Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập: Để nông nghiệp Bến Tre phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới nhất thiết phải có hướng phát triển phù hợp, nhất là phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hơn vào sản xuất.
Bến Tre: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp hiện nay chiếm hơn 44% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh và đang được phát triển theo hướng thâm canh, chuyên canh, quy mô lớn trên cơ sở liên kết giữa những người nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã và bước đầu có sự liên kết, hợp tác giữa sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đối với một số cây trồng, vật nuôi và thủy sản có giá trị như: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, cây giống - hoa kiểng, bò, tôm biển, heo. Nhiều mô hình sản xuất an toàn (GAP), phương thức sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng tăng tại Bến Tre từ đó tạo ra sản lượng hàng hóa lớn có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bến Tre tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nền nông nghiệp của Bến Tre còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là sản xuất manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hình thức sản xuất hiện đại nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên diện tích đất nông nghiệp chưa nhiều. Vì vậy để ngành Nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới nhất thiết phải có hướng phát triển phù hợp, nhất là phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hơn vào sản xuất. Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh Bên Tre.
Xây chuỗi giá trị nông sản
Xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng trên các lĩnh vực lúa gạo, trái cây và thủy sản là hướng phát triển của tỉnh Bến Tre.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2017-2018, tỉnh tổ chức hướng dẫn các hợp tác xã được chọn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp gắn kết với các hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh sẽ hoàn thiện mô hình thí điểm đối với các hợp tác xã nông nghiệp được chọn và triển khai nhận rộng các mô hình ở các địa phương.
Cũng theo Sở NN&PTNT Bến Tre, hiện tỉnh đang xây dựng chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, con bò, con lợn và con tôm biển. Bước đầu, tỉnh đã hình thành những vùng nguyên liệu đáp ứng được các tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất mang nhiều lợi ích thiết thực như giúp người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Qua đó, gia tăng lợi nhuận cho từng thành viên, đảm bảo được chất lượng và số lượng hàng hóa cung ứng cho khách hàng. Đặc biệt có thể ký hợp đồng đầu ra, sản xuất quy mô lớn từ đó tạo tiền đề phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Tiền Giang: Trồng dừa Mã Lai đem lại thu nhập cao cho nông dân
Hiện nay, mô hình trồng dừa dùng làm nước giải khát đang được nông dân huyện Gò Công Tây áp dụng bởi hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc. Trong đó, loại dừa uống nước Mã Lai được nhiều người dân lựa chọn, do loại dừa này ít bị bọ cánh cứng, đuông gây hại, vỏ mỏng, gáo to, nước ngọt thơm, thân nhỏ, có thể trồng trên diện tích hẹp.
Sau 3 năm trồng, dừa Mã Lai bắt đầu cho trái, nếu được chăm sóc tốt, dừa đạt sản lượng mỗi 1 công đất (1.000m2) cho thu hoạch khoảng từ 400 - 500 trái/tháng, với giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái) như hiện nay, mỗi tháng người trồng dừa có thu nhập hơn 3 triệu đồng.
Trồng dừa Mã Lai đem lại thu nhập cao cho nông dân
Đối với giống dừa Mã Lai, khâu chăm sóc có một số khác biệt so với các loại dừa khác. Khi cây có trái "chiến" (đợt trái đầu tiên) đến 5 - 7 năm sau, phải dùng tre hoặc tràm chống đỡ các buồng dừa để tránh tình trạng buồng bị gãy giữa chừng. Bên cạnh đó, để giúp buồng dừa bám chặt vào thân cây, không nên làm vệ sinh đọt dừa bởi các yếm dừa sẽ giữ buồng chắc chắn hơn.
Nhiều nhà vườn trồng dừa Mã Lai chia sẻ, nếu dừa ở mức giá 50.000 đồng/chục, người trồng dừa vẫn có nguồn thu nhập cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa, hoặc màu, lại ít tốn công chăm sóc. Hơn nữa khi trồng dừa, nông dân có thể trồng xen các loại cây màu ngắn ngày để tăng thêm thu nhập theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi ở địa phương khá hiệu quả, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, cần được nhân rộng.
Giang Nam (tổng hợp)
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.