Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 8 năm 2017 | 8:58

Sai phạm của Công ty Phúc An Phương: ​Có phải do buông lỏng quản lý?!

KTNT - Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương không thực hiện đúng theo giấy chứng nhận đầu tư, sử dụng đất sai mục đích nhưng chưa bị xử lý. Nguyên nhân do đâu?

>> Doanh nghiệp coi thường pháp luật, người dân bị đầu độc!

Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương tự ý chuyển sang sản xuất gỗ, các sản phẩm từ gỗ là không đúng với mục đích sử dụng đất, không đúng với giấy chứng nhận đầu tư.

Doanh nghiệp coi thường pháp luật

Ngày 29/11/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 19121000059 cấp cho dự án xây dựng Nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử của Công ty TNHH thương mại Phúc An Phương (gọi tắt là Công ty Phúc An Phương) tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (nay thuộc TP. Hà Nội). Tiếp đến, ngày 31/12/2007, tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Thanh Lâm với tổng diện tích 6.930m2.

Ngày 18/3/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định cho phép công ty chuyển mục đích sử dụng 6.930m2 đã thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Thanh Lâm giao cho công ty xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử theo giấy phép đầu tư đã được chấp thuận, thời gian thuê 49 năm. Yêu cầu công ty sử dụng đất đúng vị trí, ranh giới, mục đích và dự án được phê duyệt.

Do gây ô nhiễm môi trường, nhiều người dân ở thôn Đường 23 đề nghị TP. Hà Nội di dời Công ty Phúc An Phương.

Tháng 1/2016, Công ty Phúc An Phương có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Diện tích sử dụng đất là 6.217.1m2; công suất năm thứ nhất đạt 81.000m3 gỗ thành phẩm và các sản phẩm từ gỗ; năm thứ hai đạt 99.000m3; tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng.

Ngày 3/3/2016, Sở KH&ĐT có văn bản gửi các sở có liên quan về việc thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ mà Công ty Phúc An Phương đề nghị.

Ngày 22/3/2016, UBND huyện Mê Linh có văn bản gửi Sở KH&ĐT cho biết, theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt địa điểm và chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho Công ty Phúc An Phương xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử.

Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế Công ty không thực hiện dự án xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử theo phê duyệt của UBND tỉnh Vĩnh Phúc mà đang sản xuất gỗ, các sản phẩm từ gỗ. Việc sản xuất gỗ gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, gây bức xúc dư luận (thực tế Công ty Phúc An Phương cho Công ty CP VietDutch Quốc tế thuê để bóc gỗ, ép gỗ xuất khẩu - PV).

UBND huyện Mê Linh cho biết, vị trí Công ty Phúc An Phương đề nghị đầu tư nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ không phù hợp để xây dựng dự án vì vị trí này được quy hoạch là đất nông nghiệp. Ngày 2/8/2017, phúc đáp đề nghị của báo Kinh tế nông thôn, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, ngày 28/3/2016, sở này có văn bản gửi Công ty Phúc An Phương, trong đó có nội dung: “Sở chưa có cơ sở để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ theo đề nghị của công ty”.

Như vậy, Công ty Phúc An Phương tự ý sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ gần 2 năm nay là không thực hiện đúng theo giấy chứng nhận đầu tư, sử dụng đất sai mục đích mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội: “Chưa có cơ sở để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ theo đề nghị của công ty”.

Buông lỏng quản lý!?

Việc Công ty Phúc An Phương tự ý sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ hai năm nay cho thấy công tác quản lý của UBND huyện Mê Linh, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT Hà Nội còn lỏng lẻo, nếu không nói là buông lỏng quản lý.

Đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân UBND huyện Mê Linh khi không kịp thời phát hiện Công ty Phúc An Phương vi phạm; khi phát hiện vi phạm đã không có biện pháp ngăn chặn mà để kéo dài gần 2 năm nay.

Làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân Sở KH&ĐT Hà Nội khi biết Công ty Phúc An Phương không thực hiện đúng theo giấy chứng nhận đầu tư, mặc dù UBND huyện Mê Linh đã đề nghị sở thành lập đoàn thanh tra về kiểm tra việc thực hiện dự án của công ty nhưng Sở này đã không thực hiện.

Làm rõ trách nhiệm của Sở TN&MT Hà Nội cùng các đơn vị liên quan khi biết Công ty Phúc An Phương sử dụng hàng nghìn mét vuông đất không đúng mục đích nhưng đã không có biện pháp ngăn chặn dẫn tới việc công ty sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý nghiêm vi phạm của Công ty Phúc An Phương. Xem xét di dời nhà máy đi nơi khác nếu không đủ các điều kiện theo quy định, tránh gây ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của người dân địa phương

Đình Tùng

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top