Chăn nuôi, trồng trọt là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên, chất thải trong chăn nuôi đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của nhân dân.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi, chị Nguyễn Thu Hằng, chủ trang trại TH Green Vĩnh Phúc (phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) đã phát triển mô hình nuôi giun (trùn) quế, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Mô hình đa lợi ích
Là giáo viên, tuy công việc giảng dạy hằng ngày khá bận rộn, nhưng với sự đam mê nông nghiệp, nỗi trăn trở về thực phẩm không an toàn, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, chị Hằng đã tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, tham quan và nhận thấy giá trị của giun quế cũng như cách làm không quá khó, nên chị mạnh dạn thực hiện mô hình này.
Gần 1 năm chuẩn bị mặt bằng và nghiên cứu, đến tháng 3/2020, chị bắt đầu thực hiện mô hình trên diện tích 500m2. Chị Hằng cho biết: “Nuôi giun quế khá đơn giản. Thức ăn cho giun chủ yếu là các loại phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ, nhưng thức ăn tốt nhất là phân trâu, bò, lợn, gà... Đặc tính của giun thường sống trong môi trường ẩm thấp do nước đóng vai trò rất quan trọng đến sự sinh trưởng, sinh sản và phát triển của chúng.
Sau khi tiêu hóa thức ăn, giun quế sẽ thải ra phân có chứa các thành phần axit amin, giàu đạm, chứa nhiều hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, dễ hòa tan trong nước, chứa hơn 50% đất mùn, do đó, phân giun quế còn giúp cây trồng phát triển đạt năng suất cao, tăng khả năng cải tạo đất đai. Tuỳ theo mùa vụ và các loại thức ăn khác nhau để tưới lượng nước sao cho phù hợp”.
Giun quế sau 1,5 - 2 tháng nuôi là có thể thu hoạch ra sản phẩm giun tinh, mỗi cá thể giun có tới 80% lượng protein nên rất thích hợp làm thức ăn chăn nuôi, ép thành cám để đa dạng thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, nuôi giun quế còn góp phần giảm thiểu rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường. Giun quế có sức tiêu hóa rất lớn, tác dụng phân giải rác hữu cơ của giun quế chỉ đứng sau các vi sinh vật.
Ngoài ra, giun quế sống trong đất còn giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, phân giun phế góp phần giảm bớt lượng phân hóa học, giúp cây cối phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh hại, giúp nông dân giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, giữ môi trường trong lành.
Thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng
Thời gian đầu thực hiện mô hình, chị Hằng cũng gặp không ít khó khăn về chi phí xây dựng; khi bắt tay vào nuôi giun, do chưa biết cách cho ăn nên số lượng giun chết nhiều hoặc do phân đầu vào cho giun ăn chưa xử lý đủ thời gian, quy trình nên dẫn tới giun bị đầy hơi, chuồng trại ban đầu chưa che chắn kỹ nên trời mưa giun bò ra ngoài hoặc bị cóc, chuột ăn…
Mỗi lần như vậy, chị Hằng lại rút ra được nhiều kinh nghiệm để tránh sai sót cho những lần sau và không ngừng học hỏi thêm kỹ thuật của các trang trại khác. Theo chị Hằng, trước đây, mô hình nuôi giun quế chưa được biết đến nhiều, hầu hết các trang trại, gia trại không tránh được mùi hôi thối từ phân động vật, ruồi nhặng, gây ô nhiễm môi trường.
Với đặc tính ưa thích thức ăn là phân động vật, nên giun quế nhanh chóng “xử lý” hết thức ăn chỉ trong vòng 1 - 2 ngày. Toàn bộ phân động vật sau khi ngâm ủ cùng chế phẩm vi sinh được gia đình chị thu gom để nuôi giun quế, giúp khử mùi hôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Mô hình nuôi giun quế đặc biệt hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi, các vùng có nhiều gia súc, gia cầm.
Để phát triển mô hình nuôi giun quế, chị Hằng đã tích cực tuyên truyền qua Zalo, Facebook cá nhân, đến các đại lý chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm, ép viên bán cho người trồng hoa lan, trồng rau, cây cảnh trên địa bàn tỉnh…
Hiện, chị đã nhân giống và phát triển được 20 chuồng giun quế, bước đầu các sản phẩm từ giun quế, phân giun tại trang trại của chị đang nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân quanh vùng về lợi ích mang lại.
Trang trại của chị Hằng tiêu thụ khoảng gần 5 tấn phân giun quế, thu về hơn 20 triệu đồng/tháng. Từ giữa năm 2020 đến nay, chị đã xuất hàng tấn sinh khối giun giống, với giá 25.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Chị Hằng dự kiến sẽ mở rộng quy mô, chăn nuôi thêm lợn, gà, bò… tạo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển giun quế trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn cho gia súc, gia cầm. Phân giun sử dụng bón cho cây trồng, rau xanh. Không chỉ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hữu cơ sạch, có lợi cho sức khỏe, mà còn giúp bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.