưa lê theo hướng sạch, đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc áp dụng hệ thống trồng và chăm sóc dưa trong nhà màng mang lại nhiều lợi thế như giúp chủ động, không lo ảnh hưởng điều kiện môi trường nắng, mưa giúp hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Ðồng thời, việc áp dụng các công nghệ cao, kết nối các hệ thống điều khiển thông qua mạng internet... cũng giúp thuận lợi cho quản lý sản xuất, kiểm soát được lượng phân bón, nguồn nước tưới và các vật tư đầu vào, giảm công chăm sóc. Nhờ dưa được bao tiêu đầu ra với giá 35.000 đồng/kg và năng suất có thể đạt 3,5-4 tấn/công nên doanh thu từ mô hình khá tốt, lợi nhuận có thể đạt từ 30-40% trên tổng doanh thu. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình nhà màng trồng dưa, đòi hỏi cần nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn, lên đến 500-700 triệu đồng/công.
Hỗ trợ nhân rộng mô hình
Nhằm phát triển nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua TP Cần Thơ đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích, trong đó có việc ứng dụng CNC.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố đã tích cực hỗ trợ người dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Khuyến khích nông dân và doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ mới, nhất là công nghệ 4.0 để xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp CNC. Quan tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phù hợp gắn với chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Thực hiện các định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở NN&PTNT thành phố và định hướng phát triển của ngành, Trung trâm Dịch vụ Nông nghiệp đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Sở, các địa phương đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân bằng nhiều hoạt động như tập huấn, tham quan, học tập thực tế tại các mô hình... Ðồng thời, tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, cũng như sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhất là sản xuất theo VietGAP. Hỗ trợ kết nối nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và đưa sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá tại sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn".
Ðể thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7-4-2017 về xây dựng và phát triển nông nghiệp CNC. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay trên địa bàn Cần Thơ đã có 212 mô hình ứng dụng CNC theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 738/QÐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ NN&PTNT. Nông nghiệp CNC đã khẳng định mang lại hiệu quả cao, nhưng để phát triển các mô hình ứng dụng CNC, nông dân rất cần ngành chức năng hỗ trợ về vốn và tập huấn, đào tạo để nắm bắt kịp thời những kiến thức, công nghệ mới.
Theo baocantho.com.vn
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.