Món bánh dân dã gắn bó với bao người con xứ Nghệ, món bánh mang cả “hồn quê” mà ai đi xa cũng muốn ùa về thưởng thức đầu tiên, ấy là món bánh mướt rất đỗi mộc mạc thân quen.
Nói đến đặc sản Nghệ An, nhiều người thường nghĩ ngay đến cam Vinh ngon ngọt hay món súp lươn nức tiếng. Tuy nhiên, sẽ thật đáng tiếc nếu như bạn chưa một lần thưởng thức bánh mướt Nghệ An để tận hưởng hương vị thơm ngon tinh túy từ bột gạo hòa quyện cùng nước chấm chua cay khó cưỡng và vị hành phết bánh vàng ruộm thơm nức lòng.
Mâm bánh mướt Nghệ An chính là món ăn gây thương nhớ nhất, không thể nào quên của những người con xứ Nghệ. Không chỉ in đậm dấu ấn bởi hương vị thơm ngon, bánh mướt còn là niềm tự hào, là văn hóa ẩm thực dân dã của con người Nghệ An cần cù, chân chất, mộc mạc ấm tình người.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự, dù đã sống ở Thủ đô gần 20 năm, nhưng mỗi dịp về quê Nghệ An chị đều “dành bụng” để về thưởng thức món bánh mướt đầu tiên cho thỏa cơn thèm.
Món bánh mướt Nghệ An thoạt nhìn có vẻ giống bánh cuốn ở miền Bắc, nhưng là người con xứ Nghệ sẽ nhận ra sự khác biệt. Sở dĩ bánh có tên gọi là bánh mướt bởi ăn vừa có cảm giác mềm, mỏng, mướt như tan trong miệng, chấm cùng nước mắm cốt, thêm chút chanh và ớt nữa là đúng dư vị bánh quê hương.
Để cho “ra đời” một chiếc bánh mướt thơm ngon, chuẩn vị đòi hỏi sự chu đáo, chỉn chu đến từng công đoạn. Gạo làm bánh mướt Nghệ An được chọn là gạo tẻ. Muốn bánh dẻo, dai vừa phải và đúng vị bánh của xứ Nghệ, gạo phải ngâm 3 tiếng cho thêm chút muối rồi mới đem đi xay nhỏ thành bột nước. Bột gạo sau khi xay xong ngâm thêm 3 đến 6 tiếng nữa mới đạt được “độ chín” vừa đủ. Sự cầu kỳ trong từng công đoạn đã khiến món ăn này có sự khác biệt rõ ràng về hương vị so với các vùng miền khác.
Bà Phạm Thị Tùng (Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) - người gắn bó với nghề bánh mướt gia truyền của gia đình với gần 40 năm tráng bánh cho hay, làm bánh mướt thủ công vất vả, ngày nào bà cũng dậy đỏ lửa từ 3 giờ sáng để kịp tráng những thúng bánh chuẩn bị cho phiên chợ sáng vừa nóng ấm, vừa dẻo mềm và thơm ngon nhất.
Thoăn thoắt tay tráng bánh, bà kể, vất vả là thế, nhưng cái nghề đã vận vào thân, mẹ của bà cũng mưu sinh với nghề làm bánh mướt cả đời và giờ là bà, bao năm nay ngày nào bà cũng miệt mài tráng bánh và đi chợ đều đặn. Chính nghề làm bánh đã nuôi cả gia đình cùng 3 người con ăn học đàng hoàng. Bà tự hào và hăng say làm không kể tuổi tác. Cả thôn cứ hay đùa gọi bà là “Tùng bánh mướt” vì cứ hễ ai muốn đặt bánh mướt là đến nhà bà là có ngay.
Bên ánh lửa bập bùng, chiếc lò tráng bánh thiết kế cố định như một “chiếc máy” thủ công được bà tráng liền tay những thúng bánh thơm mùi gạo còn nghi ngút hơi bốc lên.
Bà Tùng cho hay, công đoạn tráng bánh rất quan trọng, nồi tráng phải có một lớp vải mịn căng ở bên trên và hé một góc để hơi thoát ra. Lửa thật to, đợi khi phần nước sôi, hơi nước bốc lên đủ nhiều, người tráng mới dùng muôi, múc từng muôi bột trải mỏng lên trên lớp vải màn mịn rồi đậy vung lại, đợi một lúc. Khi bánh chín, dùng đũa nhúng qua lọ nước lọc rồi khéo léo luồn nhấc bánh ra mẹt rồi khéo léo cuộn tròn lại rồi xếp vào thúng.
Có lẽ điều làm nên sự hấp dẫn nhất của món bánh này nằm ở khâu khi phết lớp hành đã được phi thơm. Hành phải là hành tăm kết hợp hành đỏ truyền thống của xứ Nghệ, được phi vàng ruộm làm dậy lên mùi thơm nức mũi, khiến thực khách khi ăn sẽ cảm nhận được hương vị rất riêng biệt không nơi nào có được của mảnh đất miền Trung đậm ân tình.
Bánh mướt có thể kết hợp ăn kèm cùng với đủ món như xáo gà, xáo lòng, lòng nóng, súp lươn, chả cuốn (hay còn gọi chả nem, ram)... Ngoài ra, bạn còn có thể chấm bánh mướt vào bát bò hầm, sốt vang xáo vịt hay ăn với giò lụa… Đơn giản hơn, chỉ cần chén nước mắm cốt vắt chanh, pha đường rồi thêm lát ớt cay the nữa là có thể làm nên bữa ăn “ấm lòng”.
Tuy không phải món ăn quá cao sang đắt đỏ, bánh mướt vẫn luôn là một niềm tự hào, món ăn gây thương nhớ nhất trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Nghệ.
Dưới đây là một số hình ảnh giới thiệu các công đoạn làm bánh mướt thủ công truyền thống và những mâm bánh mướt hiện hữu trong những bữa ăn quen thuộc của người dân xứ Nghệ:
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.