Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 10 năm 2019 | 18:5

Nghệ An: Hái sim thu 15 triệu đồng/tháng

Tranh thủ mùa sim chín, hàng trăm nông dân trên các khu đồi ven biển Quỳnh Lưu, bám rừng hái sim, thu tiền triệu/tháng.

Trong khi ở nhiều địa phương mất mùa sim, do thời tiết nắng hạn, thì các khu đồi trên địa bàn vùng ven biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại đang cho quả rất nhiều. Hàng trăm nông dân bám rừng hái sim thu về cả trăm nghìn đồng/người/ngày.

 

sim-lay-9.jpg

 Những làn sim đầy sau 1 buổi thu hái

 

Thời điểm này, đang rộ mùa sim chín, cứ khoảng 5 giờ sáng mỗi ngày, người dân làng biển Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) lại tập trung thành từng nhóm, đem theo làn, giỏ lên rừng để hái sim.

Năm nay, ở một số huyện như Hưng Nguyên, Thanh Chương... vì ảnh hưởng của đợt nắng hạn vừa qua, nên cây sim khô cháy, mất mùa; tuy nhiên, cây sim trên đồi núi ở vùng biển Quỳnh Lưu, thì vẫn cho sai quả, thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến nay chưa hết.

Sau khoảng 1 buổi băng rừng, mỗi người dân có thể hái được từ 5 - 7 kg quả sim. Theo bà con cho biết, khoảng 1 tháng trước, sim rừng được thu mua 30.000 đồng/kg; thời điểm này giá thu mua 20.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi người dân thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/buổi.

Sau khi sim được đưa về, bà con đem đến địa điểm tập trung, để chờ thương lái đến thu mua. Bà Nguyễn Thị Mơi, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cho biết: “Trong số nhóm người đi hái sim, hầu hết độ tuổi từ 40 - 60, có những cặp vợ chồng thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng”.

Theo người dân cho biết, sim rừng có thể hái hết tháng 10 dương lịch này, nếu thời tiết mát mẻ, có mưa thì quả sẽ to đẹp.

Quả sim nhỏ bằng đầu ngón tay, khi chín có màu hồng tím, rồi chuyển sang sậm đen. Bên ngoài có lớp lông tráng mịn như tơ, bên trong có nhiều hạt. Quả sim chín ăn có vị ngọt, hơi chát.

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng tăng mạnh, vì được nhiều người sử dụng để ngâm rượu uống, nên giá tăng cao. Theo dân gian, quả sim rừng chứa vị ngọt, chát, có nhiều tác dụng trong bổ dưỡng sức khỏe, nhất là dùng chữa trị các chứng huyết hư, thổ huyết, chảy máu cam, ù tai, di tinh.

Cam Tây Giang được mùa, rớt giá

Những cây cam bản địa ở 2 xã Ch’Ơm, Ga Ry, huyện Tây Giang (Quảng Nam), được canh tác theo kiểu truyền thống của người Cơ Tu “không hóa chất, không thuốc trừ sâu” nên được nhiều người ưa chuộng. Năm nay, cam được mùa nhưng lại rớt giá.

 

cam-66.jpg

Anh Tangôn Gian hái cam bán cho cán bộ huyện Ảnh: Đ.H                                                                                               

Tại thôn Arooi (xã Ga Ry) năm nay, thời tiết thuận lợi, cam phát triển và cho nhiều trái. Hiện, hàng chục héc-ta cam đang vào mùa thu hoạch. Gia đình anh Tangôn Gian cũng như nhiều hộ khác đang lo lắng vì cam đến kỳ hái nhưng chưa biết bán cho ai.

Theo anh Gian, những ngày này năm trước, thôn Arooi nhộn nhịp lắm, thương lái tìm về mua với giá 20 - 30 nghìn đồng/ký. “Một ngày, có hàng chục tấn cam tươi được thương lái gom mua hết, nhưng năm nay ế quá, nhiều hộ đã hạ giá xuống còn 15 - 20 nghìn đồng/ký mà không ai hỏi mua” - anh Gian nói.

Anh Riáh Nhoót, thôn Ating, một trong những hộ có diện tích cam nhiều nhất, cho biết, ngoài diện tích cũ, anh được hỗ trợ cây giống do Trạm Khuyến nông nhân giống từ chính cây vườn nhà.

Cam chỉ bón phân chuồng, không dùng phân hóa học, hay bất cứ hóa chất gì. Anh Nhoóp nói: “Năm nay bà con mình mừng vì cam nhiều trái và ngọt, nhưng  lo giá thấp quá.

Nhiều lúc, tôi phải đi gần 60 cây số, chở cam xuống trung tâm huyện, bán với giá rất thấp (20 nghìn đồng/kg). Trừ chi phí ăn uống, đi lại, xăng xe thì hết mất lời”.

Ông Zơrâm Nhưng - Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho biết: “Cây cam được trồng chủ yếu ở 3 thôn Dading, Arooi và ATing. Đây là giống cam bản địa quen khí hậu, thổ nhưỡng và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Hiện, toàn xã trồng được trên 30 nghìn cây (khoảng 55ha). Trong đó, có trên 10 nghìn cây cho trái và cho năng suất rất cao. Mỗi cây cho cả trăm ký”.

Nhờ bán cam mà mấy năm nay, nhiều gia đình có thêm thu nhập. Vì không có đầu ra ổn định, năm nay cam được mùa, nhưng người dân vẫn phải bán giá rẻ, vì nếu để thêm vài ngày nữa, trái chín rụng hết coi như bỏ.

Trước việc giá cam xuống thấp, lãnh đạo huyện Tây Giang đưa ra giải pháp tạm thời, vận động cán bộ, đảng viên tham gia mua cam giúp dân.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện, đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan, cùng xã Ga Ry tìm đầu ra cho cây cam như: mở hội chợ nông sản ngay tại huyện, để thu hút doanh nghiệp, khách hàng đến tham quan và mua sản phẩm; tính toán cơ chế hỗ trợ giá, chi phí vận chuyển cho các HTX để động viên họ thu mua cam cho dân.

Ông Alăng Tối - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, cho biết, phòng đã liên kết với các HTX để tìm đầu ra cho hàng nông sản, trong đó có cây cam.

Hiện, đã có nhiều HTX cam kết, đứng ra thu mua cam cho dân như HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang, HTX Trường Sơn Xanh, HTX Nông nghiệp xã Ch’Ơm, HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang...

Hy vọng thời gian tới, giá cam sẽ tốt hơn và không có cảnh ứ đọng tại vườn, do làm tốt công tác xúc tiến thương mại.

Chiêm Hóa: Trồng lạc vụ đông che phủ nilon năng suất cao

Sau khi thành công trong việc áp dụng phương pháp che phủ nilon, vụ lạc Xuân 2019, vụ đông năm nay, huyện Chiêm Hóa tiếp tục trồng 11 ha lạc, bằng phương pháp này, tại 3 xã Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ.

 

lac-69.jpg

Cán bộ Sở Nông nghiệp kiểm tra mô hình lạc phủ nilon.                                                                                                                    

Xã Phúc Sơn là “vựa lạc” của huyện Chiêm Hóa. Từ vụ lạc xuân 2019, xã triển khai phương pháp che phủ nilon, với giống lạc L14. Nhờ được chăm bón phân đúng kỹ thuật, nên năng suất đạt 40 tạ/ha, cao hơn 6 tạ so trồng đại trà.

Năm nay, xã tiếp tục trồng mới 4,5ha theo phương pháp này. Nhằm duy trì và phục tráng giống lạc L14, UBND xã, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, thực hiện đề tài chọn lọc, phục tráng nguyên chủng giống lạc L14.

Sau 5 tháng thực hiện, đề tài đã có những hạt giống nguyên chủng đầu tiên cho vụ lạc đông. Ông Quan Văn Trường, thôn Bản Chỏn năm nay trồng 5.000m² lạc theo đề tài cho biết, khi lạc che phủ nilon giữ được đổ ẩm, giảm công chăm sóc, mẫu mã đẹp, kháng được bệnh đốm nâu, rỉ sắt và bệnh do vi khuẩn. Mỗi ha lạc trồng theo phương pháp mới sẽ cho thu lãi khoảng 35 triệu đồng.

Xã Minh Quang vụ đông này cũng trồng mới 3ha, che phủ nilon. Anh Ma Đình Lượng, Phó Chủ tịch xã đánh giá: Sau vụ xuân thành công, vụ đông này, tuy không được Nhà nước hỗ trợ như trước, nhưng bà con vẫn thực hiện phương pháp này.

Ngay đầu vụ, HTX Nông nghiệp Minh Quang đã ký hợp đồng với các thương lái dưới Phú Thọ, Vĩnh Phúc mua cho bà con, với giá  9.000đ/kg trở lên. Qua đánh giá chất lượng lạc vụ xuân, số hạt lép giảm khoảng 50%, bán được giá khi xuất khẩu.

Mặt khác, cách làm này còn hạn chế cỏ dại, rửa trôi chất dinh dưỡng, nên năng suất, hiệu quả cao hơn. Chị Quan Thị Chiêm, thôn Nà Héc, xã Tân Mỹ, cho biết, gia đình trồng 2.000 m² lạc, thời tiết thuận lợi, chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất đạt 38 tạ/ha, cao hơn 3 tạ so trồng thường.

Vụ đông này, tăng lên 3.000m², trồng đúng thời vụ nên cây lạc đang phát triển tốt, không có hiện tượng sâu bệnh, rũ cây như nhiều ruộng đại trà.

Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện nhấn mạnh, cây lạc nên trồng luân canh 2 vụ, vụ xuân trồng lạc, vụ mùa trồng lúa, hoặc  màu, vụ đông sẽ quay lại, cách làm này hạn chế sâu bệnh, giữ gìn dinh dưỡng cho đất.

Che phủ nilon giúp lạc sinh trưởng ngắn ngày hơn so  trồng thường, nhất là thời kỳ cây non và ra hoa, năng suất đạt từ 36 - 40 tạ/ha, trừ chi phí, lãi khoảng 35 triệu đồng/ha.

Ngô đông xanh trên đồng Hòa Phú

Vụ đông năm nay, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) trồng 249 ha cây vụ đông, trong đó, cây ngô 200 ha, đứng đầu toàn huyện về diện tích.

Hiện, nông dân đangtích cực chăm bón, làm cỏ, màu xanh của ngô đã phủ khắp cánh đồng Hòa Phú.

 

ngo-66.jpg

 Bà Viên (phải), đang chăm sóc vườn ngô.

 

Ở Hòa Phú, cây ngô được trồng cả 13 thôn, thôn Càng Nộc có diện tích nhiều nhất 15 ha, thôn Gia Kè 14 ha, thôn Đồng Bả 12 ha…

Vụ đông năm 2018, năng suất ngô trung bình 47,2 tạ/ha, sản lượng  trên 10.000 tấn, tổng thu khoảng 6 tỷ đồng. Trước đây, người dân chỉ trồng  ngô tẻ, ngô nếp, thì nay đã thêm giống biến đổi gen, ngô lai như NK6919s, NK4300BT/GT, LVN4…

Những giống này cho năng suất cao hơn ngô đại trà khoảng 20%, hạn chế thuốc BVTV, giảm công chăm sóc.

Bà Tạ Thị Viên, thôn Đồng Bả trồng ngô lai LVN4 làm thức ăn cho gia súc, cho biết: Trước đây, bà không canh tác cây vụ đông, nhưng từ năm 2016, thấy nhiều hộ làm và có hiệu quả nên làm theo.

Thôn Càng Nộc vụ này trồng 15 ha ngô, đứng đầu xã. Hiện, thôn đang áp dụng “3 cùng” (cùng giống, cùng ruộng, cùng thời gian) nên sản lượng tăng cao.

Chị Hà Thị Thanh, thôn Càng Nộc, trồng 6 sào ngô biến đổi gen DK6919S lấy hạt. Chi cho biết,  năm nay, thời tiết thuận lợi nên ngô phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã giao chỉ tiêu đến từng thôn, đảm bảo trồng cây vụ đông đúng khung thời vụ. Hiện, 1ha đất ruộng ở Hòa Phú mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng.

Ngô hạt, ngô thức ăn gia súc, đều được thu mua bán cho công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, trại bò sữa, trâu sinh sản. Mặt khác, người dân còn có nguồn thu ngô bao tử, thân lá tỉa dặm, đây là nguồn thức ăn cho cá, trâu, bò.

 

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top