Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 11 năm 2020 | 18:50

Tin Môi trường: Truy tố cựu giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Tây Ninh

Nguyễn Thị Phượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo các nhân viên thực hiện việc lập khống chứng từ các khoản chi cho hoạt động dịch vụ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên 730 triệu đồng.

8 cựu cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh "nhúng chàm"

Viện KSND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Thị Phượng (cựu Giám đốc Trung quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh) cùng 7 thuộc cấp về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2013, với vai trò lãnh đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Thị Phượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo các nhân viên thực hiện việc lập chứng từ thanh toán khống các khoản chi cho hoạt động dịch vụ, gồm chi thanh toán tiền thuê xe ô tô, phụ cấp công tác phí, tiếp khách... gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên 730 triệu đồng.

 

th1.jpg
Truy tố cựu Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Tây Ninh

 

Ngoài 8 bị can, cáo trạng xác định các ông Nguyễn Hoàng (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tây Ninh), Ngô Đức Hà (nguyên Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường) và loạt cán bộ, nhân viên của Sở Tài nguyên và môi trường và Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường được xác định có sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị cấp thẩm quyền xem xét trách nhiệm cá nhân, xử lý theo quy định của pháp luật là có cơ sở.

Ban đầu cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Thị Phượng về tội tham ô tài sản. Sau quá trình điều tra thì cơ quan tố tụng đổi tội danh từ tham ô tài sản sang tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với bị can Phượng.

Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh xác định hành vi của bị can Phượng cùng đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản của Nhà Nước, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức…

Chậm trễ di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội thành

Vụ cháy kho hóa chất Đức Giang tại quận Long Biên (Hà Nội) mới đây, hay đặc biệt là vụ cháy nổ tại Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) vào năm 2019 dẫn đến phát tán thủy ngân ra môi trường cho thấy rủi ro luôn rình rập nếu những nhà máy gây ô nhiễm không sớm được di dời khỏi các khu đông dân cư. Bên cạnh đó, dư luận cũng rất quan tâm đến việc chậm trễ thực hiện chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi nội đô.

Trước nguy cơ ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ các nhà máy trong nội thành, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành đã được đặt ra từ năm 2008.

 

th2.jpg
Nhà máy Công ty Thuốc lá Thăng Long được duyệt chủ trương di dời từ 9 năm trước nhưng việc di dời Nhà máy diễn ra hết sức chậm. Ảnh: Lê Tiên

 

Để thực hiện chủ trương nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1619/QÐ-UBND nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị vào tháng 4/2015.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện di dời các nhà máy diễn ra ì ạch, trong khi đó, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên đáng báo động ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM. Đáng báo động hơn là rủi ro về tính mạng và sức khỏe người dân. Điển hình là hậu quả rò rỉ thủy ngân gây độc hại đối với sức khỏe người dân từ vụ cháy Nhà máy bóng đèn - Phích nước Rạng Đông vào tháng 8/2019 ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong một báo cáo của UBND TP. Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6/2019, trên địa bàn có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, vẫn còn 113 cơ sở chưa thể di dời, có thể kể đến như Nhà máy Bia Hà Nội (đường Hoàng Hoa Thám), Công ty Thuốc lá Thăng Long (đường Nguyễn Trãi), Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp)…

Những cơ sở này đều được xây dựng cách đây vài chục năm, nằm sát khu dân cư nên mỗi khi hoạt động gây ra tiếng ồn, khói bụi. Người dân sống ở khu vực đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, Thanh Xuân - nơi hoạt động của nhiều nhà máy của các đơn vị như Công ty CP Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long cho biết, hàng ngày khi nhà máy hoạt động gây ra mùi khó chịu trong không khí.

Nhà máy Công ty Thuốc lá Thăng Long đã được duyệt chủ trương di dời từ 9 năm trước. Theo quyết định được duyệt, Công ty có thể sử dụng số tiền thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất để dời nhà máy ra Khu công nghiệp Quốc Oai và hỗ trợ nghỉ việc cho người lao động. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong công tác di dời theo lý giải của doanh nghiệp là do công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn chưa hoàn tất nên chương trình di dời Nhà máy chưa có ngân sách.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội khóa XV cho biết, tâm lý các cơ sở ngại di dời vì người lao động ngại đi xa; năng lực tài chính của các đơn vị để đảm bảo sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời.

Đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Có thể nói, di dời các nhà máy khỏi khu dân cư để mở rộng không gian xanh dù đã được thành phố Hà Nội ra quyết định từ nhiều năm trước nhưng hiện đang diễn ra chậm chạp, chưa có khu đất nào được xanh hóa.

Thúc đẩy tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn

UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 5206/QĐ-UBND ngày 20-11-2020 thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ và đôn đốc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Dự án có công suất 4.000 tấn/ngày, đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là nhà đầu tư.

Theo quyết định trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An là Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành; 2 Tổ phó là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định và Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn. Các thành viên Tổ công tác liên ngành có đại diện các sở, ngành chuyên môn: Kế hoạch và Đầu tư; Quy hoạch - Kiến trúc; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Ngoại vụ; Công Thương; Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

th3.jpg
Nhà máy điện rác Sóc Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

 

Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ đôn đốc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành, đưa vào vận hành theo cam kết của nhà đầu tư và chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố; hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục phụ trợ, giải quyết thủ tục nhập cảnh, cách ly, cấp giấy phép lao động hoàn thành các thủ tục pháp lý về xây dựng, môi trường, thuế, kiểm tra công nghệ vận hành, các nội dung liên quan đến phát điện và các nội dung pháp lý khác liên quan để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn là dự án quan trọng, phục vụ dân sinh của thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác trong tháng 1-2021.

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top