Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình, hiện có 2.000 ha cây trồng được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ, tập trung ở nhóm rau, cây ăn quả có múi.
Tổng số có 42 cơ sở được chứng nhận, bao gồm có 27 cơ sở chuyên canh cây ăn quả có múi, 11 cơ sở chuyên canh rau, 4 cơ sở cây trồng khác.
Cơ sở sản xuất Hòa Bình GAP tại thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) được chứng nhận VietGAP cho sản phẩm quả đặt nền móng phát triển thị trường tiêu thụ. Ảnh: Báo Hòa Bình
Trên cơ sở được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ, vấn đề quản lý chất lượng các sản phẩm trồng trọt được tăng cường, thúc đẩy xúc tiến thương mại, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và mở rộng diện tích sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa, tập trung. Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi, cây rau, đặc biệt là sản phẩm rau hữu cơ, su su, tỏi tía, mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hình thành các HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân, giúp tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua hợp đồng tăng mạnh, đạt trên 30% tổng sản lượng tiêu thụ.
Sơn La: Gần 6 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Mô hình trồng na hữu cơ của HTX Mé Lếch, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi (Mai Sơn). Ảnh: Báo Sơn La
Thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, năm 2019, tỉnh đã ban hành phương án hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn giai đoạn 2019-2020. Theo đó, toàn tỉnh sẽ triển khai 24 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với 10 loại sản phẩm nông nghiệp: Xoài, nhãn, chanh leo, na, thanh long, cam, bưởi, rau, chè, phân hữu cơ của 89 doanh nghiệp, hợp tác xã; tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát nhu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ của các HTX, doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ 24 tấn men vi sinh thực hiện 12 mô hình ủ phân hữu cơ. Toàn tỉnh đã thực hiện được 2 mô hình sản xuất rau trên địa bàn Thành phố và huyện Mai Sơn với diện tích 10 ha; 8 mô hình sản xuất quả với 40 ha; 2 mô hình sản xuất chè diện tích 20 ha. Hiện, các mô hình sản xuất quả theo hướng hữu cơ sinh trưởng, phát triển tốt.
Sản lượng cam Lục Yên đạt trên 10.000 tấn
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Lục Yên (Yên Bái), tổng diện tích cam trên địa bàn huyện hiện nay đạt trên 700 ha, trong đó có khoảng 600 ha cho thu hoạch.
Sản phẩm cam sành Lục Yên tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam. Ảnh: Báo Yên Bái
Vùng sản xuất cam tập trung tại các xã: Khánh Hòa, Mường Lai, Minh Xuân, Yên Thắng. Các giống cam chủ yếu được người dân đưa vào trồng là: cam Vinh, cam sành…
Những năm qua, chính quyền, cơ quan chuyên môn và nhân dân đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam. Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng sản xuất hữu cơ nên sản lượng cam ngày càng tăng. Năm 2019, sản lượng đạt trên 10 nghìn tấn, năng suất đạt trên 20 tấn/ha.
Lai Châu: Hướng đi mới từ mô hình nuôi thỏ New zealand
Sau hơn 6 tháng thực hiện mô hình nuôi thỏ New zealand làm nguyên liệu sản xuất vắc-xin theo hình thức nuôi tập trung của 5 hộ nông dân xã Phúc Than (huyện Than Uyên, Lai Châu), đến nay, đàn thỏ sinh trưởng phát triển tốt với số lượng hơn 5.000 con và chuẩn bị xuất chuồng. Qua đó, tạo việc làm, từng bước giúp bà con nhân rộng chăn nuôi quy mô lớn đem lại hiệu quả và thu nhập cao.
Mô hình nuôi thỏ New zealand làm nguyên liệu sản xuất vắc-xin góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Phúc Than. Ảnh: Báo Lai Châu
Hiện nay, việc phát triển mô hình gia trại liên kết, tập trung giữa các hộ gia đình giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Những năm gần đây, xã Phúc Than chú trọng phát triển giống cây, con mới, có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, người dân trên địa bàn bắt đầu phát triển mô hình nhóm hộ nuôi thỏ lấy thịt, bán giống và nuôi thỏ làm nguyên liệu sản xuất vắc-xin theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản. Để tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn xã tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình chăn nuôi thỏ tập trung có liên kết, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, Hội Nông dân xã Phúc Than triển khai mô hình nuôi thỏ làm nguyên liệu sản xuất vắc-xin.
Mô hình có sự tham gia của 5 hộ trên địa bàn xã với hình thức chăn nuôi tập trung nhóm hộ. Các hộ được vay 100 triệu đồng/hộ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh trong 3 năm với lãi suất 0,65%/tháng. Số tiền này, các hộ dùng để mua 300 con giống, thức ăn, thuốc thú y. Tham gia mô hình, các hộ được liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) trong việc cung cấp giống; bao tiêu sản phẩm. Bà con được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật như: chăm sóc, phòng dịch bệnh, phối giống, cách nuôi, vệ sinh chuồng trại…
Đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Than cho biết: “Từ khi có mô hình, Đảng ủy xã chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp Hội Nông dân huyện thường xuyên quan tâm công tác chăn nuôi thỏ của nhóm hộ này. Đồng thời, đôn đốc để các hộ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, vệ sinh môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về triển vọng mô hình, tôi thấy ổn định vì đầu ra đã có doanh nghiệp đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con. Mô hình thành công, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ nhân rộng ra toàn địa bàn để bà con học hỏi, làm theo”.
Theo tính toán của các hộ dân, sau khoảng 4 - 6 tháng, 1 thỏ mẹ có thể sinh sản từ 7 - 8 thỏ con, sau khi trưởng thành đạt 2,3kg sẽ bán giá từ 70 - 80.000 đồng/kg và toàn bộ sản phẩm sẽ được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu. Hiện nay, doanh nghiệp đã thu mua lứa thỏ đầu tiên. Sau 3 năm thực hiện mô hình sẽ mang lại thu nhập khoảng 4,487 tỷ đồng, trừ chi phí 2,990 tỷ đồng, còn lại lợi nhuận 1,496 tỷ đồng và mỗi hộ sẽ thu về 99,768 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Than nhấn mạnh: “Mô hình tuy mới nhưng được doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp về nguồn gốc con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết nhóm hộ cùng với doanh nghiệp sẽ tạo nên chuỗi liên kết vững chắc trong chăn nuôi, tạo việc làm, thu nhập cao cho người dân”.
Điện Biên: Chủ động kiểm soát sâu keo mùa thu và các dịch hại trên lúa đông xuân
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay trên một số diện tích sản xuất lúa đông xuân 2019 - 2020 tại TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên Đông bắt đầu xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại. Đây là lần đầu tiên tỉnh ta ghi nhận việc sâu keo mùa thu gây hại trên cây lúa nước. Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá xuất hiện, diễn biến phức tạp trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé.
Để quản lý, phòng chống hiệu quả sâu keo mùa thu và các dịch hại khác trên lúa đông xuân 2019 - 2020 bảo vệ an toàn sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động lập kế hoạch điều tra, giám sát, phát hiện, khoanh vùng, kiểm soát bệnh đạo ôn và một số đối tượng gây hại, như: bọ xít đen, tập đoàn rầy, nghẹt rễ... Cùng với đó, thường xuyên cập nhập thông tin, theo dõi sát diễn biến thời tiết, sinh trưởng của cây trồng, sinh vật gây hại để kịp thời phát hiện sớm các diện tích sâu keo mùa thu gây hại trên lúa và các diện tích khác. Triển khai các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bón phân hợp lý giúp cây lúa tăng sức đề kháng...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.