Mạnh dạn đầu tư để nuôi động vật thân mềm, nhiều hộ nông dân ở Hà Tĩnh đã có thu nhập cao nhờ vào việc nuôi ốc bươu đen và lươn đồng.
Nuôi ốc bươu đen cho thu nhập khá
Với diện tích gần 4.000m2 mặt nước, ông Trần Quốc Hòa (thôn Đông Tân, xã Tân Lâm Hương) đã nuôi loại động vật thân mềm là ốc bươu đen, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Ông Hòa cho biết: “Năm 2021, nhận thấy ốc bươu đen là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân ưa chuộng nhưng ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên, nên sau khi tham khảo nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, tôi đã quyết định đầu tư nuôi loài động vật thân mềm này để nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình”.
Khi bước vào nuôi ốc bươu đen, ông Hòa đã thuê gần 4.000m2 mặt nước, đồng thời tiến hành cải tạo, xây dựng hệ thống nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau khi hoàn thiện hồ nuôi, ông Hòa chia diện tích này làm 24 ô và thả 4 vạn con ốc giống nhập từ Hà Nội cho lứa đầu tiên.
Ông Hoà chia sẻ: “Qua hơn 1 năm nuôi, tôi đã xuất bán được hơn 1,5 tấn ốc thương phẩm, thu về gần 140 triệu đồng. Từ nguồn thu này đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, có điều kiện mở rộng quy mô trong thời gian tới”.
Hiện tại ông Hoà vừa thả thêm 5 vạn ốc giống; ốc thích nghi và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 10 tới, với sản lượng khoảng 4 tấn.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, năm 2015, anh Đức trở về quê nhà thị trấn Phố Châu lập nghiệp bằng nghề kinh doanh phần mềm. Trong một lần tình cờ nghe bạn bè kể về nghề nuôi ốc bươu đen ở huyện Đức Thọ mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Đức đã rất hứng thú và muốn học hỏi.
Đầu năm 2021, anh Phan Công Đức tìm đến cơ sở nuôi ốc bươu đen của anh Trần Song Anh ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ để học hỏi kinh nghiệm. Cùng với việc tìm hiểu thực tế, anh cũng tìm đọc và bổ sung kiến thức trên sách, báo về nghề nuôi ốc bươu và quyết định mượn 800 m2 đất vườn của ông ngoại tại thôn 7, xã Quang Diệm để nuôi ốc. Anh đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư bạt, phân chia ao nuôi rồi mua 10 vạn con giống từ xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang về thả nuôi.
Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên toàn bộ vốn liếng khoảng 200 triệu đồng của anh đã mất trắng. Không nản trí anh Phan Công Đức tiếp tục đầu tư hơn 600 triệu đồng dựng lại toàn bộ khung nhà bằng thép, cột chống bằng bê tông rồi mua vải bạt HDPE (loại dùng để nuôi tôm công nghiệp, xử lý bể biogas) ngăn thành 24 ô vuông, mỗi ô từ 20 - 25 m2 bơm nước vào để nuôi ốc bươu đen. Sau khi nâng cấp, cơ sở hạ tầng khu vực nuôi trở nên chắc chắn, không bị tác động bởi thời tiết, anh tiếp tục thả 10 vạn con ốc bươu.
Chưa đầy 2 tháng sau khi thả nuôi 10 vạn con ốc thịt, vật nuôi sinh trưởng rất tốt và đã cho thu hoạch không dưới 2,5 tấn. Với giá bán như hiện nay (120.000 đồng/kg), trừ tất cả chi phí, anh Đức đã thu về 250 triệu đồng.
Ông Lê Đình Phước - Phó Chủ tịch Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn nói: “Đây là mô hình nuôi trồng rất mới nhưng cho thấy hiệu quả cao. Hơn nữa, chủ cơ sở là người trẻ, có tầm nhìn xa nên tin tưởng sẽ phát triển bền vững, không chỉ tăng cao thu nhập cho gia đình mà còn đa dạng hóa các mô hình kinh tế trên địa bàn. Tới đây, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức cho các hội viên tham quan mô hình này, nếu gia đình nào có đủ điều kiện, chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ bà con xây dựng mô hình, tạo cơ hội để phát triển kinh tế hộ”.
Nuôi lươn đồng thu lãi cao
Hơn 20 năm lăn lộn với đủ thứ nghề như: nuôi gà, nuôi lợn, nuôi rắn... nhưng đầu tư vào đâu là hỏng đấy. Sau nhiều lần thất bại, anh Trần Xuân Trường (SN 1982, trú thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, Can Lộc, Hà Tĩnh) mạnh dạn đầu tư nuôi lươn đồng loại động vật thân mềm này đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho anh.
Sau khi nắm bắt một số kỹ thuật, anh Trường đầu tư hơn 200 triệu đồng xây 18 bể nuôi, mỗi bể 4 m2 rồi mua 10.000 con lươn đồng với giá 65 triệu đồng mang về thuần hoá.
Thời kỳ mới nuôi, do thiếu kinh nghiệm nên lươn chết dần. Không nản chí, anh Trường lên mạng tìm hiểu thêm thông tin rồi tìm đến những cơ sở nuôi lươn ở huyện Yên Thành, Đô Lương (Nghệ An) để học hỏi thêm kỹ thuật.
Từ đó, anh xác định lươn giống bị chết trong những ngày đầu mới nuôi là do môi trường nước. Bởi vậy, nước sau khi bơm từ giếng khoan dẫn đến bể nuôi anh lắp thêm hệ thống lọc có độ PH tương đồng với môi trường tự nhiên nên lươn đồng thích nghi tốt, khoẻ mạnh sinh trưởng tốt.
Sau 3-4 tháng, lươn phát triển thì đem bán cho các cơ sở giống ở các địa phương khác. Mỗi năm, anh xuất bán gần 10 vạn con giống thu về hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, lươn giống không bán hết sẽ được nuôi thương phẩm, sau 7- 8 tháng thì xuất bán.
Từ thành công của việc thuần hoá và nuôi lươn, đầu năm 2022, anh Trường tiếp tục đầu tư thêm 200 triệu đồng mở rộng sản xuất, xây thêm 6 bể nuôi ốc bươu đen.
Với mô hình nuôi lươn không bùn đã giúp vợ chồng anh Trần Văn Thăng (SN 1988) ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) mang lại nguồn lãi lớn với hơn 300 triệu đồng/năm.
Sau nhiều làm ăn xa, đầu năm 2018, anh Trần Văn Thăng đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn. Trước đó, để chuẩn bị cho ý tưởng khởi nghiệp, anh đã đi vào miền Nam để học hỏi kỹ thuật một cách cặn kẽ.
Do còn ít kinh nghiệm nên bước đầu vợ chồng anh Thăng chỉ nuôi 5 bể, mỗi bể rộng 7m2 với số vốn gần 200 triệu đồng, bao gồm tiền giống, tiền xây bể, dụng cụ nuôi...
Nhờ linh hoạt áp dụng các phương pháp nuôi nên lứa lươn đầu tiên đã đem lại cho anh Thăng nguồn thu nhập khá. Sau lứa lươn đầu tiên, tháng 9/2019, vợ chồng anh đã mạnh dạn thả nuôi thêm 1 vạn con giống. Qua 1 năm chăm sóc, lứa lươn thứ 2 được xuất bán đã đưa về cho gia đình anh hơn 50 triệu đồng tiền lãi.
Năm 2020, anh Thăng mở rộng quy mô từ 5 bể ban đầu lên 18 bể, trong đó, có 5 bể bằng xi măng, 5 bể nhựa và 8 bể lót bạt. Bể nuôi lươn được anh Thăng thiết kế đáy có độ dốc 5 cm, có hệ thống đường ống cấp nước và thoát nước ra bên ngoài để thuận tiện trong việc thay nước liên tục trong bể nuôi lươn. (Trong ảnh: đều đặn mỗi ngày anh Thăng sẽ dọn bể và thay nước cho lươn để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho vật nuôi).
Chị Hà cho biết: "Lươn từ lúc mới nở cho đến khi trưởng thành có thể xuất bán thì mất khoảng 1 năm chăm sóc. Khi lươn đạt trọng lượng khoảng 5 con/kg sẽ được vợ chồng tôi nhập cho các thương lái trong tỉnh, ở Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc với giá từ 150 - 180 nghìn đồng/kg. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ lươn trong và ngoài tỉnh rất cao nên vợ chồng tôi rất yên tâm gắn bó với mô hình này".
Ngoài bán lươn thịt, mô hình của vợ chồng anh Thăng còn là nơi cung cấp lươn giống uy tín, đảm bảo chất lượng. Nhiều người dân quanh vùng đã đến học hỏi và được anh tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi. Giá bán lươn giống hiện được anh Thăng chia theo kích cỡ. Đối với loại khoảng 1.000 con/kg có giá từ 4 - 4,5 nghìn đồng/con; với loại có kích cỡ 500 con/kg có giá bán từ 5 - 5,5 nghìn đồng/con.
Đầu năm 2022, vợ chồng anh Thăng đã thuê đất để xây dựng bể lươn sinh sản rộng hơn 200 m2. Anh Thăng cho biết: "Trong năm 2021, vợ chồng tôi xuất bán được hơn 500 triệu đồng lươn giống và lươn thịt, sau khi trừ các chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng; riêng từ đầu năm 2022 đến nay, tôi đã xuất bán được hơn 300 triệu đồng, thu lãi được hơn 200 triệu đồng. Đây là nguồn thu khá lớn, giúp gia đình có điều kiện mở rộng quy mô thời gian tới".
Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc Bùi Quang Liêm cho biết. Mô hình nuôi lươn không bùn của vợ chồng anh Trần Văn Thăng là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Vượt qua những khó khăn, mô hình đã thể hiện cách nghĩ, cách làm mới của tuổi trẻ để làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Hiện nay, trên địa bàn đã có thêm 3 mô hình nuôi lươn không bùn và được sự hỗ trợ nhiệt tình từ anh Thăng. Chúng tôi đang khuyến khích bà con trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập.
Rất nhiều hộ nông dân ở các tỉnh miền Trung nhờ vào nuôi loại động vật thân mềm này mà đã cho thu nhập cao, ổn định. Đây là một hướng chăn nuôi rất phù hợp cho những vùng có nhiều diện tích mặt nước cần được nhân rộng.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.