Sáng 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp.
Mới có 28 doanh nghiệp và 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895 phê duyệt Chương trình phát triển nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu của Chương trình này là thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Đến nay, đã có nhiều chính sách liên quan từ Chính phủ và các bộ, ngành được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: "Trong thời gian gần đây, nhất là từ khi ngành nông nghiệp thực hiện đề án tái cơ cấu đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm; đang trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng, địa phương".
Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 575 phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 8 khu đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
Đây là 1 trong các gian hàng của 40 doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm và công nghệ làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong khuôn khổ Hội nghị. Trong ảnh, khách đang truy xuất nguồn gốc sản phẩm. |
Thực tế, đến giữa năm 2017, cả nước mới có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng thành lập (1 tại Hậu Giang và 1 tại Phú Yên); 01 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận tại Kiên Giang (sản xuất tôm thẻ chân trắng).
Đặc biệt, đến nay, cả nước mới có 28 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có "gói" tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo đó, khách hàng vay vốn gói tín dụng này được hưởng lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại.
Hiện đã có 32.339 tỷ đồng dư nợ cho vay làm nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, trong đó 86% vay đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao.
Nông dân vẫn "đói" vốn và thông tin thị trường
Mặc dù đã đạt một số kết quả ban đầu, nhưng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tổ chức sản xuất vẫn không đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất, sự gắn kết giữa KHCN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn.
"Sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn bị tác động mạnh, thách thức của điều kiện ngoại cảnh, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất nông nghiệp. Nửa đầu năm 2017 cho thấy, còn rất nhiều bất ổn về thị trường tiêu thụ nông sản, việc sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi còn chậm."- ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Cho đến thời điểm này, việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc và phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng kế hoạch đã đề ra. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư.
Về nguyên nhân những tồn tại nêu trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do kinh tế hộ với ruộng đất manh mún đã gây lực cản cho việc ứng dụng công nghệ cao trên quy mô lớn, vì vậy hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Đồng thời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ. Đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn.
Hơn nữa, trong tổ chức sản xuất, chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu KHCN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các hộ sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, nhận thức của một số địa phương về khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đúng nên có tình trạng chạy đua xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng nguồn lực có hạn, trông chờ vào trung ương./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.