Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 12 năm 2017 | 9:17

Thay đổi phương thức xây dựng đời sống văn hóa mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới” nhấn mạnh cần có sự thay đổi về phương thức hoạt động, xác định nội hàm của phong trào trong tình hình mới.

Trong năm 2017, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới” đã được quán triệt thực hiện nghiêm túc.

Các địa phương đã tập trung vào quy trình bình xét các danh hiệu văn hóa, đặc biệt là gia đình văn hóa, bảo đảm việc bình xét công khai, dân chủ, đúng quy trình, nâng cao trách nhiệm của ban công tác mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Công tác kiểm tra, giám sát phong trào được Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc. Nhiều địa phương đã thực hiện phúc tra kết quả bình xét các danh hiệu văn hóa, coi đó là một trong những biện pháp nhằm khắc phục bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong thời gian qua.

Cả nước hiện nay có hơn 24 triệu hộ gia đình. Số lượng đăng ký gia đình văn hóa là 19.710.644; số lượng đạt danh hiệu gia đình văn hóa sau khi được xét đạt 17. 871.350 hộ gia đình. Số làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đăng ký 80.849, số được công nhận 57.727.

Nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được đặc biệt quan tâm với mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.

Số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa là 68.269; số được công nhận là 57.800, đạt 84,67%.

Các thiết chế văn hóa đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm trong bố trí quy hoạch sử dụng quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt về văn hóa, thể thao của nhân dân.

Toàn quốc hiện có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa, nhà triển lãm...); 613/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa-thể thao hoặc nhà văn hóa huyện, đạt tỷ lệ khoảng 86%; 5.996/10.230 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao đạt tỷ lệ 58,5%; 66.513/109.727 thôn, buôn, bản có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 60,6%...

Nhiều nội dung hoạt động của phong trào được lồng ghép, phối kết hợp với các phong trào thi đua khác (xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững...) đang triển khai sâu rộng trong xã hội, các nhiệm vụ về xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam...

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các thành viên tập trung thảo luận, chỉ ra được nguyên nhân những bất cập trong quá trình thực hiện phong trào thời gian qua.

Đó là tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đạo đức xã hội xuống cấp. Tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng đáng báo động.

Trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông tuy có những chuyển biến tích cực bước đầu, nhưng còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

Việc kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường chưa được kiểm soát tốt, vẫn còn nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Một số thành viên Ban Chỉ đạo nêu thực tế nhiều địa phương khoán gọn việc thực hiện phong trào cho một cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, hay như nhận xét của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn là “khu phố, địa phương nhận danh hiệu văn hoá nhưng nhà nhà kín cổng cao tường, 4-5 lần khoá”.

Công tác truyền thông về thực hiện phong trào chưa đạt hiệu quả, vì vậy tại một số địa phương còn xảy ra hiện tượng chạy theo thành tích và số lượng nên chất lượng và nội dung hoạt động còn hình thức, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư và xã hội...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa bày tỏ việc xây dựng đời sống văn hoá tại các thôn, xóm, làng phải bắt đầu từ các thiết chế ở cơ sở, chính quyền chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Hoạt động giao ban theo cụm được đánh giá là cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm làm rõ các nguyên nhân của những khó khăn, bất cập để kịp thời đề xuất giải pháp để phong trào đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chỉ dừng lại ở việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, mà chưa có được những báo cáo, kiến nghị về các cách làm hay, các điển hình tiên tiến, các cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào cũng như việc lồng ghép với các phong trào thi đua tại địa phương để đề xuất nhân rộng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để khắc phục một bước tình trạng này phải khẩn trương ban hành ngay những tiêu chí rất cụ thể khi bình xét các danh hiệu văn hoá. “Không có tiêu chí cụ thể thì thực hiện phong trào sẽ tiếp tục hình thức, mờ nhạt như hiện nay”.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Việc tổng kết 15 năm thực hiện phong trào cần phải làm rõ những vấn đề, nội hàm mới về đời sống văn hoá trong tình hình hiện nay, từ đó thay đổi căn bản phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào.

“Cần phải tìm cách đưa phong trào đi vào thực chất, bởi văn hoá là nền tảng của xã hội. Bên cạnh những giá trị mới, chúng ta cần phải gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, không thể vì mưu sinh cuộc sống hằng ngày mà đánh mất đi, khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian chưa chắc đã lấy lại được. Vì vậy, từng thành viên Ban Chỉ đạo phải rất trách nhiệm trong mọi hoạt động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL cần khẩn trương hoàn thiện Nghị định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, trình Chính phủ xem xét, ban hành, trong đó làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét, bảo đảm dễ nhớ, dễ thực hiện.

“Các tiêu chí phải bao trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa, chứ không phải cứ có  nhà văn hoá thì sẽ là làng văn hoá, cứ có đường nông thôn là đã giàu, đã văn hoá. Việc bình xét các danh hiệu văn hoá cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ VHTT&DL rà soát các phong trào, cuộc vận động liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá, có điểm gì trùng lặp, điểm gì khác biệt để định hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo mang tính tổng hợp; nghiên cứu cơ chế đưa nội dung bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian vào phong trào; tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; chuẩn bị triển khai chỉ thị về việc cưới, việc tang theo đời sống văn hoá mới…

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top