Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 3 năm 2020 | 18:55

Tin NN miền Trung: Lãi 100 triệu đồng/ha từ trồng bí đỏ ven sông

Chỉ 75 ngày từ khi trồng đến thu hoạch, bà con Anh Sơn, thu trên 100 triệu đồng/ha từ bí đỏ.

Với thời gian trồng chỉ 75 ngày, kể từ khi xuống giống, cho đến khi thu hoạch, nông dân huyện Anh Sơn (Nghệ An), thu nhập trên 100 triệu đồng/ha từ bí đỏ.

 

bi-331.jpg

Thương lái vào tận ruộng để thu mua bí đỏ. Ảnh: Thái Hiền

 

Đến xã Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Tào Sơn, huyện Anh Sơn những ngày này, trên các cánh đồng ven bãi sông Lam được phủ kín màu xanh của cây bí đỏ.

Chị Nguyễn Thị Vân, thôn 4, xã Cẩm Sơn chia sẻ: Những năm trước, nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng bí đỏ, trên đất bãi ven sông Lam. Vụ Đông này, chị  trồng 2 sào giống bí đỏ F1 868. 

Với giá hiện tại 5.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi trên 10 triệu đồng, chưa kể tận thu thêm từ hoa bí, và ngọn bí lúc đầu vụ.

Theo chị Vân, quả bí đỏ F1 868 vỏ dày, cứng, có thể bảo quản trong thời gian dài, nên thuận lợi trong việc tiêu thụ, nhất là khi rau giáp vụ khan hiếm. 

Bà Nguyễn Thị Toàn ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn cho biết: Vụ đông năm nay, bà trồng 3 sào trên đất bãi, đã bán được 4 tấn quả, với giá tại ruộng 5.000 đồng/kg, thu trên 20 triệu đồng.

Hiện, toàn huyện Anh Sơn, có hơn 50 ha bí đỏ, được trồng nhiều ở các xã như Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Tào Sơn, Thạch Sơn, Lĩnh Sơn. Theo kinh nghiệm của bà con, bí đỏ là cây có khả năng chịu hạn tốt, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn.

Mặt khác, đây là cây trồng ít sâu bệnh, ít phải  dùng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu tư thấp.

Ngoài ra, ngọn, hoa bí cũng là nguồn thu nhập không nhỏ. Theo đó, trung bình 1 ha bí đỏ, cho thu hoạch 30- 40 tấn quả, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/ha.

Để cây bí đỏ trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông, huyện Anh Sơn đã định hướng cho bà con, mở rộng diện tích gieo trồng theo vùng, nhất là ở diện tích đất bãi. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, và chăm sóc bí cho bà con. 

Đức Phổ: Nông dân trúng mùa đậu phụng trên vùng đất cát

Có thời điểm, phần lớn những cánh đồng sản xuất hoa màu của nông dân ở các xã bãi ngang ven biển của thị xã Đức Phổ chỉ trồng khoai lang, mì, hiệu quả thấp. Nhưng nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, vùng đất bạc màu ngày nào hiện đang trở thành những cánh đồng đậu phụng xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con.

Đến xã Phổ Khánh, vùng bãi ngang ven biển, thuộc Thị xã Đức Phổ, đi đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được, không khí thu hoạch đậu phụng khẩn trương, niềm vui của bà con như được nhân lên, bởi đậu phụng năm nay ít sâu bệnh lại được mùa.

 

lac-991.jpg

Lắp đặt hệ thống tưới phun bằng béc, nông dân bớt công sức, năng suất vẫn ổn định

 

Ông Trà Minh Công, cho biết: Không vui sao được, khi đậu phụng năm nay củ nhiều, lại chắc. Chưa năm nào, người dân Quy Thiện phấn khởi vì đậu vừa được mùa, được giá như năm nay. Với giá bán 15 nghìn đồng/kg, doanh thu đợt này phải trên 10 triệu đồng. 

Ở thôn Phú Long, không khí thu hoạch đậu của bà con cũng khẩn trương hơn, ai cũng phấn khởi vì được mùa. Theo các hộ dân, vụ xuân năm nay được mùa nhất, nhờ thời tiết ổn định, sâu bệnh ít, nên đa số người trồng đậu phộng đều phấn khởi vì được mùa.

Chị Trần Thị Thương, thôn Phước Long, cho biết, năng suất ước đạt 2,5 tạ/sào, gia đình xuống giống 7 sào, hiện, thu hoạch được 2 sào. Với giá đậu phụng tươi là 15.000 đồng/kg; khô 28 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 1-1,5 triệu đồng/sào. 

Đậu phụng không sợ rớt giá. Nếu không bán được đậu tươi, thì bà con phơi khô để ép lấy dầu, bán cũng được giá. Vì vậy, so các loại cây trồng như khoai lang, mì ở chân đất cát này, thì lợi nhuận cao gấp 3- 4 lần", chị Thương chia sẻ.

Hiện, toàn xã Phổ Khánh có hơn 200ha trồng đậu phụng, một năm người dân làm 2 vụ, ước thu khoảng 6 tỷ đồng/năm. Khi thu hoạch, cây đậu phộng còn tạo việc làm cho lao động nông nhàn, tham gia nhổ và bóc đậu, thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/ngày/người. 

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, cho biết: Diện tích đất tự nhiên ở đây lớn, nhưng chủ yếu là đất cát pha, bạc màu, lại thiếu nước, nên bà con chỉ biết trồng khoai lang, mì hiệu quả thấp.

Song, năm năm trở lại đây, người dân đã đào giếng, khơi mạch, đặt máy bơm để chuyển đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, và hiệu quả kinh tế đem lại khá hơn nhiều, nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu động mỗi năm từ cây đậu phụng.

Đây là xã có diện tích trồng đậu phộng cao nhất ở thị xã Đức Phổ, với khoảng 225ha (tăng gần 20ha so cùng kỳ năm trước), năng suất bình quân đạt trên 40 tạ/ha.

Đặc biệt, một năm trở lại đây, có gần 99% số hộ, đã lắp đặt hệ thống bơm tưới cho ruộng đậu phụng bằng béc phun, để nâng cao hiệu quả.

Ông Trần Minh Lập (thôn Quy Thiện), chia sẻ: “Lúc đầu, chỉ những hộ trồng trên 5-7 sào mới tưới bằng béc, nhưng nay thì hầu như ai cũng tưới theo cách này.

Tổng chi phí không quá 1 triệu đồng/sào nhưng mình bớt nhọc công hơn, có thể tận dụng thời gian rảnh để bón phân hay nhổ cỏ cho đậu”.

Gần 30 năm cày sâu cuốc bẫm ở vùng đất bạc màu, ông Trần Thúc Uy (thôn Phước Điền), phân tích: tưới thủ công thì không đều, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây.

Còn sử dụng hệ thống béc tưới, tia nước phun ra nhẹ và đều khắp, nên không gây tác động nhiều đến cây trồng, thời gian thu hoạch có thể rút ngắn, năng suất vẫn ổn định so với tưới theo rãnh, hoặc dùng vòi xịt như truyền thống.

Cũng nhờ lắp đặt béc, vụ Đông- Xuân 2019, ông Uy trồng 10 sào đậu phụng, năng suất rất cao, thu trên 20 tạ, trừ chi phí, thực lãi gần 50  triệu đồng. Còn 10 sào năm nay phát triển rất tốt, dự kiến sẽ thu hoạch trong vài ngày đến, hứa hẹn một mùa đậu phụng bội thu. 

Nghĩa Đàn: Quýt 2.000 đồng/kg vẫn không ai mua, đành để rụng đầy vườn

Giá quýt PQ rớt thảm, mà vẫn không bán được, một số nhà vườn ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), hàng ngày chỉ còn làm mỗi việc không mong muốn, đó là dọn quýt rụng đi đổ.

 

q-661.jpg
Không bán được, hàng ngày, chị Thanh phải đi nhặt quýt thối. Ảnh: Đinh Thùy

 

Xã Nghĩa Hồng có 38 ha quýt đang kỳ thu hoạch. Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc hơn cam. Tuy nhiên, đầu ra gặp nhiều khó khăn, đang khiến người dân  đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Quốc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng, cho biết: Thời điểm này, quýt bán 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng không ai mua. Hiện, xã cũng tuyên truyền người dân không mở rộng diện tích. Với giá như vài năm nay, một số hộ đã chuyển sang cây trồng xen như bí, dưa, cà...

Tương tự, xã Nghĩa Mai, nông dân cũng đang mong ngóng thương lái từng ngày. Để thay thế cây trồng cũ kém hiệu quả, gần đây người dân đã chuyển đổi hơn 50 ha sang cây có múi như: cam, quýt nhưng đầu ra không ổn định.

Bà Nguyễn Thị Thanh, làng Mai Thịnh, xã Nghĩa Mai, trồng 500 gốc quýt, dự tính, vụ này cho sản lượng 20 tấn, nhưng đến thời điểm này, bà chỉ bán được nửa tấn, với giá 4.000 đồng/kg.

Ngày nào bà Thanh cũng ra vườn dọn quả rụng, nhờ người tìm thương lái mua, nhưng chỉ bán được mỗi ngày vài cân. Bà Thanh chia sẻ: Đây là năm thứ hai, gia đình gặp khó khăn trong việc tiêu thụ quýt.

Nhìn vườn quýt, tui mất ăn mất ngủ, rẻ mà không có khách mua. Vay mượn, vốn liếng đầu tư, nhưng giờ chỉ mong lấy lại được vốn. Nếu cứ tình trạng này, không biết lấy tiền đâu trả nợ...

Hiện, quýt đã bắt đầu ra hoa, nếu không thu hoạch sớm, thì không chỉ sản lượng, chất lượng kém, mà còn ảnh hưởng đến vụ sau. Một số nhà vườn ở đây đã đưa quýt đi các địa phương khác để bán, nhưng cũng tiêu thụ chậm, mỗi ngày chỉ bán được 1 - 2 tạ.

Những người trồng quýt như bà Thanh, chỉ mong sản phẩm được giải cứu, vớt vát tiền, để đầu tư tiếp, hy vọng vụ sau giá quýt tăng . 

Ông Lê Văn Thành, cán bộ nông nghiệp xã Nghĩa Mai chia sẻ: Quýt ở Nghĩa Mai chủ yếu đang thời kỳ thu hoạch chính, tức là sau khi đầu tư 3, 4 năm.

Hiện, giá quýt thương lái mua từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng năm nay không có ô tô về mua số lượng lớn, chủ yếu là những người buôn nhỏ lẻ, khiến cho người dân rất lo lắng, bởi quýt đã rụng nhiều.

Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, hướng dẫn bà con chăm sóc, cũng như thu dọn quýt rụng, tránh ô nhiễm môi trường.

Không chỉ ở Nghĩa Đàn, người trồng quýt ở nhiều nơi như huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ... cũng đang mong ngóng thương lái thu mua, để đầu tư cho vụ sau. 

 

 

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top