Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 10 năm 2014 | 8:44

Tiếp bài “Urenco biến hàng triệu USD tiền thiết bị “đắp chiếu”: Bác đề xuất bội chi gói thầu của Urenco!

KTNT - Để thúc đẩy dự án, Urenco đề nghị UBND TP. Hà Nội chấp thuận để chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu với giá tạm tính là 125,7 tỷ đồng thay vì 107,3 tỷ đồng như ban đầu. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, việc bội chi hơn 18 tỷ đồng cần phải xem xét, vì nó liên quan đến chuyện phê duyệt lại dự án, phê duyệt hình thức đấu thầu và có thể phải tổ chức đầu thầu lại.
Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn nằm trong chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam – Nhật Bản theo chương trình viện trợ Xanh (GAP). Đây là dự án mẫu do Nhật tài trợ, có mức đầu tư khái toán khoảng 612,236  tỉ đồng.
 
UBND TP. Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) làm chủ đầu tư, để xây dựng hệ thống xử lý rác thải công nghiệp bằng phương pháp đốt với công suất 75 tấn/ngày, diện tích sử dụng đất khoảng 16.809m2. 
 

Dự án chậm tiến độ khiến thiết bị nằm đắp chiếu nhiều tháng qua.
 
Về nguồn vốn đầu tư, phía NEDO tài trợ hệ thống thiết bị chính trị giá 1.770 triệu Yen, tương đương 472.188 triệu đồng. Ngân sách thành phố cấp vốn đối ứng 140.049 triệu đồng, gồm: Chi phí các thiết bị phụ trợ, chi phí xây dựng, chi phí lắp đặt, chi phí quản lý dự án, chi phí khác, dự phòng phí.
 
Trong quá trình triển khai dự án, Urenco không những làm chậm tiến độ dự án mà để ra nhiều sai phạm. Cụ thể, Công ty đã làm sai các quy định quản lý về đấu thầu với 2 nội dung: Đó là, việc phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng với kế hoạch đấu thầu được duyệt về hình thức hợp đồng và thông báo trúng thầu, quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu không phù hợp với hồ sơ mời thầu về hình thức hợp đồng…
 

Ông Nguyễn Xuân Huynh, Phó TGĐ Urenco trả lời tại buổi họp báo
 
Tại một buổi họp báo Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Urenco đã nhận sai sót và đưa ra hướng xử lí tiếp theo. Đó là, công ty cũng đã gửi thông báo về việc trúng thầu và công văn đề nghị nhà thầu cùng chủ đầu tư hoàn thiện thương thảo, ký hợp đồng trước ngày 5/8/2014 và tiếp tục triển khai hợp đồng. Nhưng đến nay, cam kết trên là không khả thi vì nhà thầu của dự án là liên danh Cty CP Lilama 69.1 và Cty Tư vấn thiết kế Cimas đã có công văn không chấp thuận việc ký hợp đồng gói thầu số 1 (tổng thầu EPC) trị giá 107,3 tỷ đồng.
 
Theo liên danh nhà thầu trên, sau khi rà soát thiết kế, nhà thầu và chủ đầu tư là Cty Môi trường đô thị Hà Nội đã thương thảo và thống nhất giá trị hợp đồng là 125,7 tỷ, vượt giá trị trúng thầu trước đó hơn 18 tỷ đồng.
 
Trong tờ trình của Urenco gửi Sở KH-ĐT Hà Nôi ngày 24/9/2014, chủ đầu tư đề xuất cho phép liên danh nhà thầu gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu và không phải gia hạn bảo lãnh dự thầu. Ngoài ra, Urenco đề nghị UBND TP. Hà Nội chấp thuận để chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu với giá tạm tính là 125,7 tỷ đồng thay vì 107,3 tỷ đồng như ban đầu.
 


CV của Sở KH&ĐT TP Hà Nội.
 
Tuy nhiên, về đề xuất trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội đã có Văn bản số 3571/KH&ĐT-HTQT do ông Trần Đức Hoạt ký ngày 29/9/2014 gửi UBND TP Hà Nội và ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu và phải đảm bảo tiến độ của dự án. Tuy nhiên, đối với giá trị của gói thầu bị bội chi hơn 18 tỷ đồng thì cần phải xem xét, vì nó liên quan đến chuyện phê duyệt lại dự án, phê duyệt hình thức đầu thầu và có thể phải tổ chức đầu thầu lại.
 
Theo Sở KH&ĐT TP. Hà Nội, gói thầu số 1 của dự án NeDo sử dụng nguồn vốn Ngân sách được thực hiện theo hình thức tổng thầu (EPC), nội dung công việc gồm cả thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây dựng, lắp đặt thiết bị. “Theo báo cáo của chủ đầu tư, kết quả rà soát của chủ đầu tư và nhà thầu đã đưa ra nhiều nội dung thay đổi về danh mục công việc của gói thầu, cụ thể là bổ sung nhiều công việc không có trong hồ sơ mời thầu và không chào trong hồ sơ dự thầu. Nguyên nhân, theo báo cáo của Urenco, là do tài liệu mời thầu được xây dựng căn cứ vào thiết kế cơ sở và tài liệu kỹ thuật của Nhật Bản. Thực tế, các bên đã sử dụng một phần danh mục công việc của thiết kế chi tiết công trình đang rà soát triển khai vào biểu tổng hợp khối lượng đàm phán, thương thảo hợp đồng. Về nguyên tắc, việc này chỉ triển khai sau khi hợp đồng đã ký”.
 
Như vậy, Sở KH-ĐT cho rằng, thời điểm hiện tại, chưa có cơ sở để xác định kết quả ra soát khối lượng công việc của gói thầu như Urenco đề nghị.
 
Từ đó Sở KH&ĐT đề xuất với UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu ký hợp đồng triển khai gói thầu số 1 với giá hợp đồng được xác định theo giá trúng thầu (107,3 tỷ đồng), phạm vi công việc trong hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu đã được phê duyệt… Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán công trình theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng công trình...
 
Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin./.
Thành Vinh
 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top