Là nước xuất khẩu tôm đứng thứ 3 thế giới, nhưng việc sản xuất con giống phục vụ nuôi tôm nguyên liệu vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu…
Ngày 11/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị trực tuyến “Phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022”.
Giá thành sản xuất tôm còn cao
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng sản lượng tôm nuôi vẫn tăng 4,3% so với năm 2020.
Năm 2021, diện tích tôm nước lợ thả nuôi đạt 747 nghìn ha (nuôi tôm sú là 626 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 121 nghìn ha). Sản lượng tôm nuôi các loại năm 2021 đạt 970 nghìn tấn; trong đó: tôm sú 265 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 655 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD (tăng 5,4% so với năm 2020).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, ngành sản xuất nuôi tôm của nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư tăng cao.
Tại các khu vực nuôi tôm, hệ thống cấp, thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.
“Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hệ lụy là thiếu nhân công, giá vật tư tăng cao, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất vẫn tồn tại”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Chưa làm chủ được khâu sản xuất tôm giống
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản chỉ ra điểm yếu nhất đối với ngành tôm hiện nay là chưa làm chủ được khâu sản xuất tôm giống. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.
Tôm bố mẹ chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Năm 2021, tổng nhu cầu tôm bố mẹ là trên 281.800 con, tuy nhiên, có đến trên 240.800 con tôm bố mẹ từ nguồn nhập khẩu và chỉ có 41.000 con tôm bố mẹ được sản xuất trong nước (gồm 21.000 con tôm thẻ chân trắng và 20.000 con tôm sú).
Hằng năm, lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con, trong đó, nhập từ Mỹ chiếm 53,5%; từ Thái Lan là 20,1% và còn lại là các nguồn cung cấp khác. Năm 2021, cả nước sản xuất tôm giống đạt 144,5 tỷ con, tăng 11 % so với năm 2020.
Hiện, cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.
"Một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý chung về nuôi trồng thuỷ sản nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý”, ông Trần Đình Luân nêu thực trạng.
Để đạt được kế hoạch trọng tâm năm 2022, ngành thủy sản nhấn mạnh giải pháp triển khai có hiệu quả thực hiện Luật thuỷ sản 2017, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).
Tổng cục Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y… Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm.
Xuất khẩu tôm năm nay sẽ tăng 10-12%
Đề cập xuất khẩu tôm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, năm 2021, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu tôm đứng vị trí thứ 3 thế giới. Nhóm 5 quốc gia xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới gồm: Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam, Indinesia, Thái Lan. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu tôm của 5 quốc gia này năm 2021 là: Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, trong khi Ấn Độ đạt 4,3 tỷ USD, Indonesia là 3,7 tỷ USD, Thái Lan dưới 1 tỷ và Ecuador là 4,2 tỷ USD.
“Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm trên thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh trong năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 10-12%. Trong đó, tăng trường do yếu tố giá đóng góp khoảng 7-10% và tăng trưởng do sản lượng tăng đóng góp 2-5%”, ông Trương Đình Hòe nhận định.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, trước bối cảnh tình hình mới, nước ta có diện tích nuôi tôm rộng lớn nhưng năng suất, sản lượng đạt được còn giới hạn. Vùng nuôi còn nhiều thách thức về điều kiện hạ tầng, con giống, môi trường…
“Năm 2022, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt mốc trên 4 tỷ USD các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại. Bộ sẽ ghi nhận đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý nâng cao chất lượng tôm giống. Giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh...để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 550 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm các sản phẩm thuộc ngành thuỷ sản. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.