Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2016 | 10:41

Tiếp bài “Vụ án “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng: Vật chứng bị bán khi đang điều tra?!”: Tan nát những phận người!

Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh ở các kỳ trước, ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan ban hành “Quyết định khởi tố vụ án hình sự” số 02/QĐ-ĐTCBL, khởi tố Công ty Ngọc Hưng về tội “buôn lậu” xảy ra tại cảng Đà Nẵng. Tuy vậy, do không đủ chứng cứ buộc tội, sau 2 ngày xét hỏi, ngày 31/10/2014, TAND TP.Đà Nẵng đã ban hành “Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Thế nhưng, đến nay, vụ án vẫn chưa được tiếp tục xét xử, trong khi, nhiều người liên quan đã tiêu tan sự nghiệp; người bị bắt tạm giam; nhiều cán bộ công chức bị mất việc; có người đã tự tử…, gây  bức xúc dư luận.

>> Cơ quan tố tụng vi phạm luật?

>> Vụ án “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng: Vật chứng bị bán khi đang điều tra?!

Hai cán bộ hải quan bị khởi tố trong vụ án.

Nhiều người  kêu oan...

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Huy Liệu, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng bức xúc: Công ty chúng tôi làm ăn chân chính. Lô hàng bị cơ quan hải quan khởi tố này chúng tôi nhập khẩu từ Lào, kê khai hải quan và làm thủ tục kê khai xuất khẩu nguyên lô hàng nhập khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) đầy đủ theo quy định. Vậy nhưng, Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan vẫn khởi tố vụ án.

Ngày 19/11/2012, CQCSĐT Bộ Công an (C44) ban hành Quyết định khởi tố bị can số 100/C44 (P4) và Quyết định khởi tố bị can 189/C44 (P4); bắt giam ông Liệu  hơn 12 tháng và cấm bà Trần Thị Dung, Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đi khỏi nơi cư trú. Sau hơn 1 năm bị tạm giam, ông Liệu đã được thả vì thay đổi biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, đến nay, sau khi TAND đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lại từ hơn 1 năm nay, nhưng vụ án vẫn chưa được tiếp tục xét xử, trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 212, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, nếu vụ án do TAND trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời gian điều tra bổ sung không quá 1 tháng. Như vậy, theo quy định, thời hạn điều tra bổ sung đã quá hơn 1 năm. Và, nếu vụ án bị đình chỉ, hoặc tòa tuyên Công ty Ngọc Hưng không phạm tội buôn lậu, thì ông Liệu đã bị tạm giam oan hơn 1 năm trời!

Không riêng gì ông Liệu, liên quan đến vụ án này còn có 3 cán bộ, công chức hải quan bị khởi tố bị can, trong đó, 2 người bị tạm giam. Anh  Đỗ Lý Nhi và anh Lê Xuân Thành, nguyên là hai cán bộ hải quan cảng Cửu Việt (Quảng Trị), liên quan đến trách nhiệm kiểm tra lô hàng gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng nói trên. Theo ông  Lê Xuân Thành, các ông đã làm đúng theo lệnh của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa Việt ghi trên lệnh hình thức là kiểm tra thực tế đủ 5% toàn bộ lô hàng là 26,446m3 gỗ có 2.868 thanh gỗ và đã đánh dấu từng thanh theo quy định. Thế nhưng, ngày 24/6/2013, các ông bị khởi tố, bắt tạm giam. Sau đúng 5 tháng kể từ ngày tạm giam, ông Thành và ông Nhi được thả vì thay đổi biện pháp ngăn chặn nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ông Thành cho biết: “Từ khi bị khởi tố, gia đình chúng tôi sốc nặng. Bản thân cá nhân vừa bị mất việc làm, vừa bị mang tiếng, vừa không được đi khỏi nơi cư trú nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn”. Ông Thành đề nghị các cơ quan tố tụng khẩn trương xử án để đúng sai rõ ràng; nếu không thì phải trả lại danh dự cho các ông.

Ông Đỗ Danh Thắng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng, cho biết: Ông bị khởi tố bị can cùng ngày với anh Thành và anh Nhi; cũng bị cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng may là không bị tạm giam.

Theo ông Thắng, đến tháng 11/2015 vừa qua là ông tròn 60 tuổi, đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa được làm hồ sơ hưu trí, không được hưởng lương, không được cấp thẻ bảo hiểm để khám - chữa bệnh. Ông mong muốn vụ án sớm được xét xử để phân minh rõ ràng. Nếu không đủ chứng cứ buộc tội thì phải trả lại danh dự, quyền lợi cho ông.

Đơn kêu cứu của ông Trần Đình Quang.

...Một người tự tử!

Lá thư tuyệt mệnh ghi ngày 25/4/2013 của anh Trần Đình Quang, sinh ngày 20/11/1986, nhân viên Công ty Ngọc Hưng phản ánh về việc anh bị điều tra viên ép cung, đe dọa trong quá trình lấy lời khai về một số hoạt động của Công ty Ngọc Hưng (anh Quang đã tự tử).

Theo nội dung đơn, anh Quang cho biết, anh đã được Phòng 4-C44 - Bộ Công an mời đến làm việc với tư cách là người làm chứng trong vụ án này. Tuy nhiên, theo đơn anh Quang, anh đã bị điều tra viên Trần Đức Dũng ép cung, quát tháo, yêu cầu anh phải ghi nhận và thừa nhận những hành vi anh không biết! Đơn ghi rõ: “Khi tôi phản ứng lại và không thừa nhận thì điều tra viên Dũng đã tát vào mặt, tát vào đầu nhiều lần, dùng lời lẽ đe dọa…”; “ Thực tế, điều tra viên Dũng viết thông tin cá nhân của tôi vào 01 tờ Giấy tạm giam theo mẫu với lời đe dọa: “Mày không xác nhận thì tao sẽ cho tạm giam mày”. Và, theo gia đình, sau ngày bị C44 mời đến làm việc, anh Quang đã để lại một lá thư tuyệt mệnh và tự tử. Trong lá thư tuyệt mệnh, anh có nhắc nhiều đến việc bị ép cung.

Lá thư tuyệt mệnh của ông Trần Đình Quang.

Như vậy, vụ án “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng đã xảy ra hơn 4 năm, nhưng đến nay án vẫn chưa được tiếp tục xét xử. Còn nhiều cá nhân liên quan đến vụ án thì đã bị khởi tố, đã từng bị tạm giam, và có người liên quan đã tự tử!

Dư luận đang nóng lòng mong sự chỉ đạo kịp thời của cơ quan có thẩm quyền để làm rõ trắng đen, tránh xảy ra án oan sai cho người dân.                                   

Nhóm PV

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top