Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 4 năm 2022 | 15:47

Thay đổi tư duy sản xuất: Bước chuyển để bà con cùng giàu

Với mong muốn bà con trong xã có thêm thu nhập, thay đổi tư duy làm kinh tế, ông Lục Xuân Hạnh không chỉ tiên phong chuyển đổi cây vụ đông mà còn thuyết phục được người dân bằng cách đứng ra bao tiêu sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho người nông dân.

Nói đi đôi với làm

Trong một dịp đến thôn Văn Tâm, xã Khánh Yên Hạ (Văn Bàn - Lào Cai) đúng vào vụ thu hoạch khoai tây, “muốn tìm ông Hạnh Phó chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ thì ra ruộng”, người dân chỉ dẫn thế. Và cũng thật bất ngờ khi lần đầu tiên tôi làm việc với một Phó chủ tịch xã ngay trên luống khoai tây ngồn ngộn củ to tròn, mỡ màng vừa được bà con rẽ đất lên.

 

anh-2.jpg

Niềm vui được mùa khoai của gia đình ông Hạnh. 

 

Khoai tây vốn là cây trồng thế mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước nhưng với bà con các dân tộc Mông, Tày... ở Khánh Yên Hạ thì hoàn toàn mới lạ. Để vận động được bà con trồng xen canh vụ đông, thay thế cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế thấp, là việc rất khó. Ông Hạnh kể: “Là cán bộ xã, nắm được chủ trương của tỉnh, huyện về việc chuyển đổi trồng khoai tây có sự liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tôi rất mừng, vì đây là cơ hội cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chưa kể cây trồng này đã được các cấp, ngành khảo nghiệm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng này”.

Là người Tày, ông Hạnh cũng như hầu hết bà con dân tộc Tày ở thôn Văn Tâm rất gắn bó với mảnh đất này nhưng Khánh Yên Hạ vốn là xã vùng III còn nhiều khó khăn. Đồng bào Tày tuy chịu thương chịu khó làm lụng nhưng nếp nghĩ, cách làm vẫn còn cũ. Vụ đông năm 2018, ông Hạnh  bàn với vợ chuyển ngô sang trồng khoai tây với diện tích 2ha. Gia đình ông thuê thêm đất, thuê máy cày về cày ải, xuống giống... với 52 triệu đồng tiền giống cộng với khoảng 70 triệu đồng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

“Lúc đó, dù phải đi vay mượn để đầu tư nhưng tôi rất vững tâm vì là một trong những mô hình tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên gia đình luôn có sự đồng hành của các cấp chính quyền, cán bộ khuyến nông, hướng dẫn tỉ mỉ trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật. Bắt đầu trồng từ tháng 10 đến khoảng gần Tết, gia đình bắt đầu thu hoạch, chúng tôi phải thuê khoảng 30 nhân công, trả thù lao 150.000 đồng/ngày. Trong 3 tháng, gia đình thu được gần 11 tấn/ha, trung bình cứ 4 tạ/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2)”, ông Hạnh cho biết.

Khoai tây được phân loại ngay trong khi thu hoạch vì nhà máy đến mua luôn tại ruộng. Loại to được bán với giá 6.000 -7.000 đồng/kg; loại trung bình để lại làm giống; loại khoai tây bi cũng được thu mua với giá khoảng 2.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình ông Hạnh còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Niềm vui được mùa không bằng niềm vui mà bà con trong xã tận mắt thấy hiệu quả kinh tế, hô hào rủ nhau sang học cách làm, đăng ký tham gia trồng khoai tây vụ đông.

Sức mạnh của niềm tin

Thành công từ mô hình của gia đình ông Hạnh đã vận động được người dân trồng 33ha khoai tây ở 12 thôn trong xã.

Đã từng đến nhiều nơi, gặp nhiều cán bộ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế nhưng ông Lục Xuân Hạnh là người khiến tôi ấn tượng nhất. Để bà con thực sự yêu quý, tin tưởng, không chỉ nói bằng miệng, làm bằng tay mà ông Hạnh còn là người có trách nhiệm với niềm tin mà dân đã trao cho mình, điều mà theo ông “Phó chủ tịch xã”, càng cần phải có để người dân tin vào chính quyền, vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

 

anh-1.jpg

Ông Lục Xuân Hạnh bên cánh đồng trồng khoai tây.

 

Phong trào chuyển đổi cây vụ đông đã mở rộng, đỉnh điểm có năm sản lượng khoai tây ở xã lên đến hơn 100 tấn, tạo thu nhập không nhỏ cho nông dân. Nhưng cũng có năm, gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, khoai đang tốt bời bời gặp 1 trận  mưa axít, lá rụng hết, không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng mà còn ảnh hưởng cả chất lượng củ. Ông Hạnh lại đứng ra tìm hướng khắc phục, động viên để bà con hiểu, có thêm kinh nghiệm canh tác.

Có năm, khoai tây đến vụ thu hoạch, công ty liên kết bao tiêu sản phẩm chưa kịp thu mua, ông Hạnh phải xoay xở tiền để thu gom sản phẩm. Thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, công ty đến thu mua, gia đình ông mới thu hồi được vốn.

Đến nay, khi đã hết tuổi công tác ở UBND xã Khánh Yên Hạ,  ông Hạnh vẫn tích cực xây dựng mô hình kinh tế gia đình: nuôi trâu, bò, trồng lúa, khoai tây... như một lời khẳng định với dân, góp phần tạo chuyển biến trong tư duy của đồng bào. Những việc ông đã và đang làm không chỉ củng cố niềm tin vững chắc của người dân vào chính quyền mà còn là hướng đi cho thế hệ cán bộ kế cận tiếp tục theo chân ông, mở hướng cho dân phát triển kinh tế.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top