Đây là tín hiệu vui cho người trồng quế Lào Cai khi thị trường giá thu mua vỏ quế năm nay tăng cao.
Người dân xã Xuân Hòa (Bảo Yên) thu hoạch vỏ quế. Ảnh: Báo Lào Cai
Hiện tại, giá thu mua vỏ quế khô của thương lái tại các huyện trong tỉnh có giá 52.000 đồng/kg; so với năm 2018, giá tăng hơn 12.000 đồng/kg. Những năm trước, giá thu mua vỏ quế khô trung bình dao động khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Năm 2018, sản lượng toàn tỉnh đạt 1.318 tấn vỏ quế khô, người trồng quế chủ yếu xuất bán qua thương lái mua thu gom, các cơ sở, doanh nghiệp thu mua trên địa bàn. Theo hạch toán kinh tế của ngành lâm nghiệp, 1ha quế cho thu khoảng 8 tấn vỏ quế khô (khai thác năm cuối), trung bình giá bán 50.000 đồng/kg, thu gần 400 triệu đồng. Cùng với nguồn thu từ thân, cành lá quế và các khoản phụ thu khác từ đầu chu kỳ, 1ha quế cho thu hơn 600 triệu đồng.
Theo số liệu điều tra, rà soát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 26.651ha cây quế, với 116/164 xã, phường, thị trấn có diện tích trồng quế. Trong đó, tập trung nhiều tại các huyện (có diện tích từ 500ha trở lên): Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương... Riêng huyện Bảo Yên có diện tích trồng quế lớn nhất tỉnh, với trên 13.200ha. Với diện tích quế hiện nay, luân kỳ khai thác 15 năm; bình quân 1 năm giai đoạn 2019 - 2025 toàn tỉnh sẽ khai thác 1.780 ha; cho thu bình quân khoảng 1.140 tỷ đồng.
Ngô mất mùa, người dân Tả Gia Khâu lo lắng
Đã đến thời điểm thu hoạch nhưng phần lớn diện tích ngô trên địa bàn xã Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) có bắp rất nhỏ, ít hạt hoặc không cho thu hoạch.
Cây ngô ở xã Tả Gia Khâu phát triển kém, cho bắp nhỏ và ít hạt. Ảnh: Báo Lào Cai
Thôn Sín Pao Chải của xã có 40 hộ thuộc dân tộc Phù Lá và Bố Y sinh sống, thu nhập chủ yếu từ cây ngô và cây lúa. Thông thường, tháng 7 và tháng 8 hằng năm là vụ thu hoạch ngô, người dân rủ nhau lên nương bẻ bắp. Tuy nhiên, năm nay, vụ thu hoạch ngô đã đến nhưng không khí Sín Pao Chải vẫn trầm lắng, vì đến độ thu hoạch mà nương ngô lại héo vàng.
Anh Lồ Thính Sèng, Trưởng thôn Sín Pao Chải không giấu được nỗi buồn: Mọi năm, mỗi hộ ở đây trồng 30 đến 40 kg ngô giống, thu hoạch được hơn 4 tấn ngô. Năm nay, từ khi mới gieo hạt đã gặp hạn hán nặng khiến 1/3 diện tích ngô không mọc được, những cây ngô lên được thì cũng còi cọc, không phát triển và khi cây ra hoa, ra bắp lại gặp đợt nắng nóng kéo dài. Năm nay, có lẽ mỗi hộ ở đây chỉ thu được khoảng 1 tấn ngô, có hộ được vài tạ. Cây lúa cũng không khá hơn là bao khi có tới 50% diện tích không cấy được do hạn hán. Bà con rất lo lắng vì không có ngô, lúa thì lương thực cho người sẽ thiếu và không có gì cho trâu, lợn, gà ăn, nguồn thu nhập chính cũng vì vậy mà không còn được bao nhiêu. Thôn Sín Pao Chải hiện có 27 hộ nghèo, nguy cơ một số hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới đang hiện hữu.
Không chỉ ở thôn Sín Pao Chải, mà tại thôn Pạc Tà, nhiều nương ngô đã đến vụ thu hoạch nhưng chẳng ai buồn lên bẻ bắp. Cùng với những nương ngô đã chuyển vàng, có những nương ngô khá xanh tốt. Ông Lồ Phủ Sài, thôn Pạc Tà bảo, mấy nương ngô xanh đó cũng không cho thu hoạch được bao nhiêu vì sau mấy cơn mưa gần đây, lá ngô xanh hơn, chứ bắp ngô thì bé như chuôi dao.
Tả Gia Khâu là một trong những xã có diện tích trồng ngô lớn của huyện Mường Khương, do hạn hán nên năm nay diện tích ngô của xã bị mất mùa.
Ông Cao Xuân Phà, Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu bộc bạch: Năm nay, nắng hạn kéo dài, từ tháng 3 đến tháng 6, trên địa bàn xã không có mưa, người dân trồng 300 ha ngô nhưng có tới 13 ha bị héo chết ngay từ khi cây mới mọc. Diện tích ngô còn lại bị thiếu nước nghiêm trọng nên không phát triển được, chỉ khoảng 100 ha ngô cho thu hoạch nhưng năng suất, sản lượng dự kiến chỉ bằng 1/3 năm trước.
Nậm Nhùn mở rộng diện tích ruộng nước
Hết tháng 6/2019, nông dân xã Nậm Chà, Nậm Nhùn (Lai Châu) khai hoang được hơn 10ha ruộng nước, đạt 100% kế hoạch giao cả năm. Hầu hết các diện tích đã được đưa vào sản xuất lúa vụ mùa.
Nông dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) đưa máy móc vào hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ khai hoang ruộng nước. Ảnh: Báo Lai Châu
Anh Lò Văn Thiết – Công chức địa chính, nông nghiệp xã Nậm Chà cho biết: “Những năm qua, xã luôn là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong công tác khai hoang ruộng nước. Từ năm 2017 đến nay, nông dân khai hoang được hơn 41ha ruộng. Kết quả này là nhờ chính quyền xã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai đảm bảo chương trình hỗ trợ; đường giao thông được nâng cấp, thuận lợi đưa máy móc vào hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ khai khoang. Các diện tích khai hoang được quy hoạch gần công trình thủy lợi, đảm bảo có thể đưa vào sản xuất ngay sau khi hoàn thành. Từ nay đến cuối năm, xã tiếp tục tuyên truyền, giúp đỡ người dân khai hoang thêm các diện tích đất đủ điều kiện sản xuất”.
Theo kế hoạch, năm nay huyện Nậm Nhùn thực hiện khai hoang 36ha ruộng nước, đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 26,7ha (đạt 74,16% kế hoạch), tập trung nhiều ở các xã: Nậm Hàng, Mường Mô, Nậm Chà, Nậm Manh... Phần lớn diện tích khai hoang ở gần kênh mương thủy lợi, thuận tiện về nguồn nước. Việc khai hoang được thực hiện đồng bộ từ công tác tuyên truyền đến hỗ trợ và triển khai.
Huyện Nậm Nhùn thực hiện theo đúng chính sách hỗ trợ khai hoang của tỉnh là 15 triệu đồng/ha. Hiện, phần lớn diện tích ruộng khai hoang năm 2019 ở các xã đã được người dân kịp đưa vào sản xuất lúa vụ mùa.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Nậm Nhùn đã khai hoang được hơn 215ha ruộng nước, phần lớn diện tích đủ điều kiện sản xuất lúa 2 vụ.
Sâu keo mùa thu gây hại hơn 40ha ngô ở Nậm Pồ
Đến ngày 17/7 đã có 8/15 xã của huyện Nậm Pồ (Điện Biên Phủ) xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, với diện tích thiệt hại hơn 40,5ha. Sâu keo chủ yếu phá hoại trên búp non và lá cây ngô, có sức lây lan nhanh chóng.
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nậm Pồ kiểm tra tình trạng sâu hại ngô tại xã Nà Hỳ. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Sâu keo mùa thu xuất hiện trên địa bàn từ trung tuần tháng 6 và đến nay lây lan ra 8 xã có diện tích cây ngô bị sâu keo mùa thu phá hoại gồm: Nà Hỳ, Nậm Tin, Vàng Đán, Phìn Hồ, Pa Tần, Nà Bủng, Nậm Chua, Nậm Khăn. Trong đó 2 xã có diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất là Phìn Hồ (trên 12ha) và Nậm Tin (9ha). Trước tình hình trên, Phòng NN&PTNT và Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, hướng dẫn người dân phun thuốc đúng cách, đúng chủng loại và dùng các biện pháp khác để diệt trừ sâu, hạn chế khả năng lây lan trên diện rộng.
Theo khuyến cáo của Phòng NN&PTNT huyện, để bảo vệ cây trồng, bà con nông dân cần chủ động phun thuốc phòng trừ sâu trên cả những diện tích lân cận bởi tốc độ lây lan của sâu keo khá nhanh.
Mộc Châu: Trồng bơ năng suất cao
Mô hình trồng cây bơ của gia đình chị Nguyễn Thị Trang, tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Báo Sơn La
Mộc Châu (Sơn La) lại vào vụ thu hoạch bơ. Từ nhiều năm nay, cây bơ bén rễ trên mảnh đất cao nguyên, cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng, từng bước khẳng định được thương hiệu, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây.
Cây bơ trồng trên đất Mộc Châu từ những năm 1990, khi một số cán bộ nông trường Mộc Châu đi công tác miền Nam, được thưởng thức quả bơ, thấy ăn ngon, lạ, mọi người đều đem hạt về ươm trồng thử. Thế rồi, cây bơ hợp đất, hợp khí hậu và bắt đầu phát triển ở Mộc Châu.
Đặc biệt, với giá trị kinh tế cây bơ mang lại, những năm gần đây, cây bơ được nhiều hộ dân đầu tư trồng, mở rộng diện tích, tập trung ở thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã Đông Sang, Mường Sang, Nà Mường, Hua Păng, Phiêng Luông, Tân Lập, Chiềng Hắc, Tà Lại...
Năm 2018, toàn huyện có 386ha bơ (khoảng 100ha cho thu hoạch), năng suất bình quân đạt 28 tấn quả/ha, sản lượng gần 2.800 tấn quả. Năm 2019, diện tích cây bơ tăng lên 405ha, tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa đá, nắng nóng trong thời điểm bơ kết trái đã làm nhiều quả bị rụng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của bơ Mộc Châu.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, được biết: Để xây dựng thương hiệu cho quả bơ Mộc Châu, huyện đã đầu tư nghiên cứu và công bố bộ nhận diện sản phẩm quả bơ Mộc Châu. Bơ Mộc Châu ngoài bán quả tươi cho khách du lịch, tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, còn cung cấp vào nhiều hệ thống siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội như: Vinmart, Big C, Lotte Mart... Đặc biệt, vụ bơ năm 2019, huyện đang tìm một số đơn vị để xuất khẩu quả bơ Mộc Châu sang thị trường một số nước trên thế giới.
Để cây bơ phát triển trở thành cây làm giàu cho người dân, huyện Mộc Châu tiếp tục tăng cường vận động người trồng bơ liên kết, thành lập các nhóm, HTX trồng bơ theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và kết nối với thị trường thông qua các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài nước; tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho quả bơ Mộc Châu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
V.N (tổng hợp)/nguồn: Báo Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Sơn La
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.